TP Vĩnh Long: Trên đường phát triển lên đô thị loại II

Cập nhật, 18:19, Thứ Bảy, 13/02/2016 (GMT+7)

 

Đồng chí Hồ Văn Huân-Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Bí Thư Thành ủy TP Vĩnh Long

Đại hội Đảng bộ TP Vĩnh Long lần thứ XI đã đề ra mục tiêu quan trọng, đó là phát triển TP Vĩnh Long nhanh và bền vững, tiến tới xây dựng, phát triển thành phố lên đô thị loại II vào năm 2020.

Đây là mục tiêu hoàn toàn phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, tiềm năng của thành phố.

Điều này đòi hỏi chính quyền thành phố phải tập trung chỉ đạo quyết liệt đồng bộ các giải pháp, cùng nhân dân đoàn kết, nỗ lực phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra.

 

Những thành tựu ấn tượng

Trong giai đoạn 2010- 2015, tổng mức bán lẻ hàng hóa vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao; giá trị sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp phát triển mạnh, đa dạng, phong phú với nhiều loại hình, nhiều lĩnh vực.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, văn hóa- xã hội có nhiều tiến bộ, diện mạo đô thị chuyển biến rõ nét, tình hình an ninh chính trị được giữ vững…

Điều đó cho thấy sự lãnh chỉ đạo kịp thời của các cấp và sự đoàn kết, đồng thuận của chính quyền cùng nhân dân đã nỗ lực vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế- xã hội.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh công nghiệp hóa- hiện đại hóa, cấp ủy, chính quyền thành phố đã phối hợp với các sở, ban ngành tỉnh, tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành và khuyến khích thu hút đầu tư trên địa bàn thành phố.

Tạo điều kiện để các đơn vị doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể phát triển sản xuất kinh doanh, đổi mới thiết bị- công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa trên thị trường.

Bên cạnh, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư mở rộng phát triển sản xuất, góp phần tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Đến năm 2015, địa bàn có 10.755 hộ kinh doanh, tăng gấp 12 lần so với năm 2010.

Bờ kè sông Cổ Chiên sắp hoàn thành. Ảnh: Dương Thu
Bờ kè sông Cổ Chiên sắp hoàn thành. Ảnh: Dương Thu

Thành phố đã hoàn thành các tiêu chí đưa 4 xã: Trường An, Tân Hòa, Tân Ngãi, Tân Hội lên phường. Trong giai đoạn 2010- 2015, tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên 465 tỷ đồng, hệ thống hạ tầng cơ sở ngày càng được đầu tư, nâng cấp và nâng cao chất lượng.

Nhiều tuyến đường trong nội ô của thành phố đã được đầu tư xây dựng mới như: đường Trần Đại Nghĩa (Phường 4), đường Võ Văn Kiệt (Phường 2 và Phường 9), tuyến kè Cổ Chiên từ cầu Cái Cá (Phường 2) đến chân cầu Mỹ Thuận dài trên 9.000m cũng đang hoàn thành, bờ kè Phường 5, cầu Vồng và tuyến tránh Quốc lộ 1A… thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, thương mại, dịch vụ.

Thành phố còn xây dựng hoàn thành các cụm- tuyến dân cư vượt lũ Phường 8, Phường 9, xã Trường An và xã Tân Hội. Qua đó, giải quyết trên 2.000 hộ dân với gần 10.000 nhân khẩu có nhà ở ổn định. Hiện nay, 99% hộ dân có điện chiếu sáng và trên 98% hộ dân được sử dụng nước sạch…

Tuy đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng thành phố vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi trong nhiệm kỳ 2015- 2020 cần những giải pháp thiết thực và sự tập trung chỉ đạo thực hiện một cách quyết liệt.

Để trở thành đô thị loại II

Để thực hiện các tiêu chí của đô thị loại II, đến nay thành phố đã đạt một số kết quả như: lập quy hoạch phân khu đô thị 11/11 xã- phường đạt 100%. Hoàn thiện và trình phê duyệt Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị.

Xây dựng cơ sở vật chất phục vụ phát triển văn hóa- xã hội được 38 công trình với vốn đầu tư 2.600 tỷ đồng. Thành phố đã có 94% hộ dân có nhà kiên cố, tỷ lệ đô thị hóa đạt 76%, diện tích nhà ở bình quân đầu người gần 15 m2/người. Xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật được 202 công trình với trên 3.559 tỷ đồng.

Với mục tiêu đưa TP Vĩnh Long lên đô thị loại II góp phần phát triển kinh tế- xã hội, đem lại cuộc sống tốt hơn, hạnh phúc hơn cho người dân. Trong nhiệm kỳ 2015- 2020, ngoài việc triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XI của Đảng bộ TP Vĩnh Long với trọng tâm là 3 khâu đột phá, chính quyền thành phố cần tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp cụ thể như sau:

Một là, quản lý sử dụng vốn đầu tư thật hiệu quả và tiết kiệm.

Hai là, tiếp tục tham mưu, đề xuất tỉnh sớm có phân cấp mạnh mẽ và rõ ràng trong quản lý quy hoạch, quản lý đô thị, đầu tư xây dựng cơ bản, đất đai… Về lâu dài cần có cơ chế đặc thù theo hướng hình thành chính quyền đô thị.

Ba là, trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng phải biết phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo trong thu hút vốn đầu tư.

Bốn là, thường xuyên kiểm tra, rà soát, điều chỉnh quy hoạch để kịp thời điều chỉnh các bất cập, đồng thời cập nhật kịp thời các nhân tố mới làm tăng động lực phát triển.

Và cuối cùng là, thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, kiện toàn bộ máy quản lý dự án, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị theo quy định.

Thiết nghĩ, trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn tới, cùng với sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, rất cần phát huy vai trò tham mưu tích cực, hiệu quả, sáng tạo của chính quyền thành phố và nhất là cần có sự đồng thuận, ủng hộ của người dân để thành phố có thêm nguồn lực phát triển.

Đó là nguồn lực về tài chính, con người để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, xây dựng các công trình văn hóa, xã hội… để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng thành phố trở thành đô thị loại II trực thuộc tỉnh trong thời gian sớm nhất.

3 khâu đột phá của TP Vĩnh Long

1. Đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực phù hợp với
TP Vĩnh Long.

2. Thu hút vốn đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội.

3. Ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư, khai thác tiềm năng du lịch và vui chơi giải trí.