Đèn dầu, đèn điện và đèn năng lượng mặt trời

Cập nhật, 07:24, Thứ Bảy, 06/12/2014 (GMT+7)

* Hồi đó, mỗi đêm khi cả nhà đã say ngủ, mình thắp đèn dầu, vặn ngọn lửa cho nhỏ lại, chụp thêm cái “ống khói” rồi đem vào mùng nằm đọc sách. Thú vị không thể tả!

Đèn này gọi là đèn “trứng vịt” vì chiếc ống khói trong veo, nhỏ long lanh trông giống như quả trứng. Những đêm lành lạnh cuối năm như vầy, ngọn đèn nhỏ xíu tỏa chút hơi ấm. Cũng vì vậy, má sợ mình ngủ quên nên một đỗi lại lọ mọ tới lui thăm chừng.

Nhà sát bến sông, mỗi khuya đều nghe tiếng rao vẳng xa “mít… đây”, “gà… ơ...” của những người chèo xuồng chở đồ quê ra chợ bán. Ở mũi xuồng, bao giờ cũng là chiếc đèn dầu leo lét, ánh sáng chập chờn hắt ra mờ tỏ trong bóng nước. Nghĩ cũng lạ, có những chuyện tưởng là bình thường, như chẳng đáng nhớ, vậy mà thành kỷ niệm không nguôi.

Ở các cột hàng đáy giăng ngang sông Măng, bao giờ cũng có chiếc đèn- được gọi là “đèn bão” treo suốt đêm. Chiếc đèn nhỏ mà trách nhiệm rất nặng nề, đó là thông báo cho ghe tàu biết lối đi mà vòng tránh.

“Ngọn hải đăng” được chủ hàng đáy chăm như chăm con nhỏ, bởi lỡ ngọn đèn gặp mưa gió hay hết dầu mà tắt, chủ ghe đâm sầm vào đáy thì coi như… tiêu. Tinh thần trách nhiệm cao rất tự nguyện này được trao truyền đời này qua đời khác, thật sự là một bài học đáng suy nghĩ trong bảo đảm an toàn giao thông “mình vì mọi người, mọi người vì mình”.

* Cả chục năm nay, trẻ nhỏ không còn biết đến ngọn đèn dầu. Đèn điện tỏa sáng khắp thành thị đến nông thôn. Thậm chí có khi còn hơi… bị dư.

Chiếu sáng nhiều quá, đôi lúc lãng phí không cần thiết. Có biết đâu mỗi chút sáng dư thừa là mỗi cây xanh bị ngã xuống cho thủy điện, là những tổn thất vô hình từ việc thay đổi dòng chảy, đắp đập, ngăn nước. Cũng có biết đâu, rất nhiều người vẫn còn ước ao một ánh điện.

* Hôm rồi được cho chiếc đèn sử dụng năng lượng mặt trời, tối mình lại đem vào phòng đọc sách, thích ơi là thích. Chợt ước, nếu loại đèn này được hỗ trợ cho những hộ dân đơn chiếc, xa xôi chưa có điện sử dụng thì tốt biết mấy.

Hoặc cho những người dân sống thường xuyên trên ghe xuồng, đánh bắt cá ban đêm… cũng vô cùng tiện lợi. Những tiến bộ khoa học rất cần được nghiên cứu và triển khai nhanh chóng tới các vùng nông thôn, vùng xa xôi để giúp người dân “yếu thế” nâng cao chất lượng cuộc sống.

PHƯƠNG NAM