Nữ anh hùng trên đất cù lao

Cập nhật, 08:03, Thứ Sáu, 19/12/2014 (GMT+7)

Thanh Tùng

(Phòng Chính trị Tỉnh đội Vĩnh Long)

Chị Ngô Thị Bông (Tám Bông) được sinh ra trên mảnh đất cù lao giàu truyền thống cách mạng và được dưỡng nuôi trong một gia đình nông dân có 11 người con (5 trai, 6 gái).

Cha mẹ cùng các anh chị em đều tham gia cách mạng (2 anh và 1 em ruột là liệt sĩ), gia đình không chịu vào ở trong ấp chiến lược theo sự chỉ huy của bọn ngụy quyền xã Quới Thiện, cha hoạt động cách mạng bị địch phát hiện nên năm 1959 cả gia đình phải sơ tán về xã Nhuận Phú Tân (huyện Mỏ Cày- Bến Tre) để tránh sự truy lùng gắt gao của địch. Cuộc đời của chị đầy gian truân nhưng cũng lắm oai hùng…

Nhìn quê hương bị kẻ thù xâm lược, hàng ngày phải chứng kiến cảnh bắt bớ, tra tấn, tù đày; được sự giáo dục của gia đình và noi gương các anh chị đi trước nên đến khi vừa tròn 18 tuổi chị đã tham gia hoạt động cách mạng.

Trong quá trình hoạt động cách mạng, dù ở cương vị nào, chị cũng luôn thể hiện tinh thần cách mạng tiến công; mẫu mực trong công tác; mưu trí, dũng cảm, kiên cường trong chiến đấu.

Chị luôn xung phong gánh vác những công việc khó khăn, được cấp trên tin tưởng giao cho nhiều nhiệm vụ nguy hiểm nhưng đều hoàn thành tốt nhiệm vụ và được đồng chí, đồng đội, quần chúng nhân dân tin tưởng, yêu mến.

Lúc còn là đoàn viên, chị đã nhiều lần dẫn đầu đội quân tóc dài của xã Nhuận Phú Tân đấu tranh chính trị trực diện với ngụy quyền huyện Mỏ Cày, đấu tranh vũ trang bao vây bứt rút, bứt hàng hàng loạt các đồn bót ở các xã như Nhuận Phú Tân, Khánh Thạnh Tân, An Thạnh, Thành Thới,...

Có lúc chị trực tiếp cầm súng cùng du kích bao vây đồn, có lúc cải trang hợp pháp dẫn đầu đoàn đấu tranh trực diện với bọn ngụy quyền. Nhiều lần bị địch bắt đánh đập dã man nhưng chị kiên quyết không khai báo nửa lời.

Có lần chị bị địch bắt được, đánh trọng thương thiếu điều chết đi sống lại nhiều lần và còn bị cắt đi mái tóc đen huyền của người con gái tuổi đôi mươi. Qua trận đấu tranh này, chị Tám Bông được Tỉnh ủy Bến Tre biểu dương khen thưởng, vinh dự được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam và được đề bạt làm Phó Bí thư Xã Đoàn Nhuận Phú Tân.

Đến tháng 4/1961, chính quyền ngụy ở xã Nhuận Phú Tân đã biết được chị Tám Bông là cán bộ lãnh đạo lực lượng đoàn viên của xã nên ra sức lùng sục, tìm bắt.

Trước tình hình đó, biết không thể nào ở lại hoạt động được nữa, chị xin trở về quê Quới Thiện để trực tiếp chiến đấu và được tổ chức chấp thuận. Khi về Quới Thiện, chị được phân công đảm nhiệm chức vụ Phó Bí thư Xã Đoàn kiêm Tiểu đội trưởng du kích xã.

Chị đã cùng các anh em trong tiểu đội du kích thường xuyên diệt ác phá kiềm, phá các ấp chiến lược của ngụy quyền xã. Thời gian này, xã Quới Thiện chưa giải phóng được ấp nào, gia đình cách mạng và thanh niên hàng đêm phải vào ngủ tập trung trong các ấp chiến lược và khu chợ Thanh Bình.

Đảng bộ chỉ đạo cho chị móc nối với các gia đình và thanh niên gầy dựng cơ sở bên trong cũng như bên ngoài diệt ác, phá kiềm.

Giữa năm 1961, chị đã chỉ huy tiểu đội du kích của mình tiêu diệt tên đội Hòa (một tên tay sai ác ôn của ngụy quyền xã Quới Thiện). Từ đó, bọn tề xã giải tán các trại tập trung, không cho các gia đình cách mạng và thanh niên ngủ tập trung nữa.

Để trấn an tinh thần bọn dân vệ, cuối tháng 10/1961, bọn ngụy quân, ngụy quyền huyện Vũng Liêm đưa tên cảnh sát Ba về xã Quới Thiện. Tên này cũng bị chị và tiểu đội du kích tiêu diệt. Phong trào cách mạng ở xã Quới Thiện lúc này phát triển mạnh mẽ.

Chị cùng cán bộ các ấp vận động bà con đứng lên phá tan các ấp chiến lược ở Thanh Bình, Rạch Vọp và Phước Lý Nhì. Bọn ngụy quyền hoảng sợ rút về tập trung tại xã không dám đi càn quét, bắt bớ như mọi khi.

Chị đã phát động trong đoàn viên, thanh niên, nhất là đoàn viên, thanh niên trong đơn vị du kích xã quyết tâm diệt ác, phá kiềm giải phóng xã nhà.

Đêm 2/11/1963, chị cùng tiểu đội du kích xã phối hợp với địa phương quân huyện Vũng Liêm đánh công đồn vàm đình Phước Lý, rồi bọn tề xã ở Rạch Vọp tiêu diệt 6 tên, trong đó có tên đại diện Nghi, tên trưởng đồn Phước Lý, bắt sống tên cảnh sát Hớn, thu hồi toàn bộ vũ khí của đồn Phước Lý. Bọn tề xã còn lại rất hoang mang, dao động và rút chạy về đồn Thanh Bình, ta giải phóng 7/8 ấp của xã.

Vào tháng 5/1964, chị được rút lên Huyện đội làm chính trị viên trưởng Đại đội nữ địa phương quân huyện Vũng Liêm.

Chị cùng đơn vị địa phương quân nữ đi biểu dương lực lượng khắp các xã trong huyện để vận động phong trào nam nữ thanh niên tòng quân. Đồng thời đơn vị nữ kết hợp địa phương quân nam đánh 10 trận lớn nhỏ, tiêu diệt gần 100 tên địch, thu 27 súng tiểu liên AR15, 3 khẩu súng M79 và hàng trăm viên đạn các loại.

Đầu năm 1965, giải thể Đại đội địa phương quân nữ, chị được trên phân công về nhận nhiệm vụ Chi ủy viên, Trưởng BCH Phụ nữ xã Quới Thiện. Khi nhận công tác, chị bắt đầu củng cố ban chỉ huy đấu tranh trực diện xã rồi các ấp sắp xếp lực lượng đấu tranh chia thành tổ, toán.

Kinh nghiệm đấu tranh trực diện của các xã bạn được chị phổ biến đến các mẹ, các chị nắm vững, để khi có sự chỉ đạo của cấp ủy là lên đường đi đấu tranh với quân ngụy quyền xã.

Cũng trong năm 1965, tên Bảy Đởm dẫn một trung đội lính dân vệ đến nhà đánh bà Sáu Đỏ là mẹ của đồng chí Liêm (xã đội phó), bắt bà Tư Dảnh, bà Hai Là, bà Ba Sao đánh tơi bời đến đi không nổi. Rồi nó đốt nhà bà Sáu Đỏ, bắn chết 4 con trâu.

Trước hành động tàn nhẫn của tên Bảy Đởm, chị đã vận động 18 mẹ và chị em phụ nữ đến tề làng Thanh Bình đấu tranh không được bắt đánh người vô cớ, đòi bồi thường nhà và 4 con trâu. Trước áp lực đấu tranh mạnh mẽ của các mẹ, các chị, tên đại diện Nguyễn Khắc Vệ hứa sẽ giải quyết.

Nhưng tên Bảy Đởm về tới là bắt người này nằm xuống, người kia đánh, còn nó ngồi uống rượu. Nếu người nào đánh không nặng tay nó bắt nằm xuống nó đánh, có chị đi không nổi. Tên Đởm nói: “Phạt tội ngu bị Việt cộng xúi giục”, nó còn chửi mắng thô tục đối với các mẹ, các chị.

Đến đầu tháng 9/1965, chị được Chi bộ xã Quới Thiện phân công về làm Xã đội phó. Đêm 18 rạng 19/9/1965, bọn tề xã Quới Thiện được mật báo là tên Bảy Đởm, Bảy Thôi dẫn trung đội dân vệ đột kích bao vây nhà ông Bảy Đẹt ở ấp Phước Thạnh.

Lúc đó, chị đang chủ trì cuộc họp đơn vị bàn kế hoạch tiêu diệt những tên ác ôn ở xã. Khi bị địch bao vây, chị đã chỉ huy lực lượng du kích đánh trả địch quyết liệt, đồng thời ra lệnh cho đơn vị bí mật rút lui.

Còn một mình chị ở lại chống trả với địch đến viên đạn cuối cùng và đã bị thương. Địch bắt được chị định giở trò hiếp dâm, xé áo nhỏ, chị đã giãy giụa chửi: “Bọn Thôi, Đởm bây tàn bạo, bây có bắn tao thì bắn, đừng có giở trò bất lương”.

Bọn này bắt chị chở qua sông, trên đường bọn chúng đánh đập rất tàn nhẫn, hỏi: “Đồng bọn mày ẩn nấp ở đâu, chỉ huy mày là ai?” Chị trả lời “tao không biết”. Bọn địch tiếp tục đánh đập chị tàn nhẫn nhưng chị vẫn kiên quyết không khai báo nửa lời.

Chúng đã móc 2 tròng mắt của chị và chị hô to “Đả đảo bọn tay sai bán nước, Đảng Lao động Việt Nam quang vinh muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm!” Biết không thể nào khai thác được gì ở chị nên bọn Thôi, Đởm đã bắn chị hy sinh.

Sáng hôm sau, khi địch rút quân về Thanh Bình, nhân dân cùng cán bộ xã đem thi hài chị về làm lễ truy điệu và an táng tại Nghĩa trang xã Quới Thiện. Để tưởng nhớ đến người con gái đã không ngại khó khăn gian khổ, một lòng theo Đảng đấu tranh giải phóng quê hương, đất nước, chấp nhận hy sinh để đồng đội được an toàn và bảo vệ bí mật của Đảng, của cách mạng, của tổ chức, người dân xã Quới Thiện đã đặt một bài thơ tặng cho chị trong ngày truy điệu:

Sớm giác ngộ đi theo cách mạng,

Tuổi thanh xuân được Đảng phân công.

Tên liệt sĩ Ngô Thị Bông,

Người đồng chí trẻ một lòng vì dân.

Đi đấu tranh để giành dân chủ,

Đòi dân sinh hội đủ nhân quyền.

Mỏ Cày cùng với Vũng Liêm,

Đấu tranh trực diện nung thêm lửa hờn.

Trong đấu tranh không sờn sinh tử,

Bị tay sai giam giữ cực hình,

Giở trò hãm hại uy danh,

Chị chửi thẳng “đồ quân gian tặc”,

Phản nhân dân theo giặc giết người.

Mặt dày không chút hổ ngươi

Đồ quân lang sói uống tươi máu hồng

Địch tàn nhẫn móc tròng đôi mắt

Quá căm hờn chị thét la to

“Bắn đi đừng có giở trò,

Tay sai bán nước chớ mò uy danh”

“Đảng Lao động Việt Nam quang vinh

Muôn năm Chủ tịch Hồ Chí Minh”

Tám Bông vì nước quên mình

Tuổi xuân cống hiến trọn tình quê hương.

Liệt sĩ Ngô Thị Bông hy sinh nhưng đã để lại tấm gương chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, oanh liệt mà mỗi lần nhắc đến thì đồng chí, đồng đội và quần chúng nhân dân xã Quới Thiện bùi ngùi cảm phục và tiếc thương. Chị đã để lại một tấm gương sáng cho toàn đơn vị học tập và noi theo.

Suốt quá trình công tác, từ khi mới tham gia cách mạng cho đến lúc hy sinh, dù ở bất cứ cương vị nào, chị cũng luôn tỏ rõ là một người chiến sĩ cách mạng kiên cường, dũng cảm, mưu trí sáng tạo, tận tụy với công việc, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc.

Để ghi nhớ công lao to lớn của chị trong cuộc đấu tranh giải phóng quê hương, đất nước thoát khỏi gót giày của quân xâm lược và nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ mai sau, Đảng bộ và nhân dân xã Quới Thiện đã đề nghị về trên lấy tên của chị đặt cho Trường Mẫu giáo xã Quới Thiện là Trường Mẫu giáo Ngô Thị Bông.

Với những công lao đóng góp cho cách mạng chị đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng ba.

Ngày 9/10/2014, liệt sĩ Ngô Thị Bông đã được Chủ tịch nước ký quyết định truy tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang”.
 

Đối với đồng đội, chị Ngô Thị Bông một mực yêu thương, đùm bọc, chỉ dẫn, dìu dắt để trưởng thành. Đối với quần chúng nhân dân, chị luôn gắn bó và hết lòng phục vụ, vừa tuyên truyền giáo dục quần chúng theo cách mạng, vừa chăm lo đến tinh thần, tình cảm và lợi ích thiết thực của quần chúng nên ở đâu chị cũng được bà con yêu thương che chở, bảo vệ để hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc.