Nhiều nông dân bán lúa dưới giá thành

Cập nhật, 06:46, Thứ Ba, 07/05/2013 (GMT+7)

Sau bài viết: “Mua lúa tạm trữ- cần linh hoạt hơn” đăng ngày 30/4/2013, Báo Vĩnh Long tiếp tục nhận được những chia sẻ của Tiến sĩ Lê Văn Bảnh- Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL (ảnh) xung quanh vấn đề này.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh cho biết, trong vụ lúa Đông Xuân 2012- 2013, mặc dù chương trình mua lúa gạo tạm trữ tiếp tục được Chính phủ chỉ đạo thực hiện, song không ít nông dân ở ĐBSCL bán lúa dưới giá thành.

Nguyên nhân, hàng năm khi bước vào thời điểm thu hoạch rộ thì lượng lúa hàng hóa rất lớn, trong khi giá lúc này thường đứng ở mức thấp.

Do không có điều kiện tồn trữ cộng với áp lực phải trả nợ ngân hàng, vật tư (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xăng dầu…) và nhu cầu tiêu xài trong gia đình, nhất là dịp tết… nên nhiều nông dân buộc bán lúa gấp nên lợi nhuận đạt thấp, đôi khi dưới giá thành.

 Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp đầu năm chưa ký hợp đồng xuất khẩu gạo nên họ chần chừ không mua.

* PV: Như vậy, chương trình thu mua lúa gạo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) vừa qua chưa thật sự hiệu quả?

* Tiến sĩ Lê Văn Bảnh: Tôi nghĩ, chủ trương mua lúa gạo tạm trữ là hết sức đúng đắn nhằm hỗ trợ nông dân có lời ít nhất 30%.

Tuy nhiên, thực tế vụ lúa vừa qua, chương trình này chưa mang lại nhiều kết quả như mong đợi bởi nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là thời gian triển khai chưa phù hợp.

Cụ thể, thời điểm mà VFA triển khai thu mua tạm trữ (20/2/2013- PV) có nơi thu hoạch xong trên 50% diện tích, một số tỉnh đầu nguồn như Đồng Tháp, An Giang đã thu hoạch 60%.

Điều này thể hiện rõ tính quan liêu, thiếu thực tế và thiếu tinh thần trách nhiệm của cá nhân và đơn vị chức năng. Thứ hai, doanh nghiệp thu mua cầm chừng nên giá lúa vẫn ở mức thấp không như kỳ vọng của Chính phủ làm cho nông dân được lời thấp.

Thứ ba, giá các doanh nghiệp mua lúa của nông dân theo thỏa thuận chứ không có giá sàn để nông dân được lời trên 30% dù Bộ Tài chính đã đưa ra giá thành sản xuất lúa ở ĐBSCL. Thứ tư là VFA phân bổ chỉ tiêu thu mua tạm trữ lúa đến doanh nghiệp lương thực địa phương còn cảm tính, chưa theo sản lượng lúa gạo từng địa phương.

* PV: Giá thành vụ lúa Đông Xuân là 3.616 đ/kg. Để nông dân có lời ít nhất 30% giá lúa phải đạt 4.701 đ/kg, song do qua nhiều trung gian nên nông dân chưa hưởng lợi. Ông nghĩ sao về điều này?

* Tiến sĩ Lê Văn Bảnh: Với cách thu mua tạm trữ như hiện nay, việc Bộ Tài chính công bố giá thành sản xuất lúa chỉ có tính tham khảo chứ không có tác dụng thực sự vì Chính phủ không dựa vào đó để đưa ra giá sàn bắt buộc.

Mặt khác, nếu đưa ra giá sàn lúa bắt buộc cũng phải là giá nông dân được hưởng. Nếu không như hiện nay, doanh nghiệp nói do “doanh nghiệp buôn bán lời ăn lỗ chịu” nên doanh nghiệp phải thủ chắc; nếu qua thương lái hoặc trung chuyển thì nông dân ở vùng sâu vùng xa quá thiệt thòi.

* PV: Để chương trình mua lúa tạm trữ thời gian tới ở ĐBSCL hiệu quả hơn, theo ông, cần triển khai thế nào?

* Tiến sĩ Lê Văn Bảnh: Tôi nghĩ nên để chính quyền địa phương, tổ hợp tác, hợp tác xã hay nông dân có khả năng cùng tham gia.

Về lâu dài, Chính phủ nên thực hiện liên kết vùng, liên kết “4 nhà” trong sản xuất kinh doanh lúa gạo và tạo điều kiện để doanh nghiệp và nông dân cùng lo, cùng hưởng thành quả sản xuất kinh doanh như mô hình “nông hộ nhỏ- cánh đồng mẫu lớn” mà nhiều tỉnh thành đang làm.

Để thực hiện tốt mô hình này, doanh nghiệp cũng cần đầu tư vật tư, hợp đồng đặt hàng, đầu tư sản xuất tạo vùng nguyên liệu.

Bên cạnh, thay vì hàng vụ phải thu mua tạm trữ thì nên bổ sung Nghị định 109 Chính phủ về việc “Doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cần có vùng nguyên liệu lúa gạo ít nhất 5.000ha”.

Bởi, hiện nay Việt Nam có trên 100 doanh nghiệp xuất khẩu gạo, nếu 100 doanh nghiệp này cùng đầu tư vùng nguyên liệu thì ĐBSCL sẽ có trên 500.000ha mà sản phẩm thuộc doanh nghiệp quản lý tương đương 3 triệu tấn lúa hàng hóa mỗi vụ, lúc đó Chính phủ không cần mua tạm trữ lúa gạo hàng vụ.

* PV: Xin cảm ơn Tiến sĩ!

NGUYỄN HOÀNG (thực hiện)