Kỹ năng sống cần thiết

Cập nhật, 07:01, Thứ Năm, 15/05/2014 (GMT+7)

Theo số liệu thống kê mới được Cục Y tế dự phòng công bố, tỷ lệ tai nạn do đuối nước ở trẻ em Việt Nam chiếm 22,6%, chỉ đứng sau tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông. Trung bình mỗi năm, ở Việt Nam có khoảng trên 7.000 trẻ em bị đuối nước.

So với các nước phát triển, tỷ lệ chết đuối nước ở trẻ em Việt Nam cao gấp 10 lần và điều đáng nói là trên 50% các trường hợp chết đuối xảy ra ngoài trời khi trẻ tắm sông, tắm biển.

Nước ta có đặc thù là sông ngòi chằng chịt nhưng giờ đây khó còn những bến sông quê trong lành và an toàn như của tuổi thơ nhà thơ Tế Hanh: “… Bạn bè tôi tụm năm tụm bảy/ Bầy chim non bơi lội trên sông…”. Bởi, nếu tập bơi thì dòng sông bến nước, ao hồ phải vệ sinh và an toàn.

Bộ GD-ĐT đã đưa môn bơi vào chương trình giảng dạy, nhưng phần lớn học sinh chỉ được học bơi… trên giấy, do hầu hết trường học không có hồ bơi. Và đâu phải địa phương nào cũng có hồ bơi mà có hồ bơi rồi thì không phải phụ huynh nào cũng đủ điều kiện đưa con em đi tập bơi.

Mùa hè tới, không có sự quản lý của nhà trường, thiếu vắng sự trông nom của gia đình nên trẻ em có thể tự do tìm chỗ vui chơi. Chỉ có điều, do không có những địa điểm vui chơi, giải trí an toàn, bổ ích nên các em đã tìm đến những nơi nguy hiểm như hồ ao, sông rạch…

Do đó, nhiều người cho rằng, cái gốc của vấn đề giảm tai nạn đuối nước, là làm sao tạo điều kiện thuận lợi tối thiểu cho các em học bơi. Đó cũng là trang bị “kỹ năng sống” rất cần
thiết. Chuyện đó có làm, đã làm nhưng chưa mang lại kết quả thiết thực.

AN ĐIỀN