Kịp thời xử lý bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh

Cập nhật, 05:15, Thứ Ba, 14/03/2017 (GMT+7)

Chiến tranh tuy đã lùi xa nhưng những di chứng để lại vẫn hiện hữu trong từng thước đất và hằn sâu trong ký ức. Bên cạnh những mất mát đau thương khó có thể hàn gắn, thì hàng triệu tấn bom mìn, vật nổ đang ẩn mình đâu đó trong lòng đất cũng đang là mối lo canh cánh cho đến tận hôm nay.

Nỗ lực xóa bỏ những tàn tích khủng khiếp đó vẫn đang tiếp diễn từng ngày, từng giờ. Những người lính công binh vẫn thầm lặng đối mặt tử thần để trả lại bình yên cho những vùng đất đã oằn mình gồng gánh sự tàn khốc của chiến tranh.

Một quả bom được phát hiện nằm sâu trong lòng đất.
Một quả bom được phát hiện nằm sâu trong lòng đất.

Đi tìm… bom, đạn

Sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu, một hộ dân ở Phường 1 (TP Vĩnh Long) trong lúc đào đất đã phát hiện một vật thể có hình quả dứa nghi là bom nên nhanh chóng báo cho lực lượng chức năng.

Nhận được tin báo, Ban Công binh (Bộ Chỉ huy Quân sự) cùng các lực lượng chức năng đã nhanh chóng có mặt tiến hành khảo sát và kết luận đây là bom bi quả dứa. Việc xử lý được tiến hành ngay trong ngày, đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Trung tá Mai Ngọc Hậu- Trưởng Ban Công binh (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Vĩnh Long) cho biết, đây là loại vũ khí còn sót lại từ thời kháng chiến chống Mỹ. Loại bom này có bán kính sát thương từ 10- 15m, khi phát nổ bắn lên cao 0,3- 1,7m và văng ra hàng trăm viên bi (mỗi viên có kích thước khoảng 6,3mm).

Loại vũ khí này có tính sát thương cao, nếu không phát hiện kịp thời mà để chúng phát nổ thì có thể gây hậu quả khôn lường, nhất là trong khu vực đông dân cư.

Hay gần đây nhất là vào ngày 22/2/2017, trong lúc cải tạo vườn, ông Nguyễn Minh Quang (xã Trà Côn- Trà Ôn) phát hiện đầu đạn M79 nằm sâu trong lòng đất.

Sau khi kiểm tra kỹ lưỡng, lực lượng công binh đã quyết định cho hủy nổ tại chỗ đầu đạn này. Đây cũng là loại vũ khí có bán kính sát thương cao, được quân đội Mỹ sử dụng nhiều trong chiến tranh.

Theo Trung tá Mai Ngọc Hậu, sau chiến tranh thì hầu hết các địa phương trong tỉnh còn sót lại rất nhiều bom, mìn, vật nổ. Những nơi từng xảy ra giao tranh ác liệt thì số lượng nhiều hơn. Tuy đã xử lý, vô hiệu hóa rất nhiều nhưng vẫn còn không ít loại nằm sâu trong lòng đất chưa được phát hiện.

Trung tá Mai Ngọc Hậu cho biết:

 Ngoài nhiệm vụ thu gom, xử lý bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh; Ban Công binh tỉnh còn tổ chức rà phá bom, mìn, vật nổ để đảm bảo an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị, xã hội quan trọng. Bên cạnh, tổ chức huấn luyện chuyên ngành cho các lực lượng công binh, chiến sĩ mới.

Xử lý an toàn

Năm 2016, tỉnh đã thu gom, xử lý 130 quả bom, đạn các loại. Nhiều nhất là đầu đạn M79, bom bi, các loại đạn cối,…

Theo Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tam Bình, năm 2016, đã thu hồi và bàn giao về trên 1 quả cối 60 ly, 2 quả DKZ, 6 quả 105 ly, 1 quả 155 ly; thu hồi 1 quả lựu đạn M67 xã Hậu Lộc; xử lý vụ phát hiện bom phospho tại chỗ ở xã Bình Ninh, kết hợp Ban Công binh tỉnh hủy nổ 2 đầu đạn M79 tại xã Hòa Hiệp.

Trung tá Mai Ngọc Hậu cho biết thêm, những loại vũ khí còn sót lại sau chiến tranh thường nằm sâu trong lòng đất, đã rỉ sét và có thể phát nổ bất cứ lúc nào nếu có sự tác động từ bên ngoài.

Do đó, khi phát hiện chúng, người dân không nên di chuyển để tránh va đập gây nguy hiểm và nhanh chóng báo cho lực lượng chức năng tiến hành xử lý.

Nhiều loại vũ khí còn sót lại sau chiến tranh, có thể gây nguy hiểm nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời.
Nhiều loại vũ khí còn sót lại sau chiến tranh, có thể gây nguy hiểm nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời.

Hơn ai hết, những người lính công binh có nhiệm vụ xử lý bom, mìn, vật nổ thấu hiểu công việc đặc thù và vô cùng nguy hiểm của họ, nhưng khi nghe hỏi có thấy sợ không thì ai cũng lắc đầu.

“Lính công binh chúng tôi gặp bom mìn đều đặn như người ta ăn cơm mỗi ngày. Riết rồi quen, nhờ vậy nên có được sự bình tĩnh để hoàn thành thật tốt nhiệm vụ”- Thượng úy Nguyễn Hoài Thanh (Ban Công binh)- vốn có nhiều năm kinh nghiệm thu gom, xử lý bom mìn,
vật nổ nói.

Còn Trung tá Mai Ngọc Hậu thì chia sẻ: “Với nghề này, khi đã sợ thì không thể làm được vì nó đòi hỏi sự tỉnh táo, tập trung cao độ và lòng dũng cảm để đạt được sự an toàn tuyệt đối. Bởi, dù có làm cả ngàn lần nhưng chỉ một chút sơ suất nhỏ thôi cũng gây hậu quả khôn lường”.

 

Theo kế hoạch tổ chức thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn và giảm thiểu tai nạn bom, mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh; tỉnh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về tác hại của việc đào bới, thu gom, cưa cắt, sử dụng trái phép bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh; đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý những trường hợp vi phạm.

 

 

  • ™Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH