PHỎNG VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT CAO ĐỨC PHÁT

Tập trung ngăn chặn vi rút cúm A (H7N9) xâm nhập vào Việt Nam

Cập nhật, 07:37, Thứ Ba, 18/02/2014 (GMT+7)

Bên lề cuộc họp BCĐ quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm ngày 13/2 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát đã có cuộc trao đổi với phóng viên các cơ quan báo chí về xung quanh công tác phòng chống đối phó với dịch cúm gia cầm, đặc biệt là việc phòng chống cúm A (H7N9) xâm nhập vào Việt Nam.

Bộ trưởng Cao Đức Phát phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp BCĐ quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm chiều 13/2/2014.


* Thưa Bộ trưởng, ông nhận định thế nào về tình hình dịch cúm A (H5N1) hiện nay và những nguy cơ dịch cúm A (H7N9) có thể sẽ xuất hiện ở Việt Nam?

- Hàng năm vào thời điểm này, điều kiện khí hậu rất thuận lợi cho vi rút cúm. Chúng tôi hay gọi đây là “mùa cúm”. Trước đó, chúng tôi đã chỉ đạo công tác tiêm phòng cho đàn gia cầm. Tuy nhiên, tiêm phòng chỉ là một giải pháp trong nhiều giải pháp để hạn chế dịch cúm gia cầm xuất hiện và lây lan.

Để tiết kiệm kinh phí, năm nay bộ đã khoanh vùng có nguy cơ cao xảy ra dịch để tiêm phòng, nhưng nhiều địa phương chưa làm nghiêm túc công tác tiêm phòng này. Cùng với đó, các vi rút cúm qua mỗi mùa thường có biến chủng nên có sự tái phát cúm A (H5N1) ở nhiều điểm nhỏ lẻ đến thời điểm này.

Hiện nay, vi rút cúm gia cầm đã xuất hiện nhiều chủng loại có độc lực cao, trong đó đáng lưu ý là cúm A (H7N9) đang gây ra dịch bệnh trên người ở Trung Quốc và một số nơi khác. Đặc biệt, ở Trung Quốc dịch đã lây lan tới tỉnh Quảng Tây, giáp với Việt Nam nên nguy cơ lây vào nước ta là rất cao. Biện pháp cấp bách là phải ngăn ngừa loại vi rút này xâm nhập vào Việt Nam.

* Thưa Bộ trưởng! Vi rút cúm A (H7N9) có khác biệt gì so với loại vi rút cúm A (H5N1)?

- Chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm đối phó với chủng vi rút cúm A (H5N1) nhưng loại vi rút mang tên H7N9 có sự khác biệt là nó có thể có ở trên gia cầm nhưng không gây nên các triệu chứng lâm sàng như làm cho gia cầm nhiễm bệnh và bị chết, loại vi rút này chỉ có thể phát hiện được khi xét nghiệm.

Nên chúng ta không thể nhận biết được bằng quan sát bề ngoài, đây chính là yếu tố gây khó khăn cho chúng ta trong việc kiểm soát sự lưu hành của vi rút. Mặt khác, hiện thế giới cũng chưa có vắc xin để đối phó với vi rút này.

* Trong 4 kịch bản ứng phó, Bộ trưởng ưu tiên kịch bản nào?

- Hiện nay, chúng ta chưa phát hiện được vi rút cúm A (H7N9) ở Việt Nam, nên nhiệm vụ quan trọng hàng đầu bây giờ là thực hiện mọi biện pháp để ngăn chặn vi rút xâm nhập vào Việt Nam. Do đó, cần phải theo dõi sát sao tình hình diễn biến trên thế giới, đặc biệt là khu vực biên giới giáp Trung Quốc và Việt Nam; cần thông tin đầy đủ cho người dân được biết để có biện pháp ứng phó với loại vi rút này; thực hiện mọi biện pháp quyết liệt để ngăn chặn buôn bán vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm có thể mang theo vi rút vào Việt Nam; tổ chức giám sát chặt chẽ sự lưu hành của vi rút thông qua sản phẩm gia cầm cũng như môi trường có nguy cơ cao. Và tôi đặc biệt lưu ý biện pháp ngăn chặn buôn bán, vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm đặc biệt từ phía Trung Quốc vào Việt Nam. Đây chính là giải pháp cốt yếu nhất.

Chủng vi rút này sẽ bị tiêu diệt ở nhiệt độ trên 70 độ C trong thời gian khoảng 5 giây, nên việc áp dụng biện pháp cấm nhập các loại gia cầm, sản phẩm gia cầm sống dưới mọi hình thức để ngăn ngừa chủng vi rút này xâm nhập vào Việt Nam.

* Thưa Bộ trưởng! Mỗi khi chúng ta công bố dịch cúm gia cầm lại xuất hiện tình trạng “bán chạy” gia cầm. Bộ trưởng nghĩ sao về vấn đề này?

- Việc bán chạy gia cầm nhiễm bệnh là hành vi vi phạm luật pháp. Chúng ta có những chính sách để hỗ trợ người dân giảm thiểu thiệt hại của người dân. Việc này cũng giúp người dân phối hợp tốt hơn với chính quyền địa phương trong việc kiểm soát và ngăn chặn lây lan dịch bệnh. Người dân nên khai báo với cơ quan chuyên môn khi có gia cầm nhiễm bệnh để được hỗ trợ.
 
Để hạn chế được việc lây lan và bùng phát dịch, cần phối hợp liên ngành chặt chẽ để ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyện gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhiễm vi rút. Các lực lượng chức năng: Biên phòng, hải quan, công an, công thương, thú y, y tế… đặc biệt là lực lượng tại các địa phương giáp biên giới phía Bắc cần chủ động phối kết hợp để xử lý nhanh và dứt điểm các trường hợp kinh doanh, buôn bán và vận chuyển trái phép gia cầm trong tình hình dịch cấp bách như hiện nay.

* Cảm ơn Bộ trưởng đã trả lời cuộc phỏng vấn này!

Đến thời điểm này, chủng vi rút cúm A (H7N9) đã khiến 330 người tại Trung Quốc mắc bệnh, trong đó 70 người đã tử vong. Tỷ lệ trung bình cứ 4 người mắc bệnh thì có 1 người tử vong. Nếu các loại cúm trước đây lây từ gia cầm sang người thì bản thân gia cầm nhiễm vi rút sẽ có dấu hiệu bệnh, chết. Tuy nhiên, gia cầm nhiễm cúm A (H7N9) hoàn toàn không có dấu hiệu trên gia cầm. Đây chính là lý do khiến chủng vi rút cúm A (H7N9) được người ta gọi “kẻ giết người vô hình”.


HÀ VĨNH THÁI (Thực hiện)