Rộn ràng Chol Chnam Thmay

Cập nhật, 13:30, Thứ Sáu, 15/04/2016 (GMT+7)

Từ ngày 13-16/4, hơn 22.000 người Khmer ở Vĩnh Long vui đón Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay (Tết “chịu tuổi”). Về xã Loan Mỹ (Tam Bình) những ngày này, chùa Kỳ Son tưng bừng, náo nhiệt, từng đoàn người trong trang phục màu sắc rực rỡ, nét mặt vui tươi, bưng lễ vật vào chùa đón mừng năm mới và vui ngày lễ hội.

Đông đảo bà con đến chùa Kỳ Son xem văn nghệ.
Đông đảo bà con đến chùa Kỳ Son xem văn nghệ.

Cũng như nhiều lễ hội khác của đồng bào dân tộc Khmer, Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay diễn ra chủ yếu tại chùa.

Trong ngày đầu của năm mới, đồng bào Khmer rủ nhau đến chùa đón lễ hội rồi đi xem hoặc tham gia các trò chơi dân gian như đua thuyền, kéo co, đẩy gậy,... xem thi đấu bóng đá, bóng chuyền.

Buổi tối, ở sân chùa Kỳ Son có liên hoan văn nghệ. Đây có lẽ là phần chờ đợi nhất của các bạn trẻ, nhiều bạn háo hức từ chiều trong bộ quần áo trình diễn rực rỡ.

Chị Thạch Thị Trang (Vũng Liêm) còn hơn 2 giờ nữa mới ra sân khấu nhưng quần áo đã sẵn sàng. Chị cười thật tươi, môi đỏ thắm: “Chị múa bài “Phụ nữ đi ruộng gặt lúa” mà được mặc đồ đẹp vầy nè!”

Hỏi chị biết múa từ khi nào, chị nói cũng không nhớ nữa, chắc là hồi rất nhỏ, rồi chị khoe: “Người Khmer như biết múa từ trong máu hay sao á, hình như ai cũng biết múa ít nhất 1 bài”.

Loay hoay từ chiều bên dàn nhạc ngũ âm, em Sơn Ngọc Kha- học sinh lớp 9 THCS Thị trấn Vũng Liêm- vẫn chưa hết hồi hộp khi lên sân khấu.

Trong những lần tập buổi chiều, Ngọc Kha đã ra “mồ hôi mẹ, mồ hôi con”. Em lí nhí “run lắm vì biết chơi 2 năm rồi nhưng chưa bao giờ được lên sân khấu bự vậy!”

Chiều tối, các cô, các bà Khmer mỗi người đội một thúng lúa vào chùa. Cô Thạch Thị Sua (ấp Kỳ Son) chít khăn rằn trên đầu ngay ngắn, áo bà ba gấm màu vàng rất tươm tất. Trên tay cô còn cầm cái thúng không màu nâu đen, láng bóng.

Cô vui vẻ: “Cái thúng này tui mua hết 150 ngàn, để dành lễ, tết mang đồ cúng lên chùa vậy đó, không phải để xúc lúa đâu”. Rồi cô Sua giải thích, mình mang lúa vô chùa để dâng lên Phật, cầu mong cho vụ mùa mới bội thu hơn.

Dâng lễ xong, cô Sua và các chị em bạn còn ở lại xem văn nghệ. Đôi mắt các cô không rời khỏi sân khấu, mỗi khi hết bài, các cô lại bàn tán rôm rả, có lúc lại kêu lên “hay quá, hay quá”.

Các tiết mục văn nghệ truyền thống như múa rô băm, apsara, lâm thôn theo tiết tấu rộn rã của dàn nhạc ngũ âm… khiến ai cũng thích thú. Đội của huyện Tam Bình còn có tiết mục hát dù kê, chê thói mê rượu chè khiến những tràng cười rộn rã.

Dịp lễ hội này, nhiều gian hàng ẩm thực cũng được mở ra trước cổng chùa. Con đường dẫn vào chùa như một khu hội chợ đầy màu sắc với trang phục, thức ăn,… và còn có cả sân chơi cho trẻ em.

Đặc biệt, mọi người được thưởng thức những đặc sản ẩm thực của phum, sóc như cốm dẹp, mắm bò-hóc, bún nước lèo...

Bạn Nguyễn Thị Kim Anh cùng các bạn trong nhóm chụp ảnh trước cổng chùa cho biết: "Tụi em tới đây từ chiều, được vô chùa ăn bún mắm, đi ăn vặt và chụp ảnh. Đây là lần thứ 3 em đi Tết Chol Chnam Thmay”.

Cô Thạch Thị Sua nói thêm: “Con nít Khmer bây giờ đều được đi học, học giỏi mà múa cũng đẹp nữa!” Đối với nhiều người Khmer, tết này vui nhất là ngày mùng 3 Tết (ngày 15/4), người dân thỉnh tượng Phật trong chùa ra sân, dùng nước ướp ngũ hoa để Sư cả tắm tượng Phật.

Người dân hứng nước tắm này để xức lên đầu và thân thể, với quan niệm được mạnh khỏe và Phật ban phước trong năm.

Điểm nhấn của nghi thức độc đáo này chính là lúc mọi người thoải mái tắm mình trong những làn nước, đón nhận nước té càng nhiều càng tốt, bởi họ tin rằng điều đó như lời cầu chúc năm mới nhiều may mắn, khỏe mạnh và hạnh phúc.

Tết Chol Chnam Thmay ở vùng đồng bào dân tộc Khmer của Vĩnh Long rộn rã sắc màu, đầm ấm vui tươi trong tình dân tộc. Lãnh đạo Tỉnh ủy, MTTQ Việt Nam tỉnh, HĐND, UBND tỉnh,… đều đến dự chung vui với đồng bào dân tộc.

Có thể thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào Khmer là rất lớn. Tin rằng, bà con sẽ có một năm mới với nhiều thuận lợi và tiếp tục gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer.

Tỉnh Vĩnh Long có 2,1% dân số là người dân tộc Khmer (hơn 22.000 người). Trong những năm qua, tỉnh luôn quan tâm, hỗ trợ và thực hiện tốt các chính sách cho đồng bào dân tộc.

Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo được kéo giảm, tỷ lệ huy động trẻ em Khmer 6 tuổi đến trường đạt 100%,… Hàng năm đều có ngày hội văn hóa- thể thao quy mô cấp tỉnh nhằm tạo sân chơi cho đồng bào Khmer, đồng thời thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc trong vùng.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN- DƯƠNG THU