Hạn, mặn sẽ gay gắt

Cập nhật, 06:53, Chủ Nhật, 06/12/2015 (GMT+7)

Vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Anh Vũ đã ký quyết định ban hành kế hoạch phòng, chống thiếu nước và hạn hán, xâm nhập mặn phục vụ dân sinh và bảo vệ sản xuất vụ Đông Xuân năm 2015- 2016 và Hè Thu năm 2016.

Cuối tháng 12, mực nước sẽ xuống thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,3- 0,4m.
Cuối tháng 12, mực nước sẽ xuống thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,3- 0,4m.

Theo dự báo của ngành nông nghiệp, diện tích đất lúa và cây màu thiếu nước, cần bơm tát vụ Đông Xuân 2015- 2016 là 13.000ha. Khu vực thiếu nước tập trung ở vùng đất ruộng có cao độ từ 0,8- 1m, vùng xa sông lớn, dự báo trà lúa Đông Xuân xuống giống đợt 2 (thu hoạch từ giữa tháng 2 đến cuối tháng 2/2016) và đợt 3 (thu hoạch vào đầu đến cuối tháng 3/2016) có khả năng bị ảnh hưởng, một số diện tích ở 2 huyện Vũng Liêm, Trà Ôn bị hạn do đóng cống ngăn mặn dài ngày.

Trong đó, Vũng Liêm có 4.000ha ở các xã ven sông Cổ Chiên và phía Nam sông Vũng Liêm; Trà Ôn có 3.000ha ở các xã Tân Mỹ, Thới Hòa, Xuân Hiệp, Trà Côn, Thuận Thới, Hựu Thành. Các địa phương khác cũng có khả năng bị hạn như Long Hồ 2.000ha, Tam Bình 1.000ha, Mang Thít 600ha, Bình Tân 2.000ha và TX Bình Minh 400ha. Riêng vụ Hè Thu 2016, dự báo diện tích khả năng hạn chế tưới tự chảy hơn 25.000ha.

Toàn tỉnh hiện có 26.315 hộ ở nông thôn chưa sử dụng nước máy tập trung, hộ ở trong nội đồng xa kinh, rạch lớn sẽ gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt do nguồn nước bị cạn kiệt và bị ô nhiễm, xâm nhập mặn. 26.000 hộ dân của tỉnh có thể sử dụng nguồn nước bị nhiễm mặn 4‰ gồm 7 xã ven sông và cù lao trên sông Cổ Chiên thuộc huyện Vũng Liêm và 4 xã ven sông Hậu thuộc huyện Trà Ôn.

Diện tích chịu ảnh hưởng biên mặn từ 2- 5‰ của 2 huyện này rộng khoảng 22.000- 23.600ha. Khi độ mặn sông Cổ Chiên tại Vũng Liêm lên 2- 3‰, các cống ngăn mặn đóng có khả năng trên 13.000ha lúa Hè Thu ở huyện Vũng Liêm thiếu nước, không thể tưới tự chảy do mực nước kinh, rạch xuống thấp.

Vũng Liêm là địa phương chịu ảnh hưởng xâm nhập mặn khá gay gắt. Trong ảnh: Cống Nàng Âm giúp ngăn mặn nhưng việc làm này lại gây thiếu nước khi đóng cống dài ngày.
Vũng Liêm là địa phương chịu ảnh hưởng xâm nhập mặn khá gay gắt. Trong ảnh: Cống Nàng Âm giúp ngăn mặn nhưng việc làm này lại gây thiếu nước khi đóng cống dài ngày.

Anh Lê Văn Đạt- nông dân ở xã Hiếu Phụng (Vũng Liêm)- cho hay do ruộng anh đất gò, lại nằm cách xa đầu kinh nội đồng nên vào mùa khô thì anh phải canh con nước để đặt máy bơm. Chưa kể, anh phải bơm chuyền từ ruộng khác và bơm nhiều lần để đảm bảo sản xuất.

Để thực hiện các biện pháp phòng chống hạn, mặn, dự kiến thực hiện 32 công trình thủy lợi trong toàn tỉnh, chủ yếu nạo vét kinh tạo nguồn, kinh rạch nội đồng. Bên cạnh đó là việc huy động 3 trạm bơm điện, 7 điểm bơm cố định, 77 máy bơm dầu và 16.105 máy bơm nhỏ trong dân với tổng diện tích bơm là 10.837ha. Tổng vốn cần có để thực hiện ước tính khoảng 66,6 tỷ đồng, trong đó, tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ 51,4 tỷ đồng.

Theo ông Huỳnh Tấn Lợi- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, năm 2015, tỉnh Vĩnh Long đầu tư khoảng 63 tỷ đồng để triển khai thực hiện 62 công trình thủy lợi phòng chống hạn, mặn xâm nhập như: nạo vét tạo nguồn kinh rạch nội đồng, tu sửa cống.

Riêng đối với 2 huyện Vũng Liêm và Trà Ôn giáp ranh với tỉnh Trà Vinh có nguy cơ bị mặn xâm nhập cao, Chi cục Thủy lợi tỉnh Vĩnh Long cũng đã phối hợp Xí nghiệp Thủy nông huyện Càng Long (Trà Vinh) nắm tình hình mực nước, độ mặn để vận hành, đóng cống ngăn mặn kịp thời.

Thời gian qua, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh kiểm tra, rà soát các trạm cấp nước trên địa bàn 2 huyện để có kế hoạch duy tu, sửa chữa và vận hành, đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho người dân trong trường hợp xảy ra hạn, mặn.

Riêng Phòng Nông nghiệp- PTNT 2 địa phương cũng đã chủ động xây dựng phương án chống hạn, mặn. Các công trình thủy lợi mùa khô cũng được hoàn thành nhanh chóng, giúp chủ động tưới tiêu. Bên cạnh, chính quyền đã vận động nhân dân tích cực làm thủy lợi nội đồng để cùng nhau ứng phó với hạn, mặn. Ngành chuyên môn chuẩn bị bột xử lý nước cho hộ dân gặp khó khăn về nước sinh hoạt khi nguồn nước thiếu hụt.

Theo Đài Khí tượng- Thủy văn khu vực Nam Bộ, mực nước thượng nguồn sông Mekong tiếp tục xuống nhanh. Ở đầu nguồn sông Cửu Long, đến cuối tháng 12/2015, mực nước sẽ xuống thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,3- 0,4m. Do vậy, trên hệ thống sông Cửu Long, mặn trong mùa khô năm 2015- 2016 sẽ xuất hiện sớm, khoảng đầu tháng 12/2015 và xâm nhập sâu vào nội đồng, độ mặn cao nhất có khả năng xuất hiện trong tháng 3/2016, ở mức xấp xỉ hoặc cao hơn độ mặn cao nhất của mùa khô năm 2004- 2005. Nhiệt độ trung bình trong toàn khu vực Nam Bộ trong các tháng còn lại của năm 2015 và 3- 4 tháng đầu năm 2016 có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5- 1,50C. Lượng mưa từ nay đến tháng 4/2016 có khả năng ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 20- 40%.

Bài, ảnh: LÊ SƠN