Nguy cơ cúm gia cầm phát sinh và lây lan cao

Cập nhật, 07:03, Thứ Sáu, 21/04/2017 (GMT+7)

Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp- PTNT) nhận định, dịch cúm gia cầm (CGC) có nguy cơ phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao. Hiện nay, cả nước có 7 ổ dịch CGC (A/H5N1, A/H5N6) xảy ra tại 7 hộ chăn nuôi trên địa bàn 5 tỉnh chưa qua 21 ngày. Hiện cả nước không có dịch tai xanh và lở mồm long móng.

Tăng tỷ lệ tiêm phòng đàn gia cầm, nhất là vịt chạy đồng nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống cúm gia cầm.
Tăng tỷ lệ tiêm phòng đàn gia cầm, nhất là vịt chạy đồng nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống cúm gia cầm.

Tại Vĩnh Long, 15/4/2017, đã xảy ra ổ dịch cúm A/H5N1 tại 1 hộ chăn nuôi ở xã Mỹ Thuận (Bình Tân).

Số gia cầm mắc bệnh là 300 con gà, chết 210 con và tiêu hủy 400 con. Trước đó vào ngày 8/4, ổ dịch cúm A/H5N1 phát sinh ngày trên đàn gà 3.000 con tại 1 hộ chăn nuôi ở phường Thành Phước (TX Bình Minh) làm 350 con gà bị chết.

Cũng tại TX Bình Minh ngày 19/3, ổ dịch cúm A/H5N1 đã xảy ra tại 1 hộ chăn nuôi vịt thuộc xã Đông Thành. Tổng số vịt mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 400 con. Đàn vịt mắc bệnh chưa được tiêm phòng vắc xin CGC trước đó.

Chi cục Chăn nuôi- Thú y tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm mắc bệnh và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Để tăng cường các giải pháp phòng chống dịch bệnh, nhất là CGC, vừa qua tại cuộc họp giao ban tuần của ngành nông nghiệp, ông Nguyễn Minh Tho- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi- Thú y có biện pháp tăng tỷ lệ tiêm phòng trên đàn gia cầm và heo, rà soát lại công tác tiêm phòng trên đàn gia cầm ở TX Bình Minh, chú ý đối tượng vịt chạy đồng, nhất là vùng giáp ranh TX Bình Minh, huyện Bình Tân (Vĩnh Long), huyện Châu Thành (Đồng Tháp).

Cũng theo Cục Thú y, một số chủng vi rút CGC chưa có ở nước ta như A/H7N9, A/H5N2, A/H5N8 có nguy cơ xâm nhiễm vào trong nước thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc.

Do đó, các địa phương cần chủ động trong công tác phòng, chống CGC, tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm việc nhập lậu gia cầm, giám sát chặt địa bàn để phát hiện và xử lý ổ dịch kịp thời.

Đối với bệnh lở mồm long móng, các địa phương thuộc khu vực có nguy cơ cao, nơi có ổ dịch cũ, có đàn gia súc chưa được tiêm phòng triệt để, đặc biệt các địa phương có dự án cung ứng con giống gia súc, xóa đói giảm nghèo cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, tổ chức tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng, kiểm soát chặt việc vận chuyển gia súc, quản lý giết mổ gia súc để giảm thiểu nguy cơ phát sinh, lây lan dịch.

Riêng bệnh tai xanh trên heo, trong thời gian tới có thể xuất hiện các ổ dịch nhỏ lẻ trên địa bàn có ổ dịch cũ và khu vực có nguy cơ cao.

Các địa phương cần tăng cường giám sát dịch bệnh trên đàn heo, phát hiện sớm ổ dịch, thực hiện nghiêm các quy định về kiểm dịch vận chuyển heo và các sản phẩm của heo, tăng cường kiểm soát giết mổ heo chủ động ngăn chặn dịch phát sinh và lây lan.

Các địa phương căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, thông báo của Cục Thú y về lưu hành vi rút CGC, lở mồm long móng, tai xanh và hướng dẫn sử dụng vắc xin để tổ chức mua đúng loại vắc xin phòng, chống dịch đạt hiệu quả cao nhất.

 Bài, ảnh: THÀNH LONG