ĐBSCL: Kích hoạt chương trình liên kết các mặt hàng chủ lực

Cập nhật, 18:46, Thứ Bảy, 14/01/2017 (GMT+7)

Ngày 13/1, tại Cần Thơ, Bộ NN-PTNT phối hợp cùng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức Hội nghị “Kế hoạch hành động liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản chủ lực vùng ĐBSCL giai đoạn 2016 - 2020”.

Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2016-2020, vùng ĐBSCL có 4 tiểu vùng thực hiện quy định thí điểm liên kết phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với các nông sản chủ lực.

Cụ thể: Tiểu vùng Đồng Tháp Mười (gồm các tỉnh: Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang) với sản phẩm chủ lực là gạo; tiểu vùng giữa sông Tiền và sông Hậu (gồm Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre) với sản phẩm chủ lực là bưởi da xanh và dừa; tiểu vùng Bán đảo Cà Mau (gồm Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang) với sản phẩm chủ lực là tôm thẻ chân trắng và tôm sú sinh thái; tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên (gồm Hậu Giang, An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang) với sản phẩm chủ lực là lúa gạo và cá tra.

Cá tra - sản phẩm chủ lực của ĐBSCL cần liên kết phát triển bền vững
Cá tra - sản phẩm chủ lực của ĐBSCL cần liên kết phát triển bền vững

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận các nội dung về nguyên tắc liên kết, lĩnh vực liên kết, các hoạt động liên kết, thành lập Ban Điều phối sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL.

Về nguyên tắc liên kết, các địa phương, tiểu vùng sẽ tham gia thí điểm liên kết vùng theo nguyên tắc đồng thuận, thống nhất, bình đẳng, công khai, minh bạch trong thực hiện chủ trương liên kết; các chương trình, dự án phải phục vụ liên kết từng tiểu vùng, đảm bảo phù hợp với nguồn lực, điều kiện tự nhiên, văn hóa, xã hội của vùng; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia thực hiện quy hoạch, kế hoạch, phát huy vai trò liên kết công tư.

Hiện nay, ĐBSCL đang đứng trước nhiều thách thức. Cụ thể, là nằm một trong những vùng bị tác động nghiêm trọng nhất bởi biến đổi khí hậu. Tình hình hạn hán và xâm nhập mặn từ năm 2016 là khởi đầu cho xu hướng dài hạn về hạn hán và lũ lụt khắc nghiệt hơn…

Những thách thức này đòi hỏi phải có giải pháp sáng tạo, toàn diện và liên kết phối hợp vùng, dưới sự lãnh đạo của Chính phủ. Hình thành các thương nhãn hiệu, thương hiệu quốc gia các mặt hàng chủ lực như gạo, cá tra, tôm…

Theo CAO PHONG (Sài Gòn Giải Phóng)