Câu chuyện cuối tuần

Ăn khế trả vàng...

Cập nhật, 07:12, Thứ Bảy, 25/03/2017 (GMT+7)

Anh bạn nhà vườn cười cười, nói chuyện cổ tích bán trái cây được giá quá, ăn trái khế mà trả tới cục vàng, chớ hổm nay nhiều bà con trồng rau trái rầu ái ruột. Ai đời vú sữa Lò Rèn mà còn chưa tới mười ngàn một ký thì khổ thiệt đó đa!

Trong khi đó, nghe đâu trong 2 tháng đầu năm nay, chỉ riêng số tiền dành cho chuyện mua rau trái nước ngoài đem về ăn, đã lên tới 164 triệu đô la Mỹ (3.720 tỷ đồng).

Vị chi, mỗi ngày người Việt mình xài hết 62 tỷ bạc cho rau củ, trái cây ngoại nhập, trong đó trên 30 tỷ đồng mua trái cây Thái Lan và chục tỷ cho rau củ, trái cây Trung Quốc. Số tiền này so hồi đầu năm ngoái đã tăng “khủng khiếp” tới gần 55%.

Một thực tế cần ghi nhận là trong khi khách hàng vào các siêu thị (đa số là của người nước ngoài) dạo tới dạo lui mát mẻ, chỉ thấy trái cây miệt vườn của mình “lèo tèo thấy thương”, như tìm trái cam sành đỏ con mắt cũng hổng có hoặc có thì cũng không đẹp, không ngọt bằng “cam người ta”.

Hoặc có lúc chôm chôm tràn tới lề đường nhưng trong các siêu thị cũng chỉ có vài trái… héo queo. Ngược lại, trái cây nhập khẩu như táo Úc, lê Mỹ, kiwi New Zealand, quýt Thái Lan đủ màu xanh biếc, đỏ mọng, vàng tươi… trong ánh đèn lung linh càng tỏa ra vẻ ngon lành, hấp dẫn, mời gọi người tiêu dùng.

Trong xu thế tiêu dùng rau trái nhập tăng rất nhanh này, có thể nói trước hết là do hội nhập kinh tế ngày càng sâu, các hàng rào thuế quan dần được dỡ bỏ.

Song cũng cần nói thêm rằng, sự đổ bộ của riêng trái cây nhập ngoại mà giá cả cực kỳ đắt đỏ (nhiều loại trái lên tới cả triệu đồng/kg) nhưng vẫn được chấp nhận, còn do phần lớn người tiêu dùng chưa an tâm về rau trái an toàn của quê mình.

Trong hội nhập, chuyện hàng hóa ra- vào cửa khẩu là điều bình thường. Song, rất cần các nhà khoa học, nhà quản lý nhìn xa trông rộng để hướng dẫn nông dân trồng ra được rau trái ngon- bổ- rẻ chinh phục lòng tin của thị trường và đủ sức cạnh tranh.

Để cán cân thương mại đừng quá nghiêng lệch về bên ngoài, khi mà vườn cây bốn mùa luôn sẵn trái; và để người tiêu dùng ở ngay trên vựa trái cây không phải ngậm ngùi cảnh “ăn khế trả vàng” quá đắt đỏ.

PHƯƠNG NAM