Lo ngại thực phẩm không an toàn trong trường học

Cập nhật, 05:39, Thứ Sáu, 17/02/2017 (GMT+7)

Trên địa bàn Vĩnh Long, ngay từ đầu năm 2017, đã có vụ ngộ độc thực phẩm tập thể trong trường học thuộc dạng “lớn nhất từ trước đến nay”. Từ đó đã đặt ra với các cơ quan chức năng, những nơi cung cấp suất ăn sẵn về vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) trong các cơ sở giáo dục, nhất là ở bậc mầm non, tiểu học.

Vấn đề vệ sinh ATTP trong trường học cần được quan tâm đúng mức với tinh thần trách nhiệm cao. Trong ảnh: Học sinh trường mầm non rửa tay trước khi ăn.
Vấn đề vệ sinh ATTP trong trường học cần được quan tâm đúng mức với tinh thần trách nhiệm cao. Trong ảnh: Học sinh trường mầm non rửa tay trước khi ăn.

 

Đây là vụ ngộ độc thực phẩm tập thể thứ hai ở trường học với hàng trăm học sinh mắc trong gần nửa năm trở lại đây. Trước đó, vào tháng 10 năm ngoái, một vụ ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn xảy ra với hàng chục trẻ tại một trường mầm non ở huyện Tam Bình.

Ngộ độc thực phẩm hàng loạt

Chiều 10/2/2017, hàng loạt học sinh ở Trường Tiểu học A thị trấn Long Hồ (huyện Long Hồ), Tiểu học Chu Văn An, Tiểu học Trương Định (TP Vĩnh Long) nhập viện với triệu chứng nôn ói, đau bụng, mệt mỏi,...

Đến khoảng 10 giờ ngày 11/2/2017, cộng dồn tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Vĩnh Long, BVĐK TP Vĩnh Long, BV Y dược cổ truyền, Trung tâm Y tế huyện Long Hồ đã tiếp nhận trên 210 trẻ cấp cứu nghi do ngộ độc thực phẩm hàng loạt.

Điều đáng nói, các trường hợp nhập viện đều là học sinh bán trú, đều dùng chung suất ăn của một cơ sở cung cấp ở TP Vĩnh Long.

Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Vĩnh Long (Sở Y tế), cơ sở cung cấp suất ăn cho các trường do bà Đinh Thụy L.P. (đường Nguyễn Huệ, Phường 2- TP Vĩnh Long) làm chủ. Trong ngày xảy ra sự việc, các trẻ ăn gần như đồng nhất suất ăn gồm cơm dương châu và canh súp thịt bằm do cơ sở chế biến.

Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở không có giấy phép chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, không có sổ kiểm thực 3 bước. Cơ sở có 10 người trực tiếp chế biến nhưng chỉ xuất trình 9 giấy khám sức khỏe và 9 giấy xác nhận kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trong ngày xảy ra sự việc, cơ sở này đã cung cấp cho Trường Tiểu học Chu Văn An 381 suất ăn, Tiểu học Trương Định 104 suất ăn, Tiểu học Nguyễn Huệ 184 suất ăn, THCS Nguyễn Trường Tộ 159 suất ăn, Tiểu học A thị trấn Long Hồ 261 suất ăn, mầm non Long Phước (Long Hồ) 60 suất ăn.

Hiện Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm đã lấy mẫu và gửi Viện Y tế công cộng TP Hồ Chí Minh xét nghiệm tìm nguyên nhân. Đồng thời tiến hành đình chỉ hoạt động của cơ sở cung cấp thức ăn nói trên.

Học sinh Trường Tiểu học A thị trấn Long Hồ được chuyển lên BVĐK tỉnh ngay trong chiều xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm.
Học sinh Trường Tiểu học A thị trấn Long Hồ được chuyển lên BVĐK tỉnh ngay trong chiều xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm.

Hết sức cẩn thận với suất ăn cung cấp sẵn

Theo bác sĩ Nguyễn Quốc Vũ- Trưởng khoa Cấp cứu (BVĐK tỉnh Vĩnh Long), ngộ độc thực phẩm tùy thuộc vào cơ địa của từng người. Trường hợp các học sinh cùng ăn chung suất cơm nhưng có em bị ngộ độc thực phẩm, có em không, cũng có em bị nặng nhẹ khác nhau. Do đó, vấn đề điều kiện đảm bảo vệ sinh ATTP cần hết sức lưu tâm.

Trong khi đó, với phụ huynh đang có con theo học bán trú ở các trường mầm non, tiểu học cảm thấy rất lo lắng về vấn đề ATTP. Anh Phạm Trung Luận (Phường 8, TP Vĩnh Long) cho biết đã nghe thông tin về vụ ngộ độc mới đây, và cũng nghe vụ ngộ độc thực phẩm trước đó ở huyện Tam Bình, nên cũng... “lây” nỗi lo lắng: “Tôi theo dõi sát biểu hiện của con mình sau mỗi giờ tan học”.

Bác sĩ Nguyễn Thị Bạch Yến- Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Vĩnh Long

Trước tết, theo yêu cầu của ngành y tế, BV đã chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc men, dịch truyền và nhân lực, phương tiện để phòng tình huống ngộ độc thực phẩm và có thể xảy ra hàng loạt. Riêng vụ ngộ độc thực phẩm hàng trăm trẻ mắc vừa qua, đến các BV như vậy thì đã cấp cứu, xử trí ổn. BVĐK tỉnh đã chủ động điều xe cứu thương chở bệnh nhi về viện, sắp xếp phòng tại khoa Nhi để đủ chỗ cho trẻ vào điều trị, phân công nhân viên theo dõi sát diễn biến của trẻ để kịp thời xử trí...

Bác sĩ Nguyễn Thị Bạch Yến- Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Vĩnh Long- trao đổi với phóng viên: Việc cung cấp suất ăn sẵn, nhất là cho trẻ nhỏ (học sinh tiểu học, mầm non) “phải hết sức cẩn thận”. Theo bác sĩ Bạch Yến, thức ăn sau khi chế biến nếu không sử dụng ngay mà để lâu ngoài môi trường thì khả năng sẽ biến chất, nhiễm độc, nhiễm khuẩn... rất cao, gây nguy cơ ngộ độc khi trẻ ăn vào.

Bác sĩ Bạch Yến thông tin thêm trong hàng chục trẻ vào viện cấp cứu, có 7 trẻ phải vào phòng bệnh nặng và có 2 trẻ đi tiêu phân có máu. Phương pháp điều trị cho các trường hợp này theo kiểu nhiễm độc, nhiễm trùng và các trẻ đã đáp ứng tốt với diễn biến điều trị.

Phải chờ kết quả kiểm nghiệm để biết ngộ độc thực phẩm trên do nguyên nhân gì, nhưng dù gì “ăn cùng loại thức ăn, rồi xảy ra hàng loạt ca vào viện cấp cứu, thì đó là ngộ độc thức ăn. Ngành chức năng phải giám sát kỹ cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, vì khả năng sơ suất là khá cao”- một bác sĩ chuyên khoa nêu quan điểm.

Ban giám hiệu Trường tiểu học A thị trấn Long Hồ

Đối thoại với phụ huynh học sinh về việc học sinh bị ngộ độc thực phẩm

 

Sau vụ việc 131 em học sinh của Trường Tiểu học A thị trấn Long Hồ bị ngộ độc thực phẩm vào ngày 10/2/2017, chiều 15/2/2017, Ban Giám hiệu trường đã tổ chức họp đối thoại trực tiếp với toàn thể phụ huynh của trường về vụ ngộ độc.

 

Thầy Hiệu trưởng Võ Thành Long thay mặt Ban Giám hiệu và toàn thể giáo viên, công nhân viên nhà trường đã xin lỗi phụ huynh, học sinh về sự cố 131 học sinh bán trú bị ngộ độc vừa qua.

 

Dịp này, phụ huynh kiến nghị Ban Giám hiệu nhà trường sớm khôi phục lại việc học bán trú và cung cấp suất ăn trưa cho học sinh, giúp phụ huynh yên tâm lao động, sản xuất; khi hợp đồng với cơ sở cung cấp suất ăn phải tìm hiểu thật kỹ năng lực và mức độ uy tín của cơ sở; không nên đặt các loại thức ăn là đồ hộp, chế biến sẵn, thức ăn có nhiều dầu mỡ nên đặt cơm nóng, thức ăn nóng dễ tiêu hóa và đảm bảo đủ dinh dưỡng phù hợp với thể trạng của học sinh.

CÔNG TOÀN

™Bài, ảnh: MINH THÁI- KHÁNH DUY