Giải bài toán thoát nghèo trong đồng bào Khmer Nam Bộ

Kỳ 4: Kỳ tích từ nông thôn mới

Cập nhật, 07:55, Thứ Ba, 27/05/2014 (GMT+7)

>> Kỳ 1: Đột phá trên vùng đất khó

>> Kỳ 2: Kinh tế vùng biên

>> Kỳ 3: “Đòn bẩy” khoa học kỹ thuật



Kinh bê tông dài hơn 1.600m dẫn nước tưới hàng trăm hecta ruộng thuộc cánh đồng mẫu lớn Phú Cần.

Nông thôn mới (NTM) chính là sự phát triển bền vững, toàn diện về mọi mặt. Trong khi phần lớn nhiều nơi vẫn còn chật vật với nhiều tiêu chí, thì Trà Vinh đã có xã Phú Cần (huyện Tiểu Cần)- xã có trên 62% đồng bào Khmer đã đạt chuẩn NTM.

Đây được xem là mặt thắng lợi không chỉ riêng xã Phú Cần mà còn là tiền đề cho các xã khác tiếp nối lên NTM. Mặt khác, thay đổi sâu xa từ gốc trong suy nghĩ của đồng bào để thoát nghèo là một thắng lợi rất to lớn của tỉnh Trà Vinh…

Từ xã NTM của người Khmer

Chúng tôi tìm về đến xã Phú Cần (huyện Tiểu Cần- Trà Vinh) giữa cái nắng oi bức của những ngày hè. Đây là xã mới vừa được công nhận xã NTM. Với trên 62% đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, có thể nói, để đạt chuẩn NTM, Phú Cần đã có sự nỗ lực rất nhiều từ chính quyền địa phương đến từng người dân.

Theo ông Kiên Ninh- Chủ tịch UBND xã Phú Cần, một trong những bài học kinh nghiệm quan trọng để địa phương xây dựng thành công xã NTM là công tác tuyên truyền sâu rộng nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và người dân hiểu rằng:
 
“Xây dựng NTM phải do cộng đồng dân cư làm chủ, người dân là chủ thể. Huy động nội lực là chính với sự hỗ trợ một phần của Nhà nước thì công cuộc xây dựng NTM mới thành công và bền vững”.

Nhờ tập trung các nguồn lực về vốn, trong đó từ sự đồng tâm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, xã Phú Cần đã đạt chuẩn NTM với nhiều đổi thay so với trước. Hiện tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn khoảng 6%; thu nhập bình quân đầu người năm 2013 đạt trên 23 triệu đồng…

Nhắc đến xã NTM Phú Cần, không thể không nhắc đến mô hình “cánh đồng mẫu lớn” cộng với “liên kết 4 nhà”. Đây là xã đầu tiên được tỉnh Trà Vinh chọn áp dụng mô hình này từ năm 2011.
 
Mô hình này chủ yếu nằm ở 2 ấp Cầu Tre và Đại Trường, lúc đầu chỉ khoảng 110ha với 135 hộ tham gia. Hiện diện tích đã “nở” trên 300ha với khoảng 300 hộ tham gia sản xuất. Trong đó trên 90% là người dân tộc Khmer.

Theo chân Bí thư Chi bộ ấp Cầu Tre- Thạch Sa Mone, chúng tôi men theo bờ kinh bê tông dài hơn 1.600m vắt ngang cánh đồng lúa đang “lún phún” mạ non. Chỉ tay xuống dòng nước, ông Sa Mone cười khà:
 
“Cầu Tre có 560 hộ dân, người Khmer chiếm trên 98%. Trước đây, khu vực này được liệt vào vùng đất khó, do đất triền dốc, gò cao nên nông dân chỉ canh tác được một vụ lúa nhờ… nước trời. Muốn làm 2 vụ đã là một chuyện khó khăn. Nay được Nhà nước đầu tư, bà con nông dân có điều kiện canh tác tốt, nhiều người không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên khá giả…”.

Để dẫn chứng, ông Sa Mone cùng chúng tôi đến thăm nhà anh Trần Hồng. Đây là gia đình có đến 3,8ha đất nằm trong mô hình cánh đồng mẫu lớn của xã. Vợ anh- chị Sơn Thị Mai nói thay chồng (do anh Hồng nói tiếng Việt không rành):

“Từ lúc ra riêng đến nay, do chí thú làm ăn mà vợ chồng vừa làm ruộng nhà, vừa mướn, rồi từ từ mua thêm đất. Nếu tính nhẩm, mỗi năm từ thu nhập của 3,8ha đất ruộng này có thể lên đến vài trăm triệu đồng. Vui vì đời sống đã có của ăn, của để nhưng với chị, niềm vui khó tả là các con được ăn học đàng hoàng. Hiện còn 1 cháu học ngành y ở Vĩnh Long…”

Ông Sa Mone cho biết thêm, ở ấp Cầu Tre, ngoài phong trào sản xuất giỏi, xây dựng NTM thì việc cho con em đi học được người dân đặc biệt quan tâm.

Đây được xem là một bước chuyển đáng kể của người đồng bào dân tộc Khmer trong việc xóa đói giảm nghèo bền vững. Có thể thấy, chỉ mới từ năm 2011, đến nay mới có khoảng 4 năm, sự đổi thay của Cầu Tre nói riêng, Phú Cần nói chung là điều hết sức phấn khởi…

Đến thay đổi quan niệm từ gốc

Tiếp chuyện với ông Kim Hồng Danh- Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh, chúng tôi càng hiểu rõ vì sao, đời sống người đồng bào lại có bước chuyển mình nhanh như vậy. Theo ông Kim Hồng Danh, có thể nói đời sống người đồng bào Khmer đã đổi thay từng ngày chính là nhờ đã có sự thay đổi nhiều quan điểm từ gốc.

Trà Vinh có hơn 1 triệu dân và là tỉnh có tỷ lệ người dân tộc Khmer cao nhất ở ĐBSCL. Những năm mới tái lập tỉnh (1992), chuyện cứu đói cho đồng bào Khmer trong những tháng giáp hạt là việc làm thường xuyên của các ngành, các cấp.
 
Trước tình hình đó, ngoài kết hợp các chính sách từ Trung ương, tỉnh Trà Vinh đã ra Nghị quyết 01 (13/10/1992) về công tác trong vùng đồng bào dân tộc Khmer, nhằm giúp đồng bào giải quyết cái đói, đi đến bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm.

Đã kịp thời đề ra những chính sách thiết thực, thích hợp cho từng giai đoạn, từng ấp, xã, huyện cụ thể, để giúp đồng bào Khmer có việc làm, chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống, tinh thần.

“Với sự cần cù lao động, bỏ đi quan điểm làm bao nhiêu ăn bấy nhiêu, khó tích lũy. Bên cạnh đó, quan niệm nữ không cần học cao cũng được xóa bỏ. Đồng thời cũng còn nhiều quan điểm đã thay đổi tích cực, phù hợp với cuộc sống hiện tại,… đã giúp cho nhiều hộ đồng bào dân tộc Khmer cơ bản thoát nghèo, trở thành triệu phú…”- ông Kim Hồng Danh tâm đắc.
 
Nếu như năm 1992, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc chiếm trên 60%, thì đến nay chỉ còn khoảng 20%. Cùng với các chính sách, từ chính ý thức thay đổi và phải thay đổi nếp nghĩ trong đồng bào Khmer mà trong những năm gần đây, tỷ lệ kéo giảm hộ nghèo trong đồng bào dân tộc còn khoảng 4%/năm…

Ông Thạch Siêu- người được chọn là uy tín ở ấp Cầu Tre cho biết: Do quan điểm cũng như ngôn ngữ nên việc vận động bà con đồng bào Khmer gặp nhiều khó khăn.
 
Tuy nhiên, bản thân là người có uy tín nên vai trò, trách nhiệm là làm sao để đồng bào dân tộc tiếp cận được với xã hội ngày càng phát triển, “cố gắng làm để đừng rơi vô cảnh nghèo”.

Có thể thấy rõ, ngày nay, không chỉ ở ấp Cầu Tre mà ở các phum sóc khác, quan điểm phải làm giàu, phải tích lũy, phải cho con ăn học,… được cộng đồng người dân tộc Khmer truyền tai nhau. Trong vài năm nữa, trong đời sống văn hóa, tinh thần, kinh tế của người đồng bào Khmer sẽ có bước chuyển mình mạnh mẽ hơn.

Điều tâm đắc nhất của ông Kim Hồng Danh- Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh được nhắc đi nhắc lại nhiều lần: “Xưa ăn rồi mới tính, giờ tính rồi mới ăn”. Đây là một kết quả tốt cho bài toán thoát nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer. Có thể thấy, sự thay đổi này sẽ kéo theo những thay đổi khác tích cực hơn. Đó không đơn thuần là sự quan tâm của các cấp chính quyền, mà còn là ý thức tự giác của đồng bào dân tộc Khmer.

Kỳ cuối: Tri thức là tương lai

Bài, ảnh: NHÓM PV