Câu chuyện nông thôn

Nỗi buồn món "đặc sản"

Cập nhật, 12:53, Thứ Tư, 26/04/2017 (GMT+7)

Món “đặc sản” tạo niềm vui ẩm thực. Tuy nhiên, khi có sự lạm dụng hay còn gọi là “lạm sát” thì đặc sản chính là nỗi buồn, bởi nó góp phần hủy hoại môi trường thiên nhiên.

Nói gần như sát bên nhà Hai Lúa tui, có miếng vườn tạp lâu năm nên thỉnh thoảng có nhiều loại chim cò về làm ổ. Mỗi sáng sáng, chiều chiều nghe tiếng chim lao nhao cũng thiệt là vui.

Đặc biệt, có cặp chim bìm bịp sống ở đây cũng nhiều năm rồi, do không ai động ổ nên chúng đẻ được nhiều lứa, nhiều khi chúng rất dạn dĩ, đến gần nhà tìm thức ăn.

Ở trong vườn có cái ao thiệt lớn, lâu lâu là thấy nổi lên mặt ao mấy bầy lòng ròng. Nhìn cảnh cá mẹ, cá con lội tung tăng, thấy mừng vì sự sinh sôi nảy nở tự nhiên của chim, cá trong vườn.

Hồi cuối tuần rồi, từ đâu hổng biết có mấy anh bạn trẻ ngoài phố kéo về chơi, bày tiệc ăn nhậu, nói về “mồi” thì đủ thứ từ chợ mang về đã thấy ắp lẵm.

Vậy mà khi tiệc rượu vừa “sần sần”, mấy anh bạn nổi hứng “cá đồng”. Vậy là xúm nhau lôi ra dàn xiệc điện, ao lớn nhưng mùa này cạn nước nên chỉ cần vợt vài lượt là mấy con cá lóc mẹ lật gọng. Mọi người cười… khoái chí.

Hai Lúa tui thấy… nhẫn tâm quá hà, ăn uống đâu có thiếu thốn gì mà làm vầy coi như tận diệt luôn bầy lòng ròng.

Chưa hết, họ còn xúm nhau rình ví bắt cả cặp bìm bịp để... ngâm rượu. Hai Lúa tui biết mấy anh bạn trẻ này cũng là dân trí thức, cũng mang giày, bỏ áo vô quần, mà còn mần kiểu vậy, thiệt tình buồn dữ luôn.

Nhắc loanh quanh, Hai Lúa tui nhớ đến món thịt chó. Nếu ai có ý kiến cấm tiệt món này thì Hai Lúa tui giơ cả hai tay ủng hộ luôn.

Từ cái chuyện ăn nhưng nó thể hiện một ý thức, một tấm lòng đối với loài vật, thiên nhiên môi trường dữ lắm. Lớn mà như vậy thì mấy đứa nhỏ nó cũng sẽ bắt chước theo thôi.

Ôi nỗi buồn mang tên “đặc sản”!

Hailua@.com