Nông thôn Vĩnh Long thay đổi từng ngày

Cập nhật, 05:49, Thứ Năm, 27/04/2017 (GMT+7)

25 năm nhìn lại- quãng thời gian không quá dài nhưng cũng không quá ngắn-đủ để khẳng định một chặng đường phát triển của quê hương, đất nước.

Đường tỉnh 908 mở ra cơ hội phát triển cho nhiều xã vùng sâu của huyện Bình Tân.
Đường tỉnh 908 mở ra cơ hội phát triển cho nhiều xã vùng sâu của huyện Bình Tân.

Và trong 25 năm ấy, nông thôn Vĩnh Long cùng cả nước đã đạt được những thành tựu khó ngờ.  

Đấy là cảm nhận của những người từng gắn bó với nông thôn, vì nông thôn Vĩnh Long sau 25 năm xây dựng và phát triển.

Chúng tôi được ông Nguyễn Văn Thu ở chợ xã Tân Thành (Bình Tân) cho biết: “Nếu bây giờ đem so với 25 năm về trước thì Tân Thành ngày nay khác một trời một vực à”.

Ngẫm nghĩ như lục lại trí nhớ trong hồi ức, ông kể: “Hồi ấy, ở địa danh Tầm Vu này (gồm các xã Tân Hưng, Tân Thành, Thành Trung, Nguyễn Văn Thảnh ngày nay) hầu như chỉ có đất đai vùng trũng. Đất rộng, người còn thưa, chỉ khai thác được một phần để làm lúa, nhưng năng suất rất thấp.

Đời sống người dân rất khó khăn. Lúc ấy nơi đây còn thuộc huyện Bình Minh, từ Tầm Vu này về huyện, chỉ có đò máy hay xuồng chèo, rất mất thời gian”.

Sau mỗi 5 năm, địa danh này hoàn thiện tổ chức hành chính; đầu tư phát triển thủy lợi, đắp đường làm giao thông nông thôn; tuyến Đường tỉnh 908, đường huyện được mở ra, đường liên ấp theo các tuyến kinh cũng hình thành.

Thủy lợi được khép kín, tạo điều kiện cho nông nghiệp, đặc biệt là cây màu khoai lang phát triển mạnh. Giao thông thuận lợi hơn. Từ đó, chợ xã Tân Thành được hình thành, tạo mối giao thương, trao đổi hàng hóa trong khu vực.

Bệnh viện Đa khoa Quân dân y kết hợp được thành lập để kịp thời chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; các cơ quan, đơn vị quân đội cũng về đây xây dựng khang trang. Kinh tế- xã hội được quan tâm của tỉnh, của huyện, sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương đã góp phần làm cho vùng đất mới Tân Thành nói riêng và các xã trong vùng không ngừng phát triển.

Phố chợ Tân Thành năm 1992 từ chưa có, nay trở nên sầm uất.
Phố chợ Tân Thành năm 1992 từ chưa có, nay trở nên sầm uất.

Ngãi Tứ- xã vùng sâu và là vùng căn cứ kháng chiến thuộc huyện Tam Bình- nay cũng phát triển vượt bậc không ngờ.

Ông Võ Quyết Thắng- Chủ tịch UBND xã Ngãi Tứ- nhớ lại và so sánh: Khoảng năm 1992, Ngãi Tứ hầu như chưa có gì. Sau các nhiệm kỳ đại hội Đảng bộ, mới đề ra nghị quyết, có mục tiêu cụ thể cho mỗi 5 năm và từng năm.

Ngãi Tứ hồi xưa cũng như nhiều xã nông thôn vùng sâu khác, biết bao khó khăn, nhưng rồi tuyến đường huyện 26/3 được mở ra và nâng cấp suốt chiều dài của xã và các tuyến đường liên ấp nối liền với các Đường tỉnh 901, 905, 909, thông ra QL54 đi các nơi vô cùng thuận lợi; thủy lợi dần hoàn thiện và các cơ sở hạ tầng kinh tế- xã hội khác theo đó được sự quan tâm đầu tư xây dựng phát triển một cách đồng bộ để Ngãi Tứ ngày nay trở thành xã nông thôn mới (NTM), có kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội (điện, đường, trường, trạm,…) của một xã nông thôn tương đối hoàn thiện; tạo điều kiện cho kinh tế- xã hội của xã phát triển nhanh và bền vững.

Hiện có 3 mô hình kinh tế có hiệu quả như mô hình “ươm cây giống” ở ấp Nhứt, mô hình “nuôi bò sinh sản” ở các ấp Đông Thạnh- Ngã Cái- An Phong và mô hình “trồng màu” ở các ấp Bình Quí- An Phong- An Thới- ấp Nhứt, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2016 đạt trên 33 triệu đồng/năm.

Sau hơn 6 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, hiện nay Vĩnh Long đã có 29 xã được công nhận xã NTM (chiếm gần 33%), 3 xã đang hoàn thiện chuẩn NTM để đề nghị xét công nhận.

Theo đó, hộ nghèo cũng giảm đáng kể, trong 32 hộ thoát nghèo, thì có 26 hộ thoát nghèo bền vững.

Ông Võ Quyết Thắng còn khoe, sau khi được công nhận xã NTM đến nay, xã Ngãi Tứ tiếp tục vận động nhân dân thực hiện nâng chất 3 tiêu chí gồm nhà ở dân cư, y tế và môi trường.

Xã hiện có trên 78% nhà ở dân cư đạt chuẩn của Bộ Xây dựng; người dân tham gia BHYT đạt 72%; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt 100%, trong đó có 67% hộ dân có nước máy sử dụng.

Nhiều tiêu chí được nâng chất, kinh tế- xã hội tiếp tục phát triển, góp phần cho xã giữ vững danh hiệu xã NTM.

Đến với địa danh “Bưng Sẩm”- xã NTM Hòa Bình ngày nay, mọi mặt đều đổi thay ngoạn mục. Chúng tôi được ông Nguyễn Văn Mười Hai- Chủ tịch Hội Khuyến học và ông Nguyễn Văn Chính- Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã- là những người “cốt cựu” ở Bưng Sẩm ngày xưa góp thêm thông tin: “Bưng Sẩm hay Hòa Bình ngày nay thay đổi rất lớn.

Phải nói rằng nhân dân vùng sâu Hòa Bình này mừng dữ lắm, khi được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm xây dựng trở thành xã NTM!”

Nếu tính từ khoảng những năm 1990 trở lại đây, khó có ai tưởng tượng nổi ở cái xứ “khỉ ho cò gáy” này mà bỏ được chiếc xuồng, chạy xe máy tới nhà đâu.

Vậy mà bây giờ 7/10 ấp chẳng những xe 2 bánh mà cả xe 4 bánh chạy bon bon. Nhà nào cũng có xe, có điện, tivi 2-3 cái. Người nghèo nhất bây giờ cũng có nhà tường ở.

Trật tự xã hội ổn định. Con em được học hành tới nơi tới chốn. Tôi thấy người dân nông thôn Hòa Bình cũng như các xã khác đang có cuộc sống sung sướng, hạnh phúc!- ông Mười Hai bày tỏ sự hài lòng.

Ở các xã NTM cũng như các xã đang trên đường xây dựng NTM, người dân đang hăng hái tham gia thi đua “chung sức xây dựng NTM”.

Hiện khắp mọi vùng nông thôn Vĩnh Long, hạ tầng kinh tế- xã hội từng bước được xây dựng hoàn thiện, phát triển, đời sống của nhân dân không ngừng được nâng lên.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi, bà con ai cũng nói: trong 25 năm qua, nông thôn Vĩnh Long thật sự thay đổi vượt bậc, thật khó ngờ!

 …Nhiều mô hình trồng màu chuyên canh có hiệu quả và cho giá trị kinh tế cao như: vùng chuyên canh khoai lang ở huyện Bình Tân và TX Bình Minh với diện tích gieo trồng trên 8.300ha, năng suất bình quân trên 29,5 tấn/ha, cho thu nhập bình quân 200- 300 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt trong giai đoạn 2010- 2015, phong trào đưa cây cam xuống ruộng phát triển khá mạnh ở huyện Trà Ôn, Tam Bình góp phần giúp cho nhiều gia đình vươn lên cuộc sống khá, giàu.

Bài, ảnh: TRẦN ÚT