Xây dựng đời sống văn hóa là xây dựng quê hương

Cập nhật, 05:10, Thứ Tư, 02/12/2015 (GMT+7)

Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở huyện Bình Tân trong thời gian qua có đã góp phần cho từng hộ gia đình và cộng đồng phát triển theo hướng tích cực. Qua đó, góp phần không nhỏ vào việc xây dựng quê hương…

Phong trào góp phần ổn định kinh tế gia đình, xây dựng quê hương. Trong ảnh: Ông Nguyễn Dương Lâm bên vườn cam trăm triệu của mình.
Phong trào góp phần ổn định kinh tế gia đình, xây dựng quê hương. Trong ảnh: Ông Nguyễn Dương Lâm bên vườn cam trăm triệu của mình.

Chuyển biến tích cực

Năm 2015, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tiếp tục được Bình Tân quan tâm thực hiện. Phong trào ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần nâng cao cuộc sống của người dân trên các lĩnh vực kinh tế, đời sống, văn hóa, an ninh trật tự,…

Ban vận động xây dựng nông thôn mới và thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, Liên đoàn lao động huyện và các đoàn thể triển khai, tuyên truyền, vận động. Kết quả có 100% gia đình đăng ký xây dựng văn hóa, 81/81 ấp, 11/11 xã và 39/39 cơ quan, đơn vị đăng ký xây dựng văn hóa.

Theo ông Phạm Văn Vô- Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện, việc tuyên truyền, vận động đã góp phần không nhỏ đến nhận thức của người dân trong phong trào này: “Thật sự đã có nhiều chuyển biến ở người dân về xây dựng đời sống văn hóa. Từ đó đã từng bước nâng cao tính tự giác của nhân dân trong thực hiện các nghĩa vụ và quyền lợi của mình đối với địa phương. Bên cạnh đó, phong trào đã giúp cho Mặt trận và các đoàn thể thực sự đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, góp phần tích cực xây dựng thực lực chính trị ở cơ sở, nhân dân ngày càng tin tưởng và ủng hộ sự nghiệp đổi mới do Đảng lãnh đạo.

Góp phần xây dựng quê hương

Đánh giá những mặt đạt được trong thời gian qua, ông Phạm Văn Vô cho rằng, phong trào đã phát huy được sức mạnh của các tầng lớp nhân dân trong xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất nâng cao đời sống, thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa, chính sách xã hội và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

“Điều quan trọng hơn là phong trào đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nhất là cơ sở hạ tầng được hoàn thiện và phát triển, đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt. Nếp sống văn minh nơi công cộng cũng chuyển biến theo chiều hướng tích cực hơn”- ông Phạm Văn Vô nhận xét.

Là hộ gia đình văn hóa cấp tỉnh năm 2015, ông Nguyễn Dương Lâm (ấp An Thạnh, xã Tân An Thạnh) tự hào khi có gia đình hạnh phúc, các con thành đạt và góp phần nhiều vào các hoạt động xã hội tại địa phương. Ông cho biết, niềm tự hào lớn nhất là các con ông đều học hành thành đạt, có việc làm ổn định.

Ông kể, nhà có 5 người con đều học đại học, 1 người đang học tiến sĩ ở Australia. Hiện tại, gia đình canh tác vườn cam chất lượng cao, thu nhập hàng năm trên 100 triệu đồng. Đây cũng là mô hình vườn được nhiều nông dân học tập kinh nghiệm.

“Xây dựng gia đình hạnh phúc, vợ chồng chung thủy, con cháu hiếu thảo là điều kiện để tôi tham gia tích cực các hoạt động xã hội. Nhờ thu nhập từ vườn, các con cũng có thu nhập ổn định nên có cơ hội đóng góp, rồi vận động bà con lối xóm cùng nhau thực hiện nhiều công trình phúc lợi, các hoạt động xóa đói giảm nghèo”- ông cho biết.

Trong năm, gia đình ông Lâm đã đóng góp và vận động bà con lối xóm đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi xã hội tổng trị giá hơn 700 triệu đồng. “Mình đóng góp để quê hương ngày càng giàu đẹp, góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương”.

Ông Võ Văn Thổ (ấp Tân Lộc, xã Tân Lược) cũng là người tham gia tích cực phong trào đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Ông cho biết: “Việc hưởng ứng và thực hiện cuộc vận động đã góp phần thay đổi diện mạo xóm, ấp và cả ý thức người tham gia. Con người thân thiện với nhau hơn, ý thức được trách nhiệm của mình đối với cộng đồng. Hiện phong trào đã đi vào chiều sâu, ai có sức góp sức, ai có của góp của, cùng chính quyền địa phương thực hiện nhiều hoạt động, từ đó làm thay đổi không nhỏ bộ mặt nông thôn”.

Theo ông Phạm Văn Vô, phong trào đã thật sự làm thay đổi nhận thức của người dân, kinh tế hộ gia đình không ngừng nâng cao, các mặt tích cực của xã hội chuyển biến tốt. Hơn hết, đây là một phong trào thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng nông thôn mới, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo và bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc…

Năm 2015, huyện Bình Tân có hơn 93% hộ đạt gia đình văn hóa, 8/11 xã văn hóa, 39/39 đơn vị đạt văn hóa, 8/9 chợ loại II đạt văn hóa, 25/25 cơ sở tôn giáo văn hóa.

Thường trực Ban vận động “Ngày vì người nghèo” các cấp đã tiếp nhận ủng hộ trên 1 tỷ đồng, cất mới 72 nhà đại đoàn kết. Vận động quỹ Đền ơn đáp nghĩa gần 390 triệu đồng, hỗ trợ xây mới và sửa chữa 153 căn nhà tình nghĩa. Đồng thời, tổng số tiền và hàng hóa huy động thực hiện các chương trình cho hộ nghèo trị giá hơn 7,3 tỷ đồng…

Bài, ảnh: KHÁNH DUY