Đê bao 4 xã cù lao- chưa yên mùa mưa lũ

Cập nhật, 06:45, Thứ Tư, 10/09/2014 (GMT+7)

Mùa mưa lũ năm nay đã bắt đầu với các đợt triều cường được xem là “trái mùa” và dâng cao bất ngờ hồi rằm tháng 7 vừa qua. Trước diễn biến khó đoán trong mùa mưa lũ, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long kịp thời chỉ đạo các giải pháp chủ động phòng chống lụt bão, sạt lở- nhất là các tuyến sông lớn và đê bao các xã cù lao ven sông lớn mà 4 xã cù lao huyện Long Hồ là một ví dụ.

Được bao quanh bởi các tuyến sông nên tác động bởi mưa lũ, triều cường đối với toàn khu vực rất lớn. Nhiều năm qua hệ thống đê bao kết hợp giao thông nông thôn góp phần bảo vệ an toàn hàng ngàn diện tích cây ăn, ao nuôi thủy sản, người dân thuận lợi đi lại, vận chuyển nông sản.

Tuy nhiên, hiện một số công trình đê bao còn vướng mắc giải phóng mặt bằng khiến vài đoạn bị “nghẽn” làm chậm tiến độ, chưa phát huy hiệu quả công trình. Người dân cù lao vẫn chưa yên tâm khi mùa mưa lũ đến, lo ngại nước tràn bờ, ngập vườn cây, ao cá.

K 1: Bức xúc vì đê bao “đứt khúc”


Một đoạn đê bao chưa được nâng cấp đồng bộ tuyến Rạch Bần- Phú Thịnh 4.

Đê bao ngoài 4 xã cù lao huyện Long Hồ “đứt khúc” do một vài hộ chưa bàn giao mặt bằng thi công khiến công trình trì trệ trong nhiều năm, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và dân sinh.

Vướng mặt bằng, đê bao “đứt khúc”

Đê bao ngoài 4 xã cù lao huyện Long Hồ có chiều dài 14,4km, mặt đê rộng 6,5m, cao trình 2,5m, với kinh phí đầu tư gần 19 tỷ đồng là công trình quan trọng thuộc chương trình xây dựng cụm- tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ giai đoạn 2 của tỉnh.

Do vướng khâu giải phóng mặt bằng nên đến nay đê bao chỉ mới thực hiện khoảng 70% khối lượng công trình.

Trong số hơn 700 hộ dân có đất vườn bị ảnh hưởng bởi công trình đê bao thì đến nay còn lại một số hộ chưa bàn giao mặt bằng, chủ yếu ở xã Đồng Phú, làm ảnh hưởng đến tiến độ công trình.

Ông Nguyễn Văn Tấn- Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Phú cho biết, trong 14.400m đê bao ngoài, xã Đồng Phú có đến 11.700m đê bao đi qua với 351 hộ dân chịu ảnh hưởng. Tổng diện tích đất bị thu hồi gần 140.700m2. Tính đến ngày 23/7/2014, còn 4 hộ chưa bàn giao mặt bằng thi công đê bao tại 3 ấp: Phú Mỹ 1, Phú Mỹ 2 và Phú Thuận 2 với diện tích đất phải thu hồi của các hộ này là 2.944m2.

Tương tự, tại một số tuyến đê bao tiểu vùng như Phú Mỹ- Phú Hòa, gồm 4 tuyến: Xã Giang, Miếu Đình, Ranh Tổng, Mương Lộ, tổng chiều dài 12,13km. Đến nay đã thi công 11,47km, chỉ còn vướng… 1 hộ trên tuyến Mương Lộ. Tuyến Rạch Bần- Phú Thịnh 4 “năm nào cũng tràn và hiện đang bị nước lũ đe dọa” cũng vậy.

Lưu thông trên những tuyến đường này, nhiều người dân cảm thán: “Đang đi bon bon, xuống dốc cái ục. Đường cù lao mà như đồi dốc, lúc lên lúc xuống”. Bởi ở các tuyến này hầu hết đã nâng cấp và trải đan mới ngon lành, còn phần đê bao qua nhà các hộ dân do chưa được sự đồng ý nên đường trũng xuống!

Việc thi công không được liên tục do vướng mặt bằng, theo ông Nguyễn Văn Tấn, đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và dân sinh.

Đặc biệt trong mùa lũ, địa phương sẽ gặp nhiều khó khăn bởi khả năng lũ tràn là rất cao. Tuy nhiên, bên cạnh tuyến đê bao ngoài vẫn còn một số tuyến đê bao tiểu vùng thuộc chương trình xây dựng cụm- tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ giai đoạn 2 cũng đầu tư cho 4 xã cù lao, cũng bị “đứt khúc” tương tự.

Trong đó, đê bao Mương Lộ- Cái Muối với tổng chiều dài 15.620m, hiện vẫn còn một đoạn dài 30m chưa thi công được do chưa giải phóng mặt bằng.

Từ Đồng Phú tới cầu Năm Bạch thuộc ấp Phú An 2 (xã Bình Hòa Phước), một đoạn đê khoảng 2.500m đã được nâng cấp thành đường nhựa rộng thênh “cao ráo, ngon lành, mùa lũ không lo ngập”- là tâm lý chung của người dân.

Nhưng chúng tôi lấy làm lạ khi đường nhựa bị “cà giựt” bởi còn 6 đoạn đường đất sình lầy “ngắt khúc” cả tuyến đường nhựa! Theo ông Nguyễn Văn Tùng- Trưởng ấp Phú An 2, đường nhựa thi công qua đất vườn nhà dân tự hiến, còn những đoạn hộ dân chưa đồng ý (còn 6 hộ) nên… chừa lại.

Đê bao vì lợi ích chung

Trong ký ức của người dân ở ấp Phú An 2, lúc chưa có đê bao, hễ tới mùa lũ ai nấy lo nhận đất thùng be bờ bảo vệ vườn cây trái, không thì nước ngập lút lên nhà.

Giờ đê bao đã lên nhựa, xe hơi đậu được trước nhà, rất vui mừng. Một số hộ dân “chừa lại đường đất trước nhà” cho biết vì còn lấn cấn “nhà kế bên được bồi hoàn, sao mình không được”, nên dùng dằng chưa chịu cho đường thi công.

Mà ở ấp, xã chỉ kiên trì vận động vì lợi ích chung, mưa dầm thấm lâu, nên thời điểm chúng tôi ghé đến sau đợt triều cường “trái mùa” rằm tháng 7, Trưởng ấp Nguyễn Văn Tùng cho hay: “Các hộ giờ đã đồng ý cho thi công đường nhựa. Mai mốt buôn bán trái cây khỏe re, sáng ra đi bộ thể dục, khách du lịch đạp xe tham quan thoải mái…”.


Một đoạn tuyến đê bao ngoài 4 xã cù lao huyện Long Hồ qua xã Đồng Phú.

Ở xã Đồng Phú, tuyến đê bao ngoài và một số tuyến đê bao tiểu vùng vướng giải phóng mặt bằng cũng vấn đề bồi hoàn.
 
Ông Nguyễn Văn Tấn cho rằng: “Các tuyến đê bao đều thực hiện theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Nhà nước đầu tư vốn, xã vận động người dân tự hiến đất thực hiện công trình. Các trường hợp được bồi hoàn phải có diện tích ảnh hưởng do công trình từ 30% trở lên, dưới mức này thì không được”.

Chính vì thế, một số hộ tuyến đê bao ngoài như hộ bà Nguyễn Thị Kim (ấp Phú Thuận 2) thiệt hại lớn nhất với 1.654,5m2 đất, tuy nhiên tỷ lệ thiệt hại là 25,98% so với tổng diện tích đất nên không thuộc diện được hỗ trợ bồi hoàn (theo Nghị định 69 của Chính phủ tỷ lệ này phải từ 30% trở lên). Các hộ còn lại có diện tích thiệt hại cũng chỉ từ 16- 23%.

Do một số vướng mắc như vậy, nên dù đã khởi công hơn 6 năm, tuyến đê bao ngoài 4 xã cù lao huyện Long Hồ vẫn còn dang dở.

Đây là một trong những công trình quan trọng thuộc chương trình xây dựng cụm- tuyến dân cư và nhà ở cho dân vùng ngập lũ giai đoạn 2, góp phần bảo vệ hơn 1.900ha và 1.524 hộ dân không bị ngập lũ. Hơn nữa, khi tuyến đê bao ngoài hoàn thành sẽ kết nối giao thông thông suốt, sẽ tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế vườn và du lịch sinh thái.

Vì những lợi ích chung đó, UBND xã cho biết sẽ tiếp tục vận động các hộ dân để có thể hoàn thành đúng tiến độ vào cuối năm nay, nhằm phát huy hiệu quả công trình, tránh lãng phí thời gian và cả vật chất.

Kỳ sau: “Chạy đua với thời gian”

Bài, ảnh: LÝ AN- THÀNH LONG