Đông Thành "giải mã" tiêu chí hộ nghèo

Cập nhật, 17:11, Thứ Tư, 30/09/2015 (GMT+7)

Xã Đông Thành (TX Bình Minh) có gần 2.700 hộ, trong đó có hơn 24% hộ dân tộc Khmer. 5 năm qua, nhờ tuyên truyền, vận động cộng với việc huy động mọi nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng, đến nay xã Đông Thành đã đạt được 16/19 tiêu chí.

Trong đó, giảm hộ nghèo là tiêu chí khó nhưng xã có nhiều nỗ lực để hoàn thành và phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào cuối năm nay.

Nhà do anh Thạch Duôl vừa tự xây dựng trị giá trên 350 triệu đồng.
Nhà do anh Thạch Duôl vừa tự xây dựng trị giá trên 350 triệu đồng.

“Giải mã” tiêu chí hộ nghèo

Ngay từ cuối năm 2010, khi biết xã Đông Thành được chọn làm một trong 22 xã điểm xây dựng NTM, nhiều người rất lo lắng. Bởi đây là xã có tỷ lệ hộ nghèo khá cao (18%) với 443 hộ. Riêng trong đồng bào Khmer, hộ nghèo chiếm đến 39%. Vì vậy, BCĐ Xây dựng NTM xã xác định phải hết sức tập trung cho công tác xóa nghèo.

Bí thư Đảng ủy, Trưởng BCĐ Xây dựng NTM xã- Trần Phước Hưởng cho biết: “Quan trọng vẫn là công tác tuyên truyền vận động cho người nghèo hiểu được mà tích cực lao động, sản xuất để tự thoát nghèo. Điều thuận lợi là ngoài ruộng, Đông Thành có 2 cây trồng chủ lực là thanh trà (100ha) và bưởi Năm Roi (200ha) hàng năm cho thu nhập khá cao (30- 40 ngàn đồng/kg) và ổn định. Thứ hai là giải quyết lao động, việc làm, những năm gần đây số lao động đi làm ở các khu công nghiệp nhiều. Đặc biệt, lớp trẻ trong đồng bào Khmer đi lao động công nghiệp rất nhiều, chỉ còn những người lớn tuổi ở nhà giữ cháu, làm việc nhà”.

Bí thư Đảng ủy xã cũng cho biết, hễ trong xóm có một người đi làm ăn được thì họ tự rủ nhau cùng đi làm. Mấy năm qua, các khu công nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hòa Phú (Vĩnh Long), Công ty Hải sản Minh Phú (TP Cần Thơ), Công ty Khang Thịnh (TX Bình Minh) thu hút hàng trăm lao động ở đây. Đặc biệt, Đông Thành đang có 47 con em đi lao động xuất khẩu ở các nước, giúp nhiều gia đình nhanh chóng thoát nghèo. Như hộ anh Thạch Duôl (ấp Hóa Thành 1) có các con đi làm khu công nghiệp và đi xuất khẩu lao động. Từ hộ nghèo, bây giờ anh cất được nhà cửa khang trang, trở thành mô hình giúp bà con người dân tộc học theo, làm theo rất tốt.

Anh Thạch Duôl chia sẻ: “Ban đầu, được Nhà nước giúp vốn nuôi được 1 con bò, sau thành 2- 3 con, vợ nuôi heo, gia đình làm ruộng, nuôi con đi học, đi làm. Hiện 6 đứa con tôi đều đi làm ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương. Trước đây, ở nhà Chương trình 134 hỗ trợ, nay đã cất được nhà khang trang trên 350 triệu đồng từ tiền công lao động của các con gửi về, cộng với tiền lời trong nuôi bò, heo, làm ruộng tích lũy hơn 10 năm qua. Bây giờ, điện thoại mỗi người một cái, ti vi... dư xài!”

Hộ anh Sơn Ny- Trưởng Công an ấp Hóa Thành 1- cũng từng thuộc diện hộ nghèo. Xã đã xây dựng mô hình nuôi heo đất, giúp gia đình anh nuôi heo, nuôi bò, nhờ đó, anh vừa sửa sang nhà ở kín đáo. Chị Sơn Can- Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã cũng thoát nghèo nhờ được hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình. Nhiều người giờ đây cũng không còn thói quen làm ngày nào lấy tiền công xài ngày nấy mà đến tuần hoặc tháng mới nhận một lần nên tích lũy cho gia đình khá hơn.

Nhờ có sự chỉ đạo tập trung

Đông Thành còn có các tổ đan lục bình, đan giỏ ny lông, tách vỏ hạt điều, chế biến cơm cháy chà bông,... từ đó, thu nhập của bà con được nâng lên, giúp kéo giảm hộ nghèo.

Với nguồn vốn cho vay ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội, mỗi đoàn thể ở Đông Thành quản lý cho vay trong hội viên của mình. Theo đó có giám sát, hướng dẫn thực hiện hiệu quả đồng vốn, sử dụng đúng mục đích vào sản xuất, làm kinh tế gia đình, mua bán nhỏ,... là những cơ sở giảm nghèo bền vững.

Ông Sơn Rưa- Phó Chủ tịch UBND xã Đông Thành cho biết thêm, các chương trình hỗ trợ xã khó khăn (chăn nuôi, cho vay sản xuất “vốn hỗ trợ nông dân” nuôi bò- 20 hộ), đã hỗ trợ cho dân nghèo vay trên 17 tỷ đồng. Nếu sử dụng đúng mục đích thì sẽ dần thoát nghèo bền vững.

Bí thư Đảng ủy xã- Trần Phước Hưởng cũng xác định, số đi làm ăn xa sau thời gian “mở rộng tầm nhìn”, khi về họ đã có một sự chuyển biến tích cực, biết sử dụng đồng tiền hiệu quả, tự chỉnh trang nhà cửa đẹp hơn. Đây là chuyển biến thật sự trong đồng bào Khmer.

Sau 5 năm, đến nay Đông Thành còn 118 hộ nghèo (chiếm 4,67% tổng số hộ), hộ nghèo trong đồng bào dân tộc còn 58 hộ, nhưng hầu hết nhà cửa đều được hỗ trợ cất mới hoặc sửa sang.

Qua khảo sát của Chi cục Thống kê TX Bình Minh, Đông Thành hiện đạt trên 29 triệu đồng/ người/ năm. BCĐ Xây dựng NTM thị xã báo cáo cho Cục Thống kê tỉnh đánh giá lại để công nhận. Đạt được tiêu chí hộ nghèo, Đông Thành tiến gần đến chuẩn xã NTM.

Theo BCĐ Xây dựng NTM tỉnh, xã Đông Thành cần quan tâm chỉ đạo định hướng cho bà con của 118 hộ nghèo phương thức làm ăn để nâng cao thu nhập, đồng thời tiếp tục tìm nguồn hỗ trợ nâng cao chất lượng tiêu chí nhà ở cho hộ nghèo và thực hiện tốt hơn tiêu chí môi trường tại các ấp có đông đồng bào dân tộc.

Bài, ảnh: TRẦN ÚT