Tự hào Chiến thắng Yếu khu Thầy Phó

Cập nhật, 09:11, Thứ Sáu, 09/01/2015 (GMT+7)


Vị trí đặt Sở chỉ huy Yếu khu Thầy Phó nay là Quảng trường xã Hựu Thành xanh, đẹp.

Chiến thắng Yếu khu Thầy Phó còn có ý nghĩa khơi dậy mạnh mẽ phong trào phá rã đồn bót địch với phương châm “xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện”, góp phần cùng toàn tỉnh thực hiện thắng lợi cuộc Tổng tiến công mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Cách đây 40 năm, ngày 9/1/1975, tại xã Hựu Thành (Trà Ôn), Trung đoàn bộ binh 3 thuộc Quân khu 9 đã tổ chức trận tập kích tiêu diệt Yếu khu Thầy Phó- một vị trí có tầm quan trọng chiến lược của địch lúc bấy giờ trên địa bàn 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh.

Trận tập kích giành thắng lợi đã đập tan mưu đồ lập căn cứ bàn đạp xuất phát hành quân của Tiểu khu Vĩnh Long để đánh phá các vùng giải phóng của ta thuộc các huyện Trà Ôn, Vũng Liêm, Cầu Kè và Càng Long.

Tình hình địch- ta

Lực lượng địch tại Yếu khu Thầy Phó lúc bấy giờ khá mạnh, quân số gần 300 tên do một thiếu tá trực tiếp chỉ huy, gồm có 1 tiểu đoàn bảo an, 1 trung đội pháo binh, 1 trung đội thám báo, 1 trung đội cảnh sát, 1 đoàn bình định và Hội đồng tề xã Hựu Thành.

Ngoài ra, ở khu phố chợ còn có 1 trung đội dân vệ và lực lượng nghĩa quân bố phòng chặn giữ các chốt ngày đêm quanh khu vực, đồng thời chúng trà trộn trong dân để kiểm soát mọi lối ra vào.

Vũ khí trang bị của chúng gồm 2 pháo 105 ly, 2 cối 81mm, 4 cối 61mm, 4 đại liên, 12 M79 cùng nhiều súng ngắn, súng trường, đạn dược trang bị đầy đủ cho lực lượng trấn giữ tại đây.

Muốn tiến đến Sở chỉ huy yếu khu, lực lượng ta phải vượt qua nhiều lớp chướng ngại vật như mương hào rào kẽm gai, tường đất cao khỏi đầu người bao bọc xung quanh, dọc theo đó là nhiều ụ chiến đấu liên hoàn đến các lô cốt canh phòng trên cao.

Xung quanh khu vực bên ngoài, còn có các chốt tiền tiêu, với các lực lượng bảo an, dân vệ, nghĩa quân án ngữ canh phòng, cùng một mạng lưới tề điệp, tai mắt, có hệ thống đèn chiếu sáng để phát hiện lực lượng của ta từ xa.

Về phía ta, Trung đoàn bộ binh lúc bấy giờ có 4 tiểu đoàn, là đơn vị có nhiều thành tích trong chiến đấu và có kinh nghiệm bám trụ hoạt động vùng sâu.

Hầu hết cán bộ từ trung đội trưởng trở lên đều trưởng thành trong chiến đấu, nên rất am hiểu về địch và thông thạo địa hình, có kinh nghiệm thực tiễn trong chiến đấu. Bên cạnh cũng có nhiều khó khăn do biên chế qua nhiều đợt chiến đấu bị tiêu hao chưa kịp bổ sung, hỏa lực thiếu, đạn dược hạn chế.


Một trong 2 khẩu pháo 105 ly là chiến lợi phẩm trong trận đánh Yếu khu Thầy Phó. Sau đó, ta dùng khẩu pháo này bắn uy hiếp Bộ chỉ huy Vùng 4 chiến thuật tại Cần Thơ ngày 30/4/1975. (Hiện trưng bày tại xã Đông Thạnh- TX Bình Minh).

Đôi nét về diễn biến trận đánh

Được chủ trương của Bộ Tư lệnh Quân khu 9 và qua nghiên cứu kỹ tình hình địch tại Yếu khu Thầy Phó, đúng 19 giờ ngày 8/1/1975, các đơn vị được lệnh tập kết xuất phát hành quân chiếm lĩnh trận địa được phân công.

Đến 23 giờ 15 phút, một mũi tiến công của ta bị địch phát hiện nổ súng làm 1 chiến sĩ hy sinh. Trong đồn, bọn địch báo động chiến đấu và canh phòng cẩn mật hơn, làm cho các mũi tiến công của ta phải tạm dừng để chờ lệnh mới.

Sau những giờ “nằm im căng thẳng”, chờ cho bọn địch có phần chủ quan. Đến 3 giờ 55 phút, Trung đoàn trưởng ra lệnh cho Tiểu đoàn 306 phát lệnh cho các mũi nổ súng tiến công.

Lúc này, hỏa lực của ta trên tất cả các hướng, các mũi của Tiểu đoàn 306 đồng loạt đánh vào các lô cốt. Được sự chi viện của hỏa lực, bộ đội ta từ các mũi đã dùng thủ pháo, lựu đạn đánh phủ đầu quân địch, tràn lên đánh chiếm mục tiêu.

Bị giáng một đòn bất ngờ, toàn bộ các mục tiêu trong yếu khu đều bị tiến công, quân địch không kịp trở tay đối phó, chống cự yếu ớt, đã tạo điều kiện thuận lợi cho ta nhanh chóng đưa lực lượng thọc sâu phát triển chiến đấu tiêu diệt địch. Tuy nhiên, ở mũi 2 gặp nhiều khó khăn trước sự đề kháng của địch.

Chiến thắng Yếu khu Thầy Phó, địch chết 100 tên, 147 tên bị bắt. Ta thu 2 khẩu pháo 105 ly với 800 đạn, 2 khẩu cối 61 ly, 6 súng đại liên, nhiều súng trường, máy thông tin và nhiều quân dụng khác (theo Lịch sử Lực lượng vũ trang tỉnh Vĩnh Long).
Sau 30 phút với tinh thần chiến đấu ngoan cường, có 3 đồng chí thương vong, thế nhưng mũi này cũng đã đánh chiếm được lô cốt số 4, nhà chỉ huy pháo binh và khu trại lính. Ở mũi 3, địch dùng hỏa lực khống chế liên tục làm một đồng chí hy sinh.

Lúc này, bọn địch ở khu nhà chỉ huy yếu khu, kết hợp lực lượng của chúng ở hai cạnh tường còn lại bắn như trút đạn về hướng cửa mở và các khu vực ta đang chiếm giữ, đã gây cho ta nhiều khó khăn.

Sở chỉ huy Trung đoàn nhận được báo cáo của Tiểu đoàn 306, cho biết ta đã đánh chiếm và làm chủ hoàn toàn đồn bảo an và trận địa pháo binh. Một số hướng tiến công còn khó khăn, quân địch ở các khu vực còn lại tổ chức chống cự quyết liệt làm cho các mũi của ta không phát triển tiếp được.

Sau khi nắm được tình hình, chỉ huy Trung đoàn đã điều động các lực lượng hỗ trợ hiệp đồng từ trận địa pháo binh đánh úp từ phía sau lưng tiêu diệt số quân địch còn lại, đánh chiếm và làm chủ cho được Sở chỉ huy yếu khu.

Đến 5 giờ 30 phút sáng 9/1, pháo binh từ Chi khu Cầu Kè bắn sang khu vực ta đang chiếm giữ để chi viện cho bọn địch ở yếu khu. Nhân cơ hội này, địch ở yếu khu điên cuồng phản kích vào đội hình của ta.

Để bảo đảm cho lực lượng ta tiếp tục tiến công tiêu diệt địch ở các khu vực còn lại, ta đã sử dụng 2 khẩu pháo 105 ly vừa thu được, quay nòng bắn trả vào trận địa pháo Cầu Kè. Tuy đạn rơi không trúng mục tiêu nhưng làm cho bọn địch ở Chi khu Cầu Kè và các đồn xung quanh hoang mang, khiếp sợ.


Bia Chiến thắng Thầy Phó.

Để chiếm được Sở chỉ huy yếu khu, 8 giờ 45 phút ngày 9/1, ta phải hạ nòng pháo 105 ly bắn hủy diệt lô cốt. Bằng 7 quả đạn 105 ly, ta bắn sập nhà Sở chỉ huy yếu khu và lô cốt góc còn lại. Tên thiếu tá Chỉ huy trưởng yếu khu và nhiều sĩ quan, binh lính địch tập trung tại đây bị tiêu diệt.

Trưa cùng ngày, trong lúc ta đang còn chiếm giữ trận địa, sau 5 phi vụ ném bom hủy diệt trận địa, địch từ Tiểu khu Vĩnh Long dùng trực thăng đổ 2 tiểu đoàn quân bảo an xuống phía Bắc đồn Cống Đá để chi viện cho quân địch tại Yếu khu Thầy Phó.

Ta nắm được âm mưu này nên đã bố trí lực lượng đánh chặn 2 tiểu đoàn chi viện trên đường dò dẫm đến tiếp viện bọn địch tại yếu khu. Bị giáng một đòn bất ngờ, đại bộ phận quân địch phía sau rút chạy hoảng loạn về phía Cống Đá. Các đơn vị địa phương quân huyện Cầu Kè và khẩu đội cối 82 ly của ta, đồng thời ta cũng dùng pháo binh 105 ly vừa thu được bắn vào đội hình địch rút chạy về đồn Cống Đá gây cho chúng nhiều thiệt hại, bọn còn lại tháo chạy về Chi khu Trà Ôn.

Đêm 9/1, ta đánh chiếm được hội đồng tề xã và khu chợ Thầy Phó nhưng vẫn chưa chiếm được mục tiêu nhà máy đèn. Lực lượng địch tại đây khoảng trên 35 tên do một trung úy chỉ huy, hầu hết là những tên ngoan cố và số còn sống sót chạy dồn về đây cố thủ chờ chi viện.

Suốt ngày 10/1, ta đánh giằng co với bọn này và đánh chặn địch chi viện có cả xe thiết giáp M113 từ hướng Nhà Đài vô theo lộ Hàng Me.

Đúng 17 giờ cùng ngày, với 16 trái đạn 120 ly ta đánh sập nhà máy đèn và hủy diệt một số công sự, lô cốt của địch, làm chết và bị thương nhiều tên. Cùng lúc đó, lực lượng ta từ 3 hướng xông vào tiêu diệt và bắt sống quân địch.

Qua 2 ngày đêm liên tục chiến đấu, ta đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch ở Yếu khu Thầy Phó. Trận đánh kết thúc vào 19 giờ ngày 10/1/1975.

40 năm trôi qua, dù phải chiến đấu với nhiều gian khổ, hy sinh, nhưng Chiến thắng Yếu khu Thầy Phó có ý nghĩa vô cùng to lớn, đã góp phần giải phóng tỉnh nhà, giải phóng Miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

 

Ông Nguyễn Văn Răng- người dân xã Hựu Thành kể: “Ngày Chiến thắng Yếu khu Thầy Phó, dân chúng các xã Hiếu Thành, Thạnh Phú, Hựu Thành, Thới Hòa tập trung mỗi người một chiếc xuồng vừa tải đạn, chở lương thực cho bộ đội, vừa thu chiến lợi phẩm… Còn trên tuyến lộ từ Hựu Thành tới Thuận Thới, nơi đâu cũng đều có chướng ngại vật…”

(Viết theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cùng một số nguồn tư liệu khác).

Bài, ảnh: TRẦN ÚT