Cánh én bên dòng Cổ Chiên

Cập nhật, 18:19, Thứ Bảy, 13/02/2016 (GMT+7)

Kè Cổ Chiên với chiều dài 10,4km uốn lượn theo dòng sông vừa có ý nghĩa lớn là giúp chống ngập và sạt lở, ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng, vừa tạo điểm nhấn rất duyên cho TP Vĩnh Long- như một cánh én báo tin xuân bên dòng Cổ Chiên thơ mộng.

Không chỉ vậy, nếu khai thác hết tiềm năng, thế mạnh, công trình còn mang lại giá trị kinh tế- xã hội lớn, tạo động lực mới để TP Vĩnh Long phát triển.

Ảnh: NVH

Tạo điểm nhấn cho thành phố

Theo ông Nguyễn Thanh Hà- Phó Chủ tịch UBND TP Vĩnh Long, kè Cổ Chiên được xây dựng nhằm chống ngập, chống sạt lở cho TP Vĩnh Long. Về lâu dài, còn nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Tuyến kè là điểm nhấn của thành phố về văn hóa, du lịch và là nơi vui chơi giải trí, sinh hoạt, thể dục thể thao cho người dân.

Theo đó, sau khi hạng mục kè hoàn thành, các hạng mục phụ như công viên, tiểu đảo vừa và nhỏ dọc đường Phạm Hùng sẽ được tiếp tục đầu tư. Đồng thời, 3 tuyến đường từ QL1 vào bờ kè sẽ kết nối giao thông thuận tiện cho khách tham quan du lịch.

Ông Nguyễn Thanh Hà cho biết thêm, để tận dụng, khai thác tốt công năng kè, TP Vĩnh Long đã và đang kêu gọi đầu tư một số khu du lịch sinh thái.

Và để tận dụng quỹ đất nông nghiệp ở các nơi này, thành phố đã vận động bà con trồng các loại cây ăn trái, hoa màu, cây cảnh sao cho vừa tạo cảnh quan đẹp, vừa có thể kinh doanh mua bán, phục vụ khách du lịch.

Cũng nằm trong dự án kè Cổ Chiên, thời gian qua Trung ương cũng đã chấp thuận chủ trương mở rộng dự án này phía đoạn kè Phường 2 (từ cầu Cái Cá đến cầu Lộ) và Phường 5 (đoạn nối tiếp kè Cổ Chiên đến miếu Công Thần).

Tổng chiều dài 2 đoạn kè gần 1.200m. Đây cũng là tín hiệu đáng mừng cho việc tạo lập mặt tiền sông nước TP Vĩnh Long. Tuyến kè nối dài vừa bảo vệ bờ sông, ngăn lũ cũng như tạo mỹ quan đô thị.

Theo bà Hồ Ngọc Dung- Phó Chủ tịch UBND Phường 5, trước đây, người dân ở cặp sông ăn ngủ không yên do sạt lở rất phức tạp. Do đó, khi kè được xây kiên cố thì đời sống người dân ổn định hơn. Nếu như trước đây, ở dọc sông có nhiều hộ khó khăn, sống bằng nghề chài lưới thì nay nhiều hộ vào khu tái định cư ổn định, hộ còn ở lại cũng yên tâm xây nhà cửa khang trang.

Tuyến kè còn góp phần đáng kể xóa nhà sàn trên sông rạch. Theo Phòng Quản lý đô thị TP Vĩnh Long, nhiều nhà sàn tạm bợ trên sông đã được giải tỏa nhờ thực hiện dự án kè Cổ Chiên qua Phường 2, Phường 9 và các xã Trường An, Tân Ngãi. Tính đến cuối năm 2015, đã có trên 400 căn nhà được giải tỏa để thi công dự án.

Động lực cho phát triển

Kè Cổ Chiên hoàn thành sẽ tạo đà để tỉnh thu hút đầu tư một số dự án quan trọng tiếp theo. Ông Nguyễn Trọng Hòa- Phó Phòng Quản lý đô thị TP Vĩnh Long cho biết: Hiện thành phố đang đầu tư hạ tầng giao thông cho dự án Khu du lịch sinh thái Cồn Chim và đang kêu gọi đầu tư.

Trước đó, đã hoàn thành tuyến đường Số 2 ngay vòng xoay Tân Ngãi- cũng là tuyến chính vô khu du lịch.

Bên cạnh, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương cho Công ty TNHH 1TV Xây dựng- Thương mại và Khách sạn Trường Huy- Vĩnh Long đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái Trường Huy tại 2 ấp Tân Quới Hưng- Tân Quới Tây (Trường An) quy mô khoảng 10ha, ước tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng.

Nhiều công trình hạ tầng lớn được đầu tư xây dựng làm thay đổi diện mạo thành phố. Ảnh: NVH

Nhiều công trình hạ tầng lớn được đầu tư xây dựng làm thay đổi diện mạo thành phố. Ảnh: NVH

 

Còn theo ông Nguyễn Thanh Hà, hiện một số nhà đầu tư có “nhã ý” đầu tư mô hình câu cá sinh thái trên mặt sông dọc theo kè.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là ý tưởng. Trong tương lai để khai thác giá trị kinh tế của tuyến kè này, tỉnh dự kiến sẽ có khu nghỉ dưỡng ở đoạn Khu du lịch Trường An, phim trường… gắn liền với kè”.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Trịnh Văn Lâu bày tỏ một mối quan tâm khác:

“Tôi lo là vài năm nữa, khi đường cao tốc hoàn thành thì từ TP Hồ Chí Minh đi một mạch về đến Cần Thơ. Cầu Cổ Chiên giúp rút ngắn đoạn đường Trà Vinh- Bến Tre. Như vậy, Vĩnh Long không còn là tỉnh trung tâm nữa. Vì thế, tỉnh cần có kế hoạch thu hút và giữ chân du khách. Và triển vọng thu hút du khách trong và ngoài nước từ công trình kè Cổ Chiên là rất lớn. Khi hoàn chỉnh tuyến kè này, TP Vĩnh Long sẽ rất đẹp”.

Theo đó, nếu xây khách sạn, khu an dưỡng… dọc bờ kè thì sẽ thu hút được du khách. Không khí mát mẻ, sáng đón nắng mặt trời, hứng gió chướng, kết hợp tuyến du lịch ven sông, du lịch sinh thái miệt vườn kế bên. Bên cạnh, tỉnh ta có truyền thống cách mạng với các nhân vật nổi tiếng như Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt, Trần Đại Nghĩa,… nên có thể kết hợp du lịch truyền thống với các công trình, di tích lớn của tỉnh”.

 

Ông Đoàn Thanh Bình- Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh

 

Đô thị Vĩnh Long là đô thị sông nước miệt vườn, trong tương lai sẽ được phát triển theo hướng đô thị xanh.

 

Vì thế, từ quy hoạch, thẩm định, thiết kế cần đảm bảo mật độ cây xanh, phát triển hài hòa giữa nông thôn và thành thị, đẩy mạnh phát triển công nghiệp dịch vụ theo hướng công nghệ và chất lượng cao, khai thác tiềm năng thế mạnh của từng đô thị.

 

Hiện phần lớn quy hoạch đô thị đều cách bờ sông 10m trở lên và có công viên cây xanh, nếu khai thác, phát huy hiệu quả không gian sông nước thì có thể thu hút đầu tư, khai thác du lịch, thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển.

 

Ông Nguyễn Thanh Hà- Phó Chủ tịch UBND TP Vĩnh Long

 

Kè Cổ Chiên được xây dựng nhằm chống ngập, chống sạt lở cho TP Vĩnh Long.

Về lâu dài, còn nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Tuyến kè là điểm nhấn của thành phố về văn hóa, du lịch và là nơi vui chơi giải trí, sinh hoạt, thể dục thể thao cho người dân.

 

 

TUYẾT HIỀN- LÊ SƠN