Những câu chuyện nhỏ và bài học lớn cho tuổi trẻ Vĩnh Long

Cập nhật, 07:32, Thứ Ba, 18/02/2014 (GMT+7)

Trong những ngày đầu năm, tỉnh Vĩnh Long vinh dự và vui mừng được đón tiếp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về thăm và làm việc. Trong buổi nói chuyện ngắn, với chủ đề chính xoay quanh nhà khoa học Trần Đại Nghĩa, vị lãnh đạo cao nhất của Nhà nước đã gợi mở ra những góc nhìn mới, tầm cao mới cho khát vọng cống hiến của tuổi trẻ hôm nay.


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (hàng đầu, thứ ba từ phải qua) khảo sát nơi xây dựng Khu lưu niệm Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa.

Khoảnh khắc của đời người

Không phải là một bài phát biểu mang tính chất nghị trường, mà bằng cách nói chuyện gần gũi, cởi mở tạo nên không khí vui tươi, đầm ấm trong những ngày đầu năm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã giúp cho chúng tôi nhận thức ra những bài học sâu sắc, cùng với những ấn tượng khó phai.

Chủ tịch nước đã nhấn mạnh những đặc trưng trong cuộc đời, nhân cách, sự nghiệp của Giáo sư Trần Đại Nghĩa, ngay từ khi còn là nhà khoa học trẻ Phạm Quang Lễ. Thông qua đó, nổi bật hai cụm từ: “vinh hoa phú quý” và “nghĩa lớn đối với Tổ quốc”

. Với bao nhiêu là bổng lộc, đặc ân đối với tài năng lớn giữa kinh đô Paris tráng lệ, tại sao con người ấy dám từ bỏ tất cả để theo Bác Hồ về nước? Về nước, có nghĩa là chọn lấy cái gian khổ, cái khó khăn và cả cái chết.

Những nhà khoa học, những trí thức tài năng thì nhiều lắm, nhưng đâu phải ai cũng có được quyết định như Phạm Quang Lễ, từ bỏ tất cả những gì đang có, để theo Bác Hồ về nước.

Câu chuyện đó, con người cụ thể đó, thật sự đáng sống biết bao, đáng tự hào biết bao với tên họ “Trần Đại Nghĩa” mà Bác Hồ đã đặt cho.

Đối với những ai đã từng sống với những trải nghiệm, cùng những thành công, thất bại lớn có thể sẽ nhận ra rằng, cả cuộc đời dài của mình đã từng được quyết định từ những khoảnh khắc ngắn ngủi nhất của tuổi trẻ. Chính có quyết định theo Bác Hồ về nước, từ bỏ “vinh hoa phú quý” của kỹ sư trẻ Phạm Quang Lễ mà đất nước chúng ta mới có được nhà khoa học yêu nước Trần Đại Nghĩa ngày nay.

Và từ câu chuyện về tuổi trẻ của một cá nhân ấy, Chủ tịch nước đã lý giải một vấn đề mang tầm vóc quốc gia: chiến thắng của dân tộc ta trong kháng chiến giành độc lập tự do năm xưa, cùng với bài học cống hiến cho thế hệ trẻ hôm nay.


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm công trình xây dựng Khu lưu niệm Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa.

“Trí tuệ của những người mất nước”

Lùi về những chuyện xa xa của những năm kháng chiến chống Pháp, từ những ngày đầu tay không đánh giặc, bằng vũ khí thô sơ.

Khi mà bỗng dưng trên chiến trường xuất hiện vũ khí Bazoka, đã làm cho cục diện chiến trường thay đổi ghê gớm. Vũ khí mới xuất hiện, làm hoang mang lòng địch, ngược lại tinh thần của quân ta lên cao dữ lắm.

Cho đến những trận không chiến trên bầu trời Hà Nội với không lực hùng mạnh Hoa Kỳ, có sự đóng góp không nhỏ của bàn tay, khối óc Trần Đại Nghĩa. Cuộc chiến không cân sức và thắng lợi cuối cùng trước hai tên đế quốc đầu sỏ, rõ ràng là chuyện thần kỳ.

Nhắc chuyện xưa, để Chủ tịch nước rút ra một nguyên lý của lẽ phải: “Cuộc chiến đó cũng là cuộc đọ sức của trí tuệ. Nhưng trí tuệ của những người mất nước, hơn trí tuệ những kẻ đi cướp nước. Bởi những người mất nước suy nghĩ tối ngày, trăn trở không phút nào ngơi”.

Luận chuyện xưa nói đến chuyện nay, Chủ tịch nước nhắc nhở các nhà khoa học trẻ hãy noi gương Trần Đại Nghĩa, cống hiến nhiều hơn nữa cho đất nước ta, làm sao biến nền công nghiệp chủ yếu “gia công” thành nền công nghiệp “sản xuất”, biến nhập siêu thành xuất siêu.

Có vậy đất nước ta mới nhanh chóng giàu mạnh. Tấm gương đó, cuộc đời đó rất xứng đáng là bài học lớn cho thế hệ trẻ, cho nên chuyện xây dựng công trình khu lưu niệm về Trần Đại Nghĩa trên quê hương Vĩnh Long là việc làm rất đáng biểu dương.

Dù còn nhiều khó khăn, nhưng Vĩnh Long phấn đấu sớm hoàn thành Khu lưu niệm cố Giáo sư Trần Đại Nghĩa đúng vào dịp tết năm sau. Tỉnh nhà lại có vinh dự được đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về thăm. Chắc rằng, tuổi trẻ Vĩnh Long lại có dịp được nghe nhiều câu chuyện thú vị, nhiều bài học sâu sắc hơn.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- DƯƠNG THU