Mang Thít: Tập trung phát triển sản xuất công nghiệp

Cập nhật, 05:57, Thứ Tư, 02/03/2016 (GMT+7)

Trong năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp (CN- TTCN) cho thấy có nhiều dấu hiệu phục hồi. Trong khi đó, hiện có nhiều ngành đang phát triển mạnh, nhiều nhà đầu tư quan tâm đến Mang Thít cũng cho thấy, trong những năm tới, giá trị của ngành CN- TTCN sẽ đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của huyện.

Những con tàu lớn được đóng tại Tuyến CN Cổ Chiên trên địa bàn Mang Thít.
Những con tàu lớn được đóng tại Tuyến CN Cổ Chiên trên địa bàn Mang Thít.

Những dấu hiệu phục hồi

Theo báo cáo của Phòng Công thương huyện Mang Thít, từ năm 2010- 2013, giá trị sản xuất CN- TTCN liên tục sụt giảm. Nguyên nhân là ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế thế giới, ngành sản xuất gạch gốm chủ lực của huyện liên tục gặp khó khăn, cộng thêm các ngành khác như: đóng tàu, thủy sản,… trì trệ.

Với tổng giá trị sản xuất năm 2010 là trên 1.270 tỷ đồng thì đến năm 2013, chỉ còn hơn 801 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2014, 2015 có dấu hiệu phục hồi với những chính sách, mô hình mới. Các ngành sản xuất được phục hồi ổn định đã giúp cho giá trị sản xuất của ngành CN- TTCN tăng lên đáng kể.

Cụ thể, năm 2014, giá trị đạt trên 861 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ, tiếp tục đến năm 2015, giá trị đạt gần 936 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ. Theo đánh giá của Phòng Công thương huyện, trong năm 2015, do nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy tăng cao nên ngành CN đóng tàu- sửa chữa tàu thủy trên địa bàn từng bước được phục hồi, tổng giá trị đạt trên 45,5 tỷ đồng, tăng gần 75% so với năm 2014.

Trong khi đó, ngành may mặc tiếp tục phát triển, hiện có 6 doanh nghiệp may gia công. Đồng thời ngành sản xuất CN chủ lực gạch gốm đang từng bước ổn định. Hiện có 4 lò Hoffman, 11 lò nung liên hoàn đang hoạt động. Giá trị sản xuất cả gạch và gốm đều tăng lần lượt là 11,3% và 5,2%.

Theo Chủ tịch UBND huyện- Nguyễn Văn Diên, hiện nay, ngoài ngành gạch gốm đang phục hồi và đi vào ổn định, ngành đóng tàu và ngành may mặc đang là những ngành CN chủ lực, từng bước đóng góp nhiều vào tổng giá trị sản xuất của ngành CN- TTCN. Trong khi đó, hiện Mang Thít đang đón những luồng gió mới từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước ở các ngành da- thuộc da, gạch không nung, CN chế biến,.. phù hợp với điều kiện địa phương. Từ đó cho thấy, huyện đặt mục tiêu trong năm 2016, tổng giá trị sản xuất CN- TTCN tăng 23,8% là có cơ sở.

Tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư

Đường tỉnh 902 được nâng cấp, mở rộng sẽ tạo nhiều điều kiện để Tuyến CN Cổ Chiên phát huy tối đa thế mạnh. Trong ảnh: Một nhà máy sản xuất sáng đèn nằm trên Đường tỉnh 902, đoạn thuộc xã Mỹ An.
Đường tỉnh 902 được nâng cấp, mở rộng sẽ tạo nhiều điều kiện để Tuyến CN Cổ Chiên phát huy tối đa thế mạnh. Trong ảnh: Một nhà máy sản xuất sáng đèn nằm trên Đường tỉnh 902, đoạn thuộc xã Mỹ An.

Huyện Mang Thít hiện có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành CN- TTCN. Theo Chủ tịch UBND huyện- Nguyễn Văn Diên, hiện Đường tỉnh 902 đang được đầu tư thi công, và nếu không có gì thay đổi, năm 2016 sẽ khởi công cầu Quới An nối liền Mang Thít- Vũng Liêm sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi để Tuyến CN Cổ Chiên qua địa bàn huyện phát huy tối đa thế mạnh.

Thế mạnh mà Tuyến CN Cổ Chiên có mà theo ông Nguyễn Văn Diên chính là 2 “mặt tiền”: vừa giáp lộ, giáp sông. Hiện có rất nhiều nhà đầu tư đến tham khảo các địa điểm và mong muốn huyện tạo điều kiện mặt bằng để họ vào đầu tư. Mà chủ trương của huyện sẽ tạo mọi điều kiện để nhà đầu tư đến
sản xuất.

Chủ tịch UBND huyện- Nguyễn Văn Diên cho biết, hiện các cơ sở đóng tàu trên địa bàn huyện có mong muốn sử dụng cảng An Phước (xã An Phước) làm trạm trung chuyển, điều tiết nguyên liệu đóng tàu. Huyện cũng đã ghi nhận để sớm có ý kiến đề xuất với tỉnh. Nếu được sẽ giúp cho các cơ sở tiết kiệm chi phí vận chuyển, hạ giá thành sản phẩm tạo sức cạnh tranh trên thị trường.

Trong khi đó, các nhà đầu tư mới thuộc các ngành như: da- thuộc da, gạch không nung, chế biến… huyện cũng đã tạo quỹ đất sạch để các nhà đầu tư triển khai dự án. Tạo quỹ đất sạch phù hợp với vị trí, nguyện vọng của doanh nghiệp sẽ làm cho họ thích mình. Từ đó sẽ tạo tiền đề phát triển ngành sản xuất CN- TTCN trong những năm tiếp theo.

Ngoài ra, nhận diện phát triển các ngành sản xuất CN- TTCN không thể thiếu nguồn lao động cung ứng cho nhu cầu của doanh nghiệp. Chủ tịch UBND huyện- Nguyễn Văn Diên khẳng định, huyện sẽ tạo mọi điều kiện để có nguồn lao động ổn định, lâu dài. Nếu doanh nghiệp cam kết với người lao động đúng với Bộ luật Lao động thì việc tìm nguồn lao động là chuyện không khó…

“Thể hiện quyết tâm đưa ngành sản xuất CN- TTCN phát triển mạnh, trong một vài ngày tới, UBND huyện sẽ tổ chức họp mặt doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất trên địa bàn để cùng nhau tìm hướng giải quyết khó khăn, hướng đi để doanh nghiệp phát triển ổn định và bền vững”- ông Nguyễn Văn Diên- Chủ tịch UBND huyện còn nhận định- cả nhiệm kỳ tới đã đặt ra CN- TTCN tăng 34,4%.

Từ những dấu hiệu phục hồi các ngành CN chủ lực, huyện đã và đang có nhiều doanh nghiệp vào tham khảo, đặt vấn đề đầu tư có thể thấy mức tăng giá trị sản xuất CN- TTCN 34,4% là khả thi.

Nói về ngành CN đóng tàu phục hồi và phát triển mạnh trong thời gian gần đây, ông cho biết: "Hiện có 8 cơ sở. Họ đi vào sản xuất một cách chuyên nghiệp, phân hóa hơn để cùng nhau cạnh tranh lành mạnh. Đây là một ngành sản xuất có thể được xem là chủ lực của huyện trong thời gian tới".

Hiện nay, trên địa bàn huyện ngoài việc đang triển khai sửa chữa, mở rộng Đường tỉnh 902 phục vụ cho Tuyến CN Cổ Chiên thì Đường tỉnh 907, một số tuyến đường mới đang chuẩn bị khởi công sẽ tạo điều kiện để các vùng “rốn” của huyện phát triển.

 

Bài, ảnh: KHÁNH DUY