Sự khác biệt cho nông thôn mới

Cập nhật, 05:03, Thứ Sáu, 27/01/2017 (GMT+7)

Kết thúc giai đoạn 1 và đi tiếp được 1/5 quãng đường của giai đoạn 2 về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Vĩnh Long đã có 25 xã nông thôn mới khi năm 2016 khép lại.

Thành tựu đó không chỉ về hạ tầng kinh tế- xã hội được đầu tư xây dựng khiến bộ mặt nông thôn đổi mới, mà sức sống mới nội sinh từ những con người biết cách làm ăn mới cũng dần được khơi dậy từ trong gian khó.

Khoai lang- cây màu chủ lực tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân xã Thành Đông.
Khoai lang- cây màu chủ lực tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân xã Thành Đông.

Chuyện làm ăn mới ở xã nông thôn mới

Theo Bí thư Đảng ủy, Trưởng BCĐ Xây dựng nông thôn mới xã Thành Đông (Bình Tân) Nguyễn Thị Ngọc Bích, địa phương rất chú trọng đến việc đẩy mạnh sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Phần lớn 700ha đất nông nghiệp của xã được bà con trồng khoai lang tím Nhật theo hướng GAP, an toàn…

Ngoài thế mạnh trong sản xuất khoai lang là người dân biết trồng rải vụ quanh năm, tạo việc làm thường xuyên và giữ giá bán ổn định, Thành Đông còn triển khai nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả kinh tế cao.

Trong đó, tận dụng phụ phẩm khoai lang để nuôi dê là một trong những mô hình đạt hiệu quả cao cho hàng trăm hộ với tổng đàn trên 700 con. Tiêu biểu như các hộ ông Trần Văn Hùm, Nguyễn Thành Phúc, Lại Văn Thắm,…

Với những mô hình sản xuất chuyên canh và chăn nuôi đa dạng, thu nhập bình quân của Thành Đông đạt trên 33 triệu đồng/người/năm, giữ vững mức thu nhập theo quy chuẩn xã nông thôn mới năm 2016.

Ở xã nông thôn mới Đông Thạnh (TX Bình Minh), nổi bật trong năm 2016 là mô hình trồng cam sành của ông Thân Văn Tặng ở ấp Đông Thạnh A với 1,6ha. Theo ông, ông và các con đều nắm vững về kỹ thuật nên vườn cam của ông chủ yếu để cho ra trái nghịch vụ, có giá bán cao gấp đôi mùa thuận.

Ông cũng khoe cách nay hơn tháng, vừa thuê nhân công tốn 120 triệu đồng chỉ để… lặt bỏ bông cam chính vụ và xử lý cho ra bông nghịch vụ để thu hoạch trái ngay thời điểm bán được giá nhất.

Một số hộ dân ở ấp Thạnh Lý như anh Bùi Vũ Phương thì đang đầu tư cho vườn vú sữa. Theo anh, giống vú sữa bơ hồng này chất lượng ngon, có thể cho trái trong nhiều tháng liền, giá bán từ 20.000- 40.000 đ/kg, giúp cho người trồng có thu nhập khá cao.

Tại xã nông thôn mới Đông Thành, nhiều hộ dân lại đầu tư cho hàng trăm hecta bưởi Năm Roi cho trái quanh năm, đảm bảo cung cấp cho thương lái tiêu thụ ở thị trường truyền thống.

Về xã nông thôn mới Hựu Thành (Trà Ôn), chuyện “thời sự” nhất vẫn là cây cam sành. Anh Nguyễn Minh Quân (ấp Vĩnh Sơn) trồng 10 công cam sành, hơn một nửa cho thu hoạch vụ thứ hai, phần còn lại cây bắt đầu cho trái, lời hàng trăm triệu đồng/năm. “Cây cam bạc tỷ” hay “Nông dân tỷ phú” đang là hiện thực của nhiều nhà vườn nơi đây.

 Đưa doanh nghiệp về nông thôn- góp phần nâng thu nhập cho người dân xã Hòa Thạnh.
Đưa doanh nghiệp về nông thôn- góp phần nâng thu nhập cho người dân xã Hòa Thạnh.

Chuyển mình cho nông thôn mới

Tại các xã đang chinh phục mục tiêu nông thôn mới, khí thế năm mới khá nhộn nhịp. Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Hòa (TX Bình Minh) Nguyễn Văn Bảy đưa chúng tôi xem việc chuẩn bị bưởi đón tết của nhà vườn Thái Văn Lưu (Bảy Lưu) ở ấp Mỹ Lợi.

Vườn bưởi đang cho trái sung sức, ông Bảy Lưu ước tết này thu hoạch cả chục tấn. Ngoài bán trái trong năm, nhìn lứa bưởi (6 công) trên cây, ông Bảy Lưu ước tính tết này bán được trên 300 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Bảy cho hay, trên 1.400ha đất vườn của Mỹ Hòa hầu hết đều được bà con trồng bưởi Năm Roi như vậy, mỗi ngày khu vực này có 50 vựa bưởi, cung cấp khoảng 100 tấn bưởi đi tiêu thụ khắp nơi, trong đó có một phần xuất khẩu.

Còn ở xã Thuận An (TX Bình Minh), bà con vẫn duy trì trồng giống màu truyền thống là xà lách xoong và rau diếp cá. Ngày thường giá ổn định, nhưng tết đến càng tiêu thụ mạnh giá càng cao, mang lại thu nhập khá cho người dân.

Ở Tam Bình, Chủ tịch UBND xã xã Hòa Thạnh Nguyễn Văn Kiều cho biết, ngoài việc vận động người dân hưởng ứng phong trào thi đua “chung sức xây dựng nông thôn mới”, xã còn khuyến khích các cơ sở làm ăn phấn đấu vươn lên, tạo việc làm cho lao động.

Trong đó, có Công ty TNHH Thương mại- Dịch vụ sản xuất thực phẩm Nhật Quỳnh (Cơm sấy Nhật Quỳnh) vinh dự được Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công thương) vừa công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam.

Ông Vũ Văn Năng- Giám đốc Công ty TNHH Thương mại- Dịch vụ sản xuất thực phẩm Nhật Quỳnh cho biết, năm qua sản xuất trên 300 tấn sản phẩm, cung cấp cho thị trường trong, ngoài tỉnh và một phần xuất khẩu. Thu nhập người lao động tại công ty ổn định và tương đối cao so với mặt bằng nông thôn.

 Đời sống người dân nông thôn phát triển, nhà nhà đón tết sung túc hơn.
Đời sống người dân nông thôn phát triển, nhà nhà đón tết sung túc hơn.

Suy nghĩ, cung cách làm ăn mới ở khắp các xã đã và đang trên lộ trình xây dựng nông thôn mới luôn có những tổ chức, con người đi tiên phong, vượt khó bứt phá trong sản xuất, kinh doanh.

Tất cả đều nhằm xây dựng xã nông thôn mới thêm nhiều bước tiến mới. Tinh thần, nhiệt huyết đó luôn được chăm bồi, phát huy nhân rộng nhằm mang lại đời sống mới ở xã nông thôn mới, tạo nên sự khác biệt cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

 

Ông Nguyễn Văn Quang- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ Xây dựng nông thôn mới tỉnh- yêu cầu: “Xã nông thôn mới phải khác những xã khác!” Tinh thần đó đang được các địa phương nỗ lực thực hiện.

  • Bài, ảnh: TRẦN ÚT