Lo La Nina "trái tính trái nết"

Cập nhật, 06:46, Thứ Năm, 25/08/2016 (GMT+7)

Dù thời điểm này khu vực Nam Bộ chưa có dấu hiệu gì bất thường về thời tiết so những năm trước, nhưng theo các chuyên gia “chưa thể nói trước điều gì”.

Bởi như quy luật, cứ “sau El Nino thường sẽ có La Nina”, cần đề phòng với những cơn bão dữ - một loại “đặc sản” của kiểu thời tiết La Nina dự báo xuất hiện vào những tháng cuối năm.

Sau hạn, mặn, đồng bằng dự báo sẽ chịu ảnh hưởng mưa bão, lũ lụt.
Sau hạn, mặn, đồng bằng dự báo sẽ chịu ảnh hưởng mưa bão, lũ lụt.

Khả năng lũ cao hơn năm ngoái

Theo các chuyên gia, ĐBSCL đang bước vào những ngày cuối của đợt hạn, mặn lịch sử. Đây cũng là thời điểm bước vào thời kỳ chuyển mùa, thường xảy ra những cơn giông và lốc xoáy, sấm sét.

Tuy nhiên, điều lo ngại nhất chính là cảnh báo về hiện tượng La Nina thường tới sau El Nino. Biểu hiện rõ nhất của hiện tượng này là những ngày qua đã xuất hiện những cơn mưa với lưu lượng lớn, dồn dập trên diện rộng. 

Ths. Nguyễn Hữu Thiện- chuyên gia độc lập sinh thái ĐBSCL cho biết, qua quan sát mực nước tại một số trạm trên sông Mekong những ngày gần đây có tăng nhưng vẫn thấp hơn các năm trước.

Bởi vì năm vừa qua là năm khô hạn nên khi nước thượng nguồn đổ về sẽ bị hút vào những vùng đó. Tuy nhiên “không quá chủ quan”, Ths. Nguyễn Hữu Thiện nói:

“Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng và Viện Nghiên cứu khí tượng và Xã hội Hoa Kỳ, khả năng xảy ra La Nina diễn ra vào tháng 9 và tháng 10 có thể 55- 60%. Với những cơn mưa xuất hiện những ngày qua, có thể dự báo đỉnh lũ năm nay diễn ra vào giữa tháng 10 đến cuối tháng và có thể cao hơn đỉnh lũ năm 2015.”

Cùng nhận định này, PGS. TS. Lê Anh Tuấn- Phó Viện trường Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ)  cho rằng, lũ năm nay có thể xuất hiện trễ hơn và kết thúc muộn hơn những năm trước. Đồng thời trong năm nay có thể xảy ra những trận bão lớn nhưng rất bất thường, rất khó tiên đoán hướng dịch chuyển thế nào.

PGS. TS. Lê Anh Tuấn dẫn chứng qua theo dõi các trận bão những năm trước đây có khuynh hướng dịch chuyển đầu mùa mưa phía Bắc nhưng cuối mùa sang phía Nam, trong khi miền Trung mưa bão lại ít hơn. Đây là biểu hiện “trái tính trái nết” của thời tiết.

Cần bình tĩnh, thích ứng

Đài Khí tượng- Thủy văn khu vực Nam Bộ đưa ra dự báo năm 2016, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng 10-12 cơn.

Trong đó, có khoảng 5- 6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Con số dự báo này gần gấp đôi so với số cơn bão và áp thấp nhiệt đới được ghi nhận thực tế trong hai năm 2014- 2015 (mỗi năm chỉ có 7 cơn, bao gồm 5 cơn bão và 2 áp thấp nhiệt đới).

Theo đó cần đề phòng những cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động vào các tháng cuối mùa (tháng 10, 11 và 12) sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh Nam Trung Bộ- Nam Bộ.

Ths. Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, ngoại trừ năm 2000 và năm 2011 lũ lớn, thì những năm gần đây lũ trung bình. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sinh kế của người dân mà là điều kiện mặn xâm nhập sâu hơn vào đất liền. Để thích ứng sản xuất, Ths. Nguyễn Hữu Thiện khuyến cáo đối với sản xuất, cách tốt nhất là dựa vào dự báo để tránh thiệt hại, có thể bằng cách thay đổi lịch thời vụ, thay đổi phương thức canh tác.

PGS. TS Lê Anh Tuấn cũng cho rằng, cần phải thay đổi canh tác kể cả trong mùa mưa. Cần sử dụng loại cây ngắn ngày, cây tiết kiệm nước. Đồng thời tích cực trữ nước để sử dụng mùa khô năm sau, chuyển đổi cơ cấu không chạy theo mở rộng lúa như trước nay.

Theo các chuyên gia, El Nino và La Nina có từ rất lâu đời, và thường có chu kỳ dài ngắn khác nhau, nhưng có quy luật khá rõ ràng. Vì vậy các nhà quản lý cần đưa các đánh giá tác động của 2 hiện tượng thời tiết này vào quy hoạch ở tần suất bảo đảm, để giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất và đời sống của người dân.

 

PGS.TS Lê Anh Tuấn: Trong ứng phó với BĐKH, cần phải có cả những giải pháp công trình và giải pháp phi công trình. Trong hoàn cảnh đất nước còn nghèo thì nên hướng đến ưu tiên cho những giải pháp phi công trình, như vậy có thể tránh được những sai lầm “gây hối tiếc” khi phải đổ ngân sách quốc gia cho những dự án quá lớn, gây tốn kém trong đầu tư- xây dựng và vận hành- bảo trì hàng năm.

Bài, ảnh: HOÀNG MINH