Phỏng vấn Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư

Vĩnh Long tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

Cập nhật, 05:03, Thứ Ba, 03/01/2017 (GMT+7)

Năm 2016 nhà đầu tư đến tìm hiểu môi trường đầu tư của Vĩnh Long tăng cao, trong đó nhiều dự án được cấp chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư nhiều hơn so với năm trước, một vài dự án có vốn đầu tư lớn, triển khai nhanh,…

Ảnh: Sở Kế hoạch- Đầu tư
 

Điều đó cho thấy Vĩnh Long rất chú trọng đến việc cải thiện môi trường đầu tư, lấy cải cách thủ tục hành chính làm thước đo tính minh bạch của chính quyền.

Qua đó, củng cố niềm tin của doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư khi đến đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh tại Vĩnh Long.

Trao đổi với PV Báo Vĩnh Long ngày đầu năm mới 2017, đánh giá kết quả đạt được trong thu hút đầu tư, ông Trương Đặng Vĩnh Phúc- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư- nhận định:

Có thể nói thời gian qua, và đặc biệt là năm 2016 này, với sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển DN, từ lãnh đạo tỉnh đến các sở, ban ngành, các cấp chính quyền địa phương trong tỉnh đã có sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn trong việc chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện. 

Theo đó, năm 2016 đã có nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu môi trường, cơ hội đầu tư tại Vĩnh Long với số dự án được cấp chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư tăng lên hơn so với năm trước.

Trong đó, một vài dự án triển khai nhanh, có vốn đầu tư lớn như Trung tâm thương mại- dịch vụ- nhà ở của tập đoàn Vincom với số vốn đăng ký khoảng 287 tỷ đồng; dự án Nhà máy Capsule III nâng vốn từ 150 lên 375 tỷ đồng,...

Dự kiến các dự án này sẽ đóng góp tích cực vào tăng trưởng, phát triển kinh tế của tỉnh nhà trong thời gian tới.

Tính chung hoạt động xúc tiến- thu hút đầu tư trong năm 2016 của tỉnh đã có 57 lượt nhà đầu tư, trong đó có 24 lượt nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đến làm việc, tìm hiểu môi trường và khả năng triển khai thực hiện các dự án đầu tư.

Kết quả, 2 dự án được cấp chủ trương, 15 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 4.428 tỷ đồng, trong đó 8 dự án FDI vốn đăng ký 138,2 triệu USD.

Đoàn lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long trong chuyến làm việc, xúc tiến đầu tư tại Hà Lan. Trong ảnh: Trao đổi tọa đàm song phương giữa 2 chính quyền: tỉnh Vĩnh Long- Việt Nam và tỉnh Gelderland- Vương quốc Hà Lan.
Đoàn lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long trong chuyến làm việc, xúc tiến đầu tư tại Hà Lan. Trong ảnh: Trao đổi tọa đàm song phương giữa 2 chính quyền: tỉnh Vĩnh Long- Việt Nam và tỉnh Gelderland- Vương quốc Hà Lan. Ảnh: Sở Kế hoạch- Đầu tư

* Kết quả trên đây là một nỗ lực rất lớn trong công tác xúc tiến đầu tư, vậy đâu là những kinh nghiệm rút ra từ hoạt động này, thưa ông?

- Với kết quả như trên và qua quá trình hoạt động, chúng tôi nhận thấy, vẫn còn nhiều vấn đề cần rút kinh nghiệm để công tác xúc tiến đầu tư đi vào thực chất hơn.

Phải thu hút được nhiều dự án, nhà đầu tư có chất lượng, phù hợp với định hướng phát triển lâu dài của tỉnh. Cũng như tạo môi trường thuận lợi cho các DN đang hoạt động trên địa bàn ổn định, mở rộng sản xuất- kinh doanh. Chính vì thế, chúng tôi sẽ tập trung một số vấn đề sau:

Thứ nhất, tiếp tục cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung vào cải cách hành chính. Tiếp tục rà soát, loại bỏ các thủ tục không cần thiết, gây cản trở, phiền hà cho nhà đầu tư, DN và nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức liên quan đến công tác này. Kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho các DN, nhà đầu tư đang hoạt động.

Thứ hai, xây dựng và quảng bá hiệu quả hình ảnh của địa phương; có định hướng và cơ chế chính sách nhất quán trong thu hút, mời gọi đầu tư vào các lĩnh vực.

Trước mắt, có thể tập trung vào các dự án nông nghiệp, chế biến nông sản phục vụ chủ trương cơ cấu lại nền nông nghiệp, phát triển công nghiệp chế biến và du lịch. Tăng cường thu hút các nhà đầu tư có năng lực làm đầu tàu trong sản xuất kinh doanh trên địa bàn,…

Thứ ba, tổ chức thực hiện có kết quả các nghị quyết, chương trình hành động, đề án, chính sách,… của tỉnh có liên quan đến hoạt động thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và phát triển DN.

Đồng thời, sớm hoàn thiện, ban hành các cơ chế chính sách đang triển khai thực hiện như: sửa đổi bổ sung chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư; chương trình khởi nghiệp,…

* Ông có nhắc tới việc Vĩnh Long ưu tiên thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến. Tuy nhiên, vì sao thời gian qua thu hút đầu tư trong lĩnh vực này còn nhiều hạn chế và DN quan tâm chưa nhiều, thưa ông?

- Với 17 dự án thu hút đầu tư năm 2016 (có chủ trương và giấy chứng nhận đầu tư), trong đó, 3 dự án liên quan đến công nghiệp chế biến nông thủy sản, về vốn chiếm khoảng 10% tổng số đã đăng ký đầu tư và gần như chỉ thuộc về 1 dự án chế biến thức ăn chăn nuôi.

Do đó, vấn đề thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, nông nghiệp của tỉnh còn nhiều hạn chế.

Bên cạnh những khó khăn chung của tình hình thu hút đầu tư, còn có những khó khăn riêng như việc phát triển nông nghiệp, vùng nguyên liệu, sản phẩm… chưa đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư.

Mức độ rủi ro cao khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, không có diện tích đủ lớn để nhà đầu tư triển khai dự án, khả năng liên kết với nông dân, hợp tác xã còn nhiều hạn chế… cũng là những vướng mắc chưa tháo gỡ được.

Mặt khác, năng lực của các DN trong nước, trong tỉnh về vốn- thị trường- công nghệ chế biến vẫn còn nhiều khó khăn.

* Như vậy, để thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp góp phần tăng trưởng kinh tế và nâng cao giá trị sản phẩm nông sản, tăng thu nhập cho nông dân, công tác xúc tiến đầu tư sẽ có những giải pháp gì trong thời gian tới, thưa ông?

-Dự kiến Vĩnh Long sẽ có thêm 1-2 dự án chế biến nông sản tại vùng nguyên liệu khoai lang, nhưng trước mắt, chúng tôi sẽ tập trung hỗ trợ, đôn đốc, kiểm tra tiến độ các dự án đang triển khai.

Cùng với đó, các ngành, các địa phương trong tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp để thực hiện có hiệu quả đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Chú trọng phát triển bền vững các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương, hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp trong nông nghiệp và tạo điều kiện cho các DN trong lĩnh vực này phát triển.

Nghiên cứu cơ chế chính sách hợp lý để thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, cũng như tăng cường liên kết, hợp tác giữa DN và nông dân.

TRẦN PHƯỚC (thực hiện)