NHÂN NGÀY KHUYẾT TẬT VIỆT NAM 18/4:

Tự tin vượt lên khiếm khuyết

Cập nhật, 16:31, Thứ Sáu, 18/04/2014 (GMT+7)

Có vẻ như khiếm khuyết của cơ thể không thể ngăn cản được ước mơ của họ. Họ đã cần mẫn làm việc để chiến thắng số phận, trở thành người hữu ích bằng chính niềm tin và nghị lực của mình.

Tự tin hòa nhập cộng đồng

Với một người lành lặn, để thành thạo trong ngành nghề nào đó thì phải trải qua quá trình phấn đấu lâu dài. Với một người khuyết tật thì càng gian truân hơn. Song, những nỗ lực của họ đã chứng minh được rằng người khuyết tật có thể vượt lên khó khăn bằng chính bản lĩnh và nghị lực của mình.



Chị Phương Trúc phải nằm sấp cạo hạt điều, nhưng chị vui vì việc làm giúp mẹ có ý nghĩa.


Ngoài 30 tuổi, chị Phan Thị Phương Trúc (Khóm 2, thị trấn Tam Bình) bé như học sinh tiểu học. Cơn sốt bại liệt khiến chị bị liệt nửa người, đôi chân thì teo tóp, phải nằm một chỗ. Tuy vậy, chị cố gắng làm người có ích bằng việc cạo hột điều.

Chị Trúc tâm sự: “Thấy mẹ vất vả chạy ăn hàng ngày, còn mình thì tật nguyền không làm được gì giúp mẹ, thậm chí cả việc vệ sinh cá nhân, mẹ, em gái cũng phải giúp. Nằm nhà hoài buồn lắm, thấy mình vô dụng không giúp được gì cho mẹ”.

Chị cười, xoa xoa cái tay còn dính mủ hạt điều nói: “Lúc đầu tui làm hột quẹt, do tay yếu phải dùng sức nên tui làm ê đầu ngón tay luôn. Khi tui chuyển qua làm hột điều thì việc nhẹ nhàng hơn. Cạo 1 ký được 4 ngàn, mỗi tuần tui cạo được 60 ngàn, đưa hết cho mẹ”.

Cùng chung nỗi bất hạnh bị tật nguyền vì cơn sốt bại liệt, chú Võ Thành Mười Một (xã Quới Thiện- Vũng Liêm) mặc cảm với đôi chân teo tóp của mình.

Song, nghịch cảnh ấy dần được khỏa lấp và “tiếp sức” cho chú vượt qua khó khăn bởi những người bạn đã tận tình chỉ dẫn chú đến với nghề thợ mộc. Và gần 20 năm qua, chú miệt mài với cưa, bào, đục, đẽo,... những cây gỗ để đóng tủ, giường, bàn, ghế,… và thu nhập đủ lo cuộc sống cho chú và mẹ già.

Chú tâm sự: “Trước làm chưa quen mệt lắm, người đau nhức ê ẩm, giờ mần khỏe rồi. Nhà còn hơn nửa công vườn, tui trồng tắc bán. Thu nhập chủ yếu từ nghề mộc, ngày kiếm cũng hơn 100 ngàn, 2 mẹ con tui sống khỏe”.

Đời thay đổi là vượt lên số phận tật nguyền

“Với tôi, đời thay đổi là vượt lên số phận tật nguyền”- bài viết từng đoạt giải trong một cuộc thi dành cho người khuyết tật và đó chính là phương châm sống của anh Huỳnh Chí Dũng (Phường 3- TP Vĩnh Long). Năm anh lên 3 tuổi, căn bệnh sốt bại liệt đã làm cho đôi chân anh teo tóp dần, cột sống lại bị vẹo thế. Song, đó không là rào cản để anh tìm đến con đường học vấn.
 
Lúc nhỏ nhà nghèo, không có điều kiện, anh Dũng được anh chị dạy học ở nhà, lớn lên chút nữa anh tự đi bằng nạng gỗ đến trường học bổ túc rồi học đại học tại chức tin học, có thời gian anh vừa đi làm công vừa học thêm Anh văn. Giờ anh đã có thể đánh máy vi tính, thiết kế đồ họa gia công để tự nuôi sống bản thân mình và chăm lo cho mẹ. 

Những tấm gương khuyết tật tiêu biểu vừa được nhận bằng khen của UBND tỉnh.

Anh Dũng tâm sự: “Cuộc sống ưu tư, sầu não của kẻ tàn phế mình phải bỏ qua một bên. Mình phải sống lạc quan, phấn đấu tìm niềm vui trong công việc để tự lo cho bản thân và làm nhẹ gánh cho cha mẹ”.

Ngoài ra, anh Dũng còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Hiện anh Dũng là Chủ nhiệm CLB Người khuyết tật Phường 1 và Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ Phường 3. Anh chia sẻ: “Mình đi vận động nhà hảo tâm, động viên chia sẻ những khó khăn với người khuyết tật để giúp họ sống lạc quan, hòa nhập cộng đồng”.

Đó là 3 trong 16 gương khuyết tật vừa được UBND tỉnh tặng bằng khen tại hội nghị biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu của tỉnh năm 2014.

Bà Đặng Huỳnh Mai- nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Chủ tịch Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam chia sẻ: “Những tấm gương khuyết tật đã khiến nhiều người nể phục với tinh thần vượt khó vươn lên, sống vui giữa đời thường. Vĩnh Long có nhiều hoạt động chăm lo trợ giúp cho người khuyết tật hòa nhập cộng đồng. Trên tinh thần đó, chúng ta tiếp tục quan tâm đời sống, dạy nghề giới thiệu việc làm, hỗ trợ để họ tự tin tham gia vào đời sống xã hội”.

Trong mắt chúng tôi và cả những người lành lặn xung quanh, họ là những tấm gương sáng trong hàng trăm, hàng ngàn người khuyết tật đã vươn lên trong nghịch cảnh sống có ích, có ý nghĩa.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Phan Anh Vũ: Trong thời gian tới, Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tiếp tục vận động cộng đồng chung tay giúp đỡ, động viên người khuyết tật khắc phục khó khăn, phát huy khả năng để hòa nhập cộng đồng, tham gia các hoạt động xã hội.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN