PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH- NGUYỄN VĂN THANH

Giỗ Tổ là dịp giáo dục truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn

Cập nhật, 08:02, Thứ Tư, 09/04/2014 (GMT+7)

Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng năm Giáp Ngọ 2014 tại tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Long là một trong 4 tỉnh tham gia tổ chức. Thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, ngưỡng vọng tổ tiên, tỉnh Vĩnh Long đã có sự chuẩn bị thật chu đáo. Ông Nguyễn Văn Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết:

Để việc tham gia tổ chức Quốc giỗ đúng nghi thức, trang trọng và chu đáo, lãnh đạo tỉnh đã cùng với lãnh đạo UBND tỉnh Long An, Phú Thọ thống nhất kế hoạch tổ chức. Lựa chọn sản vật đặc trưng của địa phương, thiết kế lễ vật đặc sắc; tập dợt công phu đờn ca tài tử,…

Tỉnh cũng xây dựng kế hoạch cụ thể và thông qua Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến. Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch phối hợp với các ngành chức năng và Văn phòng UBND tỉnh thực hiện các kế hoạch đề ra.

Việc tham gia tổ chức lễ Giỗ có ý nghĩa rất lớn. Đây là nghĩa vụ và vinh dự của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Long, là lần đầu tiên được tham gia lễ hội trọng đại và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc này. Cũng là dịp để tiếp tục tuyên truyền, quảng bá rộng rãi về di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, góp phần xây dựng Đền Hùng xứng tầm là Di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia.

* Việc môn nghệ thuật đờn ca tài tử được góp mặt biểu diễn trong dịp lễ hội có ý nghĩa như thế nào đối với Vĩnh Long nói riêng, vùng Nam Bộ nói chung, thưa ông?

-“Đờn ca tài tử” vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại. Đây là dịp để tôn vinh, giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản. Đồng thời cũng là dịp để giao lưu văn hóa đặc trưng của vùng Nam Bộ từ khi mở cõi đến nay để người dân cả nước được thưởng lãm trong những ngày lễ quan trọng này.

Qua các buổi biểu diễn, nhân dân cả nước nói chung, nhân dân Nam Bộ nói riêng rất tự hào về nền văn hóa phong phú của dân tộc ta, ý thức rằng mọi người phải có nghĩa vụ giữ gìn và phát huy.

* Thưa ông, làm thế nào để các thế hệ trẻ luôn nhớ mãi về nguồn cội của mình?

- Hướng về cội nguồn, quê cha đất tổ là giáo dục truyền thống yêu nước. Biết ơn sâu sắc các Hùng Vương và các bậc hiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước cũng là giáo dục truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.

Để tuổi trẻ, các thế hệ thanh niên nhớ mãi về nguồn cội của mình thì cần tăng cường công tác tuyên truyền thông qua những việc làm thiết thực của mỗi người, qua những lần Giỗ Tổ Hùng Vương. Kêu gọi ý chí phấn đấu của tuổi trẻ vì một đất nước Việt Nam văn hiến 4.000 năm, với truyền thống hào hùng của cha ông ta, cần tôn trọng giữ gìn. Những bài học lịch sử, nhất là bài học đoàn kết dựng nước và giữ nước cần cô đọng, sâu sắc, dễ học, dễ nhớ và nhất là dễ thực hiện để lớp trẻ ghi lòng tạc dạ.

* Chân thành cảm ơn ông!

KHÁNH DUY (thực hiện)