Đê bao ngoài 4 xã cù lao: Đợi cái "gật đầu" của 8 hộ dân

Cập nhật, 12:29, Thứ Năm, 20/10/2016 (GMT+7)

 

Ông Phan Văn Nhóc yêu cầu chỉnh tuyến đê bao ra xa.
Ông Phan Văn Nhóc yêu cầu chỉnh tuyến đê bao ra xa.

Đã nhiều năm nay, người dân ở 4 xã cù lao huyện Long Hồ khắc khoải chờ tuyến đê bao ngoài 4 xã cù lao được thông suốt, tiếp đến là đường giao thông phát triển hạ tầng du lịch. Dự án trên bị “chựng” do còn 8 hộ kỳ kèo.

Hầu hết các hộ này nằm trong vùng dự án thuộc xã Đồng Phú. Nhiều hộ đã hiến đất thì tỏ ra mất kiên nhẫn bởi không biết phải chờ đến bao giờ.

Phát sinh thêm hộ… kỳ kèo!

Nếu cách đây 2 năm, dự án còn vướng 4 hộ đòi bồi thường thì nay lại phát sinh thêm một số hộ kỳ kèo bồi thường hoặc yêu cầu chỉnh tuyến né vật kiến trúc như hộ ông Đoàn Văn Phố (ấp Phú Mỹ), ông Trần Văn Hưởng (ấp Phú Thuận 4), ông Dương Văn Bé Ba (ấp Phú Mỹ 1),…

Vì sao lại có chuyện này? Ông Nguyễn Văn Tấn- Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Phú cho biết dự án trì trệ quá lâu do vướng mặt bằng nên một số hộ trước không phản đối nhưng giờ lại thay đổi ý định, kỳ kèo để được thêm phần lợi ích.

Chú Ba Tấn bên phần đất khoảng 1.000m2 được chú hiến để làm đê bao.
Chú Ba Tấn bên phần đất khoảng 1.000m2 được chú hiến để làm đê bao.

Ông Nguyễn Văn Tấn cho biết thêm, xã Đồng Phú có đến 11.700m đê bao đi qua với 356 hộ dân chịu ảnh hưởng. Tổng diện tích đất bị thu hồi gần 140.700m2. Tính đến ngày 19/3/2016, còn 8 hộ chưa bàn giao mặt bằng thi công đê bao.

Tổng diện tích đất phải thu hồi của các hộ này là 2.944m2. Trong đó, hộ bà Nguyễn Thị Kim (ấp Phú Thuận 2) thiệt hại lớn nhất với 1.654,5m2 đất, tuy nhiên tỷ lệ thiệt hại 25,98% so với tổng diện tích đất nên không thuộc diện được hỗ trợ bồi hoàn (theo Nghị định 69 của Chính phủ tỷ lệ này phải từ 30% trở lên). Các hộ còn lại có diện tích thiệt hại cũng chỉ từ 15,91- 23%.

Mặc dù không yêu cầu hỗ trợ bồi hoàn nhưng ông Phan Văn Nhóc (ấp Phú Mỹ 1- xã Đồng Phú) không thống nhất được phương án giải tỏa nhiều năm nay.

Theo ông, nếu đi đúng tuyến thì đê bao sẽ chia cắt phần đất và ảnh hưởng đến những vật kiến trúc trước nhà. Do đó, ông Phan Văn Nhóc yêu cầu được chỉnh tuyến cách ra xa thì mới đồng ý giải tỏa. “Nếu đồng ý chỉnh tuyến thì tui sẵn sàng san lấp ao cá để làm đê bao”- ông Phan Văn Nhóc cho biết vậy.

Không thể kiên nhẫn đợi chờ

Trước đây, khi được vận động bàn giao mặt bằng, chú Nguyễn Văn Tấn (Ba Tấn, ở ấp Phú Mỹ 1) sẵn sàng hạ hàng trăm gốc nhãn Ido (Edor) để hiến khoảng 1.000m2 đất.

Nhưng đến nay, tuyến đê bao vẫn chưa thành hình, chú Ba Tấn không khỏi bức xúc: “Tui không tiếc đất làm đê bao, nhưng đến nay đã gần 8 năm mà đất tui vẫn để hoang. Như vậy thật lãng phí vì trong khoảng thời gian đó tui có thể thu về khoảng lợi nhuận vài trăm triệu đồng từ việc trồng nhãn”.

Bức xúc của chú Ba Tấn cũng là bức xúc đại diện cho hàng trăm hộ dân đã đồng tình hiến đất để bàn giao mặt bằng nhiều năm nay. Và người dân không đủ kiên nhẫn chờ đợi thêm khi công trình trì trệ chỉ vì vài hộ kỳ kèo trong khi đại đa số người dân trong vùng ảnh hưởng đã thống nhất bàn giao mặt bằng.

Người dân bơm cát san lấp ao cá tạo mặt bằng đón dự án đường giao thông phát triển hạ tầng du lịch 4 xã cù lao.
Người dân bơm cát san lấp ao cá tạo mặt bằng đón dự án đường giao thông phát triển hạ tầng du lịch 4 xã cù lao.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã- Nguyễn Văn Tấn, việc thi công không được liên tục do vướng mặt bằng nên đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và dân sinh. Đặc biệt trong mùa lũ thì địa phương gặp nhiều khó khăn bởi lũ tràn và sạt lở đất.

Để khơi thông tiến độ dự án, ông cho biết chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền vận động là chính. Vận động đến đâu sẽ thi công cuốn chiếu đến đó nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án.

Liên quan đến những hộ yêu cầu chỉnh tuyến, ông Nguyễn Phước Năng- Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Long Hồ cho biết: Mới đây, ngành chuyên môn của huyện Long Hồ phối hợp với chủ đầu tư đã tiến hành khảo sát cụ thể từng hộ cân nhắc việc chỉnh tuyến, tuy nhiên phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và mỹ quan công trình.

Hiện chủ đầu tư của dự án này là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp- PTNT Vĩnh Long (Sở Nông nghiệp- PTNT) kết hợp với các đơn vị có liên quan vận động người dân điều chỉnh tuyến và giải phóng mặt bằng, đồng thời xác định khối lượng còn lại của công trình để trình phương án khởi động lại vào tháng 11 tới.

 

Dự án đê bao ngoài 4 xã cù lao huyện Long Hồ có chiều dài 14,4km, mặt đê rộng 6,5m, cao trình 2,5m, với kinh phí đầu tư gần 19 tỷ đồng là công trình quan trọng thuộc chương trình xây dựng cụm- tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ của tỉnh. Khi hoàn thành, đê bao góp phần bảo vệ 1.900ha vườn cây ăn trái và 1.524 hộ dân không bị ngập lũ. Ngoài ra, tuyến đê bao còn được đầu tư thành đường giao thông phát triển hạ tầng du lịch 4 xã cù lao, tạo điều kiện phát triển kinh tế vườn và du lịch sinh thái. Dự án đã được khởi công từ năm 2008 và kéo dài cho... đến nay.

Bài, ảnh: LÊ SƠN- PHẠM TẤN