Căn cứ Cái Ngang- niềm tự hào lịch sử

Cập nhật, 18:15, Chủ Nhật, 01/01/2017 (GMT+7)

Sự kiện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử- văn hóa quốc gia Căn cứ Cái Ngang (xã Phú Lộc- Tam Bình) là niềm vui lớn, niềm tự hào lịch sử đối với quê hương Vĩnh Long anh hùng.

Năm 2016 đã được khép lại bằng một sự kiện đáng nhớ, cũng là một lần nữa khẳng định và ghi nhận những thành tích, công lao to lớn của Đảng bộ, dân và quân tỉnh Vĩnh Long trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; là niềm tự hào, niềm động viên to lớn của nhân dân Vĩnh Long.

Các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh- những chứng nhân lịch sử- về thăm Căn cứ Cái Ngang.
Các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh- những chứng nhân lịch sử- về thăm Căn cứ Cái Ngang.

Trải qua 2 cuộc kháng chiến, vùng đất Cái Ngang bao gồm nhiều xã của huyện Tam Bình đã được chọn làm căn cứ cách mạng. Nơi đây không chỉ có vai trò quan trọng đối với tỉnh Vĩnh Long, mà còn có tầm ảnh hưởng lớn trên toàn địa bàn Tây Nam Bộ.

Trong Khởi nghĩa Nam Kỳ, nhân dân Cái Ngang đã anh dũng vùng dậy tiến công giành được quyền chủ động trong một thời gian ngắn.

Từ đầu năm 1949, nơi đây đã trở thành căn cứ chiến lược quan trọng của Vĩnh Long, là nơi lãnh đạo tiếp nhận chỉ thị, quân nhu, thuốc men, hàng hóa từ Sài Gòn- Chợ Lớn về để phân phối lại cho các tỉnh miền Tây.

Năm 1966, Tỉnh ủy Vĩnh Long chọn Cái Ngang là khu căn cứ chiến lược và năm 1967, Tỉnh ủy chuyển hẳn về khu căn cứ cách mạng này.

Từ đây, có biết bao chuyến tập kết vũ khí, bao lần đưa đón lãnh đạo về đây chỉ huy, chỉ đạo cuộc kháng chiến của quân dân ta. Địch đã dùng mọi hình thức càn quét, dội bom đạn hòng xóa trắng khu căn cứ này nhưng đều thất bại.

Cái Ngang vẫn hiên ngang đứng vững, cán bộ vẫn bình yên giữa sự che chở của nhân dân. Trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Tỉnh ủy Vĩnh Long từ đây đã chỉ đạo lực lượng vũ trang tấn công TX Vĩnh Long và giành quyền làm chủ trong 6 ngày đêm.

Nhà thường trực 1- nơi ở, làm việc của Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Nguyễn Ký Ức, giai đoạn 1967- 1972.
Nhà thường trực 1- nơi ở, làm việc của Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Nguyễn Ký Ức, giai đoạn 1967- 1972.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, cũng tại căn cứ này, Tỉnh ủy Vĩnh Long đã bàn phương án tổng công kích, tổng khởi nghĩa ở TX Vĩnh Long; chỉ đạo các lực lượng vũ trang thọc sâu các điểm quan trọng, lãnh đạo phong trào quần chúng nội ô nổi dậy, giải giới tề ngụy và kêu gọi binh lính địch đầu hàng, tiến đến giải phóng Vĩnh Long ngày 30/4/1975.

Phấn khởi, vui mừng trong buổi lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử- văn hóa quốc gia Căn cứ Cái Ngang, ông Nguyễn Ký Ức- nguyên Bí thư Tỉnh ủy, cho rằng: “Cái Ngang là căn cứ của lòng dân.

Căn cứ Cái Ngang đã nói lên tinh thần vượt bao gian khổ, hy sinh của Đảng bộ, quân và dân Vĩnh Long; khó khăn không chùn bước, gian nguy không nản chí sờn lòng, để đi đến thắng lợi cuối cùng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng”

Năm 2002, Khu di tích lịch sử cách mạng Cái Ngang được khôi phục trên diện tích khoảng 5ha, gồm 2 phần là ruộng lúa và vườn cây. Năm 2003, công trình hoàn thành và được đưa vào sử dụng, đến nay đã đón trên 200.000 lượt khách tham quan, trung bình có trên 18.000 lượt khách/năm.

Để sau khi được xếp hạng di tích càng phát huy hiệu quả, ông Lữ Quang Ngời- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh- đề nghị:

“Cần tiếp tục xây dựng các hạng mục còn lại theo tinh thần Chỉ thị 20 của Tỉnh ủy (1998) như: nơi tưởng niệm liệt sĩ, nơi ghi ơn nhân dân, vườn cây ăn trái ĐBSCL thu nhỏ, công viên tuổi trẻ thế kỷ XXI, khu thể thao, bến đua xuồng ghe, nhà nghỉ cho du khách... để thu hút khách tham quan.

Đồng thời, tạo thành tuyến tham quan liên hoàn của địa phương: căn cứ Cái Ngang, chùa Phước Hậu, Khu lưu niệm GS.VS Trần Đại Nghĩa... để nơi đây từng bước trở thành điểm đến du lịch tiêu biểu của tỉnh”.

 

Trong 2 cuộc kháng chiến, tỉnh Vĩnh Long luôn trở thành chiến trường xung yếu, mà địch luôn muốn bình định, xóa sạch căn cứ cách mạng; do đây là địa bàn có đường giao thông thủy, bộ huyết mạch nối liền miền Tây về Sài Gòn, xuyên qua tỉnh là tuyến sông Măng Thít và QL4 (QL1A ngày nay).

Là tỉnh không có rừng núi nên Vĩnh Long không có lợi thế để xây dựng căn cứ cách mạng, nhưng Căn cứ Cái Ngang vẫn luôn vững vàng chính là nhờ “thế trận lòng dân”.

 

  • ™Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG