Đại tướng Võ Nguyên Giáp- người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam

Cập nhật, 07:08, Thứ Bảy, 12/10/2013 (GMT+7)


Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói chuyện thân mật cùng các chiến sĩ năm 1968.

Thế giới đã dành biết bao những lời ca ngợi về ông: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp- một thiên tài quân sự lớn nhất thế kỷ XX và là một trong những thiên tài lớn nhất của mọi thời đại” (Nhà Sử học Mỹ Cecil Currey).
 
“Cuộc đời của Tướng Giáp gắn liền với chiến đấu và chiến thắng, khiến ông trở thành một trong những vị thống soái lớn của mọi thời đại” (Nhà nghiên cứu quân sự Anh Peter Mac Donald ). “Võ Nguyên Giáp một con người Việt Nam đã thuộc về toàn thế giới” (Báo chí Ấn Độ). “Tướng Giáp một ngọn núi lửa phủ đầy tuyết” (Những người lính Pháp đã từng bại trận ở Điện Biên Phủ) v.v…

Chúng ta cũng còn có thể kể ra rất nhiều những lời nói về ông như vậy, nhưng tôi vẫn thích sự vinh danh giản dị và đầy tình nghĩa thân thiết, một tên gọi mà hàng triệu những người lính dưới quyền ông đã gọi: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam”. Hay một tên gọi khác, mà những cán bộ làm việc gần ông thường gọi: Anh Văn!

Đọc lại “Bình Ngô Đại cáo” một thời hào hùng của lịch sử đánh giặc giữ nước Việt Nam, chúng ta thấy Nguyễn Trãi đã viết: “Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào…”. Thời đại đánh giặc của chúng ta hôm nay cũng thế. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng được gọi là “Người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam” và Đại tướng Võ Nguyên Giáp được gọi là “Người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam”.

Cuộc chiến đấu đánh giặc giữ nước của chúng ta đã viết vào thế kỷ XX những trang chói lọi. 30 năm là dài lâu, nhưng 30 năm cũng là một chớp mắt của lịch sử. Trong 30 năm ấy, nhân dân và quân đội ta đã đánh thắng 3 tên đế quốc đến từ 3 châu. Đầu tiên là phát xít Nhật đến từ Châu Á, rồi thực dân Pháp đến từ Châu Âu và cuối cùng là đế quốc Mỹ đến từ Châu Mỹ.

Khi nói đến những thắng lợi vĩ đại ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: “Vinh quang lớn lao đó thuộc về nhân dân Việt Nam anh hùng, thuộc về Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại- người anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn và người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam”.

Một lần có một nhà báo đến gặp và có ý định viết về ông. Ông đã đưa cho nhà báo ấy một tờ báo Le Monde số mới nhất, trên bìa có in ảnh ông và dòng chữ Ma Victoire (Chiến thắng của tôi!). Ông than phiền: Tại sao họ lại viết như thế? Điện Biên Phủ là chiến thắng của cả dân tộc chúng ta.

Một nhà báo phương Tây trong một lần phỏng vấn ông, đã hỏi:

- Thưa ngài, ai là vị tướng người Việt Nam giỏi nhất?

Ông đã trả lời ngay, không cần suy nghĩ:

- Đó là nhân dân Việt Nam!

Ông cho rằng, những thắng lợi trên chiến trường, xét cho cùng là do những người trực tiếp chiến đấu quyết định. Hàng mấy chục triệu nhân dân Việt Nam ở cả 2 miền Nam Bắc và hàng triệu những người lính dũng cảm đã làm nên chiến thắng.

*
* *

Ngay trong những ngày kháng chiến chống Pháp, sau chiến thắng Việt Bắc 1947, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội đồng Chính phủ đã quyết định thành lập Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội quốc gia Việt Nam phong quân hàm cho một số cán bộ quân đội.

1 giờ chiều ngày 28/5/1948, tại một Hội trường lớn được dựng lên dưới một tán rừng. Hồ Chủ tịch, Trưởng Ban thường trực Quốc hội và các thành viên Chính phủ đều có mặt. Trước bàn thờ Tổ quốc trang nghiêm, Chủ tịch Hồ Chí Minh 2 tay nâng tờ sắc lệnh và mời đồng chí Võ Nguyên Giáp bước lên. Giọng Bác đầy xúc động:

- Hôm nay, thay mặt Chính phủ và nhân dân…- bỗng Người ngừng lời, rút khăn tay lau nước mắt, lát sau, Người mới nói tiếp, ân cần và thân mật như trong một đại gia đình- Nhân danh Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, tôi trao cho chú chức vụ Đại tướng, để chú điều khiển binh sĩ làm tròn sứ mạng mà quốc dân phó thác…”

Nhớ lại 4 năm trước đó, ngày 22/12/1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo (Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã được thành lập. Trong số 34 đội viên ban đầu, có tới 29 chiến sĩ là người dân tộc thiểu số.

Đồng chí Võ Nguyên Giáp đã viết và đọc 10 lời thề danh dự, mà lời thế thứ nhất là: “Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để tiêu diệt bọn phát xít Nhật Pháp và bọn việt gian phản quốc, làm cho nước Việt Nam trở nên một nước độc lập và dân chủ, ngang hàng với các nước dân chủ trên thế giới”.

Trong 10 lời thề ấy, cũng đã nêu rõ: Phải kính trọng dân, giúp đỡ dân, bảo vệ dân. Lúc đó, đồng chí Võ Nguyên Giáp 33 tuổi, còn khi được phong quân hàm Đại tướng, ông đã 37 tuổi.

Một lần, một nhà nghiên cứu quân sự nước ngoài nêu câu hỏi:

- Tại sao một nhà giáo dạy sử, không qua một trường lớp quân sự nào, lại được trao làm Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam và đã đánh thắng nhiều kẻ thù xâm lược?

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trả lời:

- Câu hỏi này, xin ông hỏi lại Chủ tịch Hồ Chí Minh!

Đây chính là một sự lựa chọn vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và lịch sử đã chứng minh rằng sự lựa chọn ấy là hoàn toàn đúng.

Khi thành lập Đội vũ trang tuyên truyền giải phóng quân, Bác nói: Việc này giao cho chú Văn phụ trách.

Và tháng 1/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến Khuổi Tát- một bản nhỏ người Dao trên núi cao- để chào Bác trước khi ra mặt trận Điện Biên Phủ. Bác dặn: “Tổng Tư lệnh ra mặt trận. Tướng quân tại ngoại, trao cho chú quyền quyết định. Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh !”.

Với con mắt của một thiên tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt niềm tin vào ông. Và những lời dặn dò của Bác bao giờ cũng được ông ghi nhớ. Ông luôn luôn căn dặn quân đội của mình: “Đừng bao giờ quên cái gốc của mình là từ nhân dân mà ra. Ở đâu và trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không được phụ tấm lòng trông đợi của nhân dân”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: Học thuyết quân sự Việt Nam đã được phát triển từ những kinh nghiệm lịch sử của ông cha, lấy nhỏ thắng lớn, lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều.

Trả lời câu hỏi của một nhà báo phương Tây: “Thưa ngài, nhà quân sự nào trên thế giới đã là thần tượng của ông?” Đại tướng nói: “Đó là Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Quang Trung!”

Tháng 11/1995, theo đề nghị của phía Mỹ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tiếp ông Robert McNamara- nguyên Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời 2 Tổng thống John F.Kennedy và Lyndon B. Johnson.

Trong câu chuyện, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói: Trong cuốn sách “Hồi tưởng” của Ngài, có một điều tôi cho là đúng. Đó là Mỹ đánh Việt Nam mà không hiểu gì về lịch sử, địa lý, văn hóa, phong tục tập quán, về con người Việt Nam nói chung và những người lãnh đạo Việt Nam nói riêng. Chúng tôi có một nền văn hóa bền vững, có một học thuyết quân sự độc đáo đã được thử thách trong lịch sử. Vì vậy mà chúng tôi đã thắng.”

Ông McNamara đáp:

- Vâng, đúng là như vậy!

Một nhà sử học Việt Nam đã viết: “Có lẽ trong những năm dạy sử ở Trường Thăng Long, đã hình thành nên tư duy quân sự của ông”.

*
* *

Năm 2001, Đại tướng Võ Nguyên Giáp 90 tuổi. Ông cho mời 2 người khách từ Điện Biên Phủ về Hà Nội. Đó là cụ Bạc Cầm Bóng và cụ Lò Văn Nhay- 2 người đã từng giúp việc cho Đại tướng ở Sở Chỉ huy Mường Phăng (Điện Biên Phủ). Cụ Bóng về đến Hà Nội, vừa bước vào nhà đã thấy Đại tướng tươi cười ra đón. Câu đầu tiên của ông là một câu tiếng Thái: “Hoạt lươn te điều ti noọng căn” (Về đây là nhà rồi, đừng khách sáo nhé!) Thế là cụ Bóng ôm lấy người Đại tướng già của mình mà khóc!

Mọi người kể rằng, lên thăm chiến trường Điện Biên Phủ lần nào Đại tướng cũng không ngăn được nước mắt. Ông nói nhìn hàng trăm những bia mộ vô danh là ông lại nhớ đến hình ảnh những người chiến sĩ trẻ xông lên trong khói lửa!

Tháng 9/1973, Chủ tịch Phidel Castro đã sang thăm Việt Nam và gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông nói: “Tôi đã đọc lịch sử chiến tranh. Từ trước đến nay chưa từng có một cuộc chiến tranh nào mà một nước nhỏ, kinh tế lạc hậu như Việt Nam, mà vẫn đánh thắng Pháp và Mỹ. Đó là vô song. Trên thế giới chưa từng có. Trong lịch sử chưa từng thấy!”

Và trưa ngày 30/4/1975, Tướng Lê Trọng Tấn- Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh báo tin, cánh quân phía Đông đã tiến vào trung tâm Sài Gòn và 11 giờ 30 quân ta đã cắm cờ chiến thắng trên nóc dinh Độc Lập.

Sau khi ra nốt những mệnh lệnh cuối cùng để giải quyết chiến trường, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã rời Tổng hành dinh, lặng lẽ đi bộ ra bờ hồ. Có lẽ, đó là những giây phút hạnh phúc nhất của ông- vị tướng cả đời mình đã gắn liền với những gian lao chiến đấu của đất nước, với những hy sinh oanh liệt của hàng triệu chiến sĩ và nhân dân anh hùng của mình.

*
* *

Hôm nay, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, anh Văn kính mến và thân thiết đã từ biệt chúng ta! Những ngày này, nhân dân cả nước hướng về Đại tướng với sự trân trọng, yêu kính và niềm tiếc thương vô hạn.

Ngay trong đêm Đại tướng qua đời, nhiều hãng tin lớn trên thế giới đã đồng loạt đưa tin về Đại tướng trên vị trí nổi bật. Stanley Karnow- nhà báo kiêm nhà sử học Mỹ đã viết:

“Sau Chủ tịch Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp là nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử Việt Nam thế kỷ XX”. Tân Hoa Xã viết: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị anh hùng. Ông là người được nhân dân Việt Nam tôn kính, chỉ sau Chủ tịch Hồ Chí Minh”.


BÙI CÔNG BÍNH