Đi "ăn" cưới hay "lễ" cưới?

Cập nhật, 13:47, Thứ Tư, 18/05/2016 (GMT+7)

Cưới hỏi là chuyện quan trọng của một đời người, nó là chuyện lễ nghi, là chuyện văn hóa truyền thống. Xem ra, ngày nay ý nghĩa của lễ cưới nó đã không còn được quan tâm nữa rồi. Cầm thiệp cưới, bỏ tiền mừng vào đó, tới “ăn” cái cho xong rồi về, đó là cái tâm thế chung của đa số người đi dự tiệc cưới.

Sợ nhất là bị “hành xác” vì mấy cái dàn âm thanh khủng, nó đập ầm ầm, ngồi kế bên muốn hỏi thăm chuyện đàng trai, đàng gái cũng như... kịch câm, thấy nhép miệng chớ hổng biết nói gì.

Mới nhập tiệc được chút xíu, là thấy mấy ông MC đã “trân trọng kính mời...”, rồi mạnh ai nấy lên ca hát ì đùng; có lẽ tụi già như Hai Lúa tui lạc hậu quá, không theo kịp cái “văn minh thời đại”.

Nhưng văn gì thì văn, minh gì thì minh, có cái chắc là Hai Lúa tui thấy mình tổ chức lễ cưới ngày nay, nó “nửa nạc, nửa mỡ” làm sao ấy. Ở mấy nhà hàng trên thành phố còn đáng buồn hơn nữa, Tây hổng ra Tây mà ta hổng ra ta.

Thường thì đàng trai, đàng gái đều răm rắp làm theo mấy ông MC, cái nghi thức cắt bánh, rót sâm-banh mời cha mẹ hai bên, rồi MC lải nhải mấy câu “văn thơ đạo nghĩa” rất tào lao, nhưng đều được mọi người mặc nhiên chấp nhận nó như một phần không thể thiếu trong lễ cưới.

Còn có cả một ban nhạc nhảy múa “ba lê” rất… xàm; không hiểu ý nghĩa gì? Cái này có thể Hai Lúa tui là dân quê nên hổng rành. Nói chung là mọi thứ đều theo sự sắp đặt sẵn của mỗi nhà hàng.

Đến dự lễ cưới là chứng kiến và chúc phúc cho cô dâu, chú rễ, chúc mừng cho gia đình đôi bên; đâu phải đến để “ăn” và bị... tra tấn bởi âm thanh khủng, rồi cùng... “hát với nhau”.

Hailua@.com