Phỏng vấn nhanh Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Vĩnh Long- Cao Thanh Chí:

Chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên, người lao động là nhiệm vụ của Công đoàn

Cập nhật, 07:53, Thứ Sáu, 26/04/2013 (GMT+7)

Ông Cao Thanh Chí- Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) vừa có cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Vĩnh Long, làm rõ thêm những thành tựu cũng như khó khăn, hạn chế trong hoạt động Công đoàn (CĐ) nhiệm kỳ qua.

 


* Trước hết xin cảm ơn ông dù rất bận rộn chuẩn bị đại hội nhưng vẫn dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này. Câu hỏi đầu tiên, xin ông đánh giá một cách khái quát kết quả hoạt động CĐ nhiệm kỳ qua?

- Với tinh thần hướng về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động, lấy đoàn viên CĐ và người lao động làm đối tượng vận động thuyết phục”, 5 năm qua tổ chức CĐ tỉnh nhà đã có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức hoạt động, tạo chuyển biến tích cực trong phong trào CNVC- LĐ và hoạt động CĐ, khắc phục sự “mờ nhạt”, “nhàm chán”, tạo niềm tin và là chỗ dựa đáng tin cậy cho người LĐ. Cụ thể khái quát một số hoạt động nổi bật như:

Về công tác chăm lo, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp chính đáng cho người LĐ: thông qua chức năng giám sát việc thực hiện chính sách tiền lương, BHXH, BHYT. LĐLĐ tỉnh đã ký kết quy chế phối hợp hoạt động với BHXH, Sở LĐ- TB và XH tỉnh tăng cường các hoạt động tuyên truyền về pháp luật lao động. Từ đó nâng đáng kể tỷ lệ người LĐ được tham gia BHXH (84,19%), BHYT (82,47%).
 
Chủ động phối hợp và là nòng cốt trong tham gia giải quyết các vụ việc ngừng việc lãn công với 6 vụ trong nhiệm kỳ trên 10.000 người LĐ, đã đem lại lợi ích thiết thực cho người LĐ. Vận động quỹ “Tấm lòng vàng” hơn 11 tỷ đồng xây dựng 500 “Mái ấm công đoàn” và thăm hỏi, hỗ trợ 51 trường hợp đoàn viên bệnh hiểm nghèo.

Về công tác phát triển đoàn viên, xây dựng CĐ vững mạnh: đã phát triển trên 39.000 đoàn viên, vượt so chỉ tiêu 30,77%, xây dựng CĐ vững mạnh đạt 97,5% khu vực nhà nước (chỉ tiêu 85%), đạt 69,7% ở khu vực kinh tế dân doanh (chỉ tiêu 60%).
 
Về thực hiện các phong trào thi đua: trọng tâm là phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”: 5 năm qua đã thực hiện trên 11.700 sáng kiến và 798 đề tài nghiên cứu khoa học… làm lợi cho nhà nước trên 45 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có 13 đoàn viên được Tổng Liên đoàn cấp bằng “Lao động sáng tạo”.

Trong phong trào nữ “Giỏi việc nước- đảm việc nhà”, đã có 14.130/15.631 nữ được biểu dương danh hiệu các cấp. Phong trào văn hóa, thể thao trong CNLĐ phát triển mạnh trong nhiệm kỳ, nhất là trong Tháng Công nhân. Đặc biệt đã khởi công xây dựng Nhà văn hóa Lao động tỉnh tại Khu công nghiệp Hòa Phú, góp phần chăm lo tốt đời sống tinh thần cho người lao động trong thời gian tới.

* Bên cạnh những kết quả đạt được, chắc rằng cũng còn không ít những khó khăn. Vậy theo ông đâu là những khó khăn cơ bản?

- Tình hình suy giảm kinh tế ở những năm đầu nhiệm kỳ, đến giữa nhiệm kỳ về sau tuy đã phục hồi nhưng bước phục hồi chậm khiến nhiều doanh nghiệp đình đốn, gặp khó trong sản xuất khiến người LĐ mất việc làm, giảm thu nhập dẫn đến số lượng đoàn viên cũng biến động giảm.

Điều nay đã khiến cho hoạt động CĐ khu vực ngoài Nhà nước gặp khó, chỉ duy trì “cầm chừng”. Đội ngũ cán bộ CĐ ở các doanh nghiệp là người làm công ăn lương nên còn gặp khó trong phát huy vai trò chủ động để hoạt động lại thường xuyên biến động thay đổi. Chúng ta lại thiếu cơ chế chính sách bảo vệ cán bộ CĐ.

Một số chính sách về tiền lương, phụ cấp bất cập, nhất là các lĩnh vực sự nghiệp giáo dục, y tế, nông nghiệp, cán bộ CĐ chuyên trách xã- phường- thị trấn… nói chung là mức sống của công nhân lao động còn thấp so nhu cầu tiêu dùng.

* Hoạt động CĐ và phong trào CNVC-LĐ vẫn còn khó khăn mà chủ yếu là trong khu vực các doanh nghiệp. Tuy tổ chức CĐ đã có những hoạt động còn mờ nhạt, từ đó mà quyền và lợi ích chính đáng cùa người LĐ có nơi chưa được bảo vệ thỏa đáng. Vấn đề này có một trong những “việc phải làm” trong nhiệm kỳ mới này?

- Không thể đánh giá chung vai trò CĐ “mờ nhạt” ở khu vực các doanh nghiệp mà chỉ là một số ít. Trên thực tế nhiều doanh nghiệp có hoạt động CĐ rất tốt như: Công ty CP May Vĩnh Tiến, Công ty CP SXKD Xuất nhập khẩu, Công ty TNHH Tỷ Xuân,…

Tuy nhiên, từng lúc từng nơi ở một số doanh nghiệp vẫn còn xảy ra tranh chấp LĐ do quyền lợi người LĐ chưa được thực hiện đầy đủ, nhưng tổ chức CĐ đã phối hợp các ngành chức năng can thiệp, giải quyết thỏa đáng quyền lợi 2 bên: doanh nghiệp và người LĐ.

Việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên, người LĐ không phải là “việc phải làm” mà là chức năng nhiệm vụ CĐ có tính “bẩm sinh”.
 

Để làm tốt hơn chức năng “chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho người LĐ” trong thời gian tới, theo tôi: Các cấp CĐ cần thực hiện tốt hơn chức năng đại diện chăm lo, quyền lợi ích cho người LĐ, tập trung những vấn đề bức xúc gắn liền với đời sống việc làm người LĐ như: nhà ở, nhà giữ trẻ, nơi sinh hoạt văn hóa, các chế độ chính sách, lương, thưởng, tiền công, thời gian làm việc, nghỉ ngơi, BHXH, BHYT… đúng theo luật định.

Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ CĐ cấp trên và cơ sở ở các doanh nghiệp và công nhân trẻ, nữ. Tạo điều kiện về thời gian, kinh phí cho công CNLĐ được học tập nâng cao trình độ mọi mặt. Song song đó phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nhất là tuyên truyền pháp luật cho người LĐ mà tập trung là CNLĐ khu vực ngoài nhà nước.

Phối hợp các ngành chức năng tuyên truyền, giám sát thực hiện pháp luật LĐ, Luật CĐ cho các chủ sử dụng LĐ để thực hiện tốt và chăm lo tốt cho CNLĐ, tạo điều kiện cho CĐ hoạt động, giúp cho doanh nghiệp ngày càng phát triển. Để CNLĐ nắm và chấp hành pháp luật và cũng để “tự bảo vệ mình” bằng pháp luật, tránh đấu tranh tự phát, sai pháp luật.

Song song đó, không ngừng đổi mới hình thức, nội dung, phương pháp hoạt động CĐ; tổ chức nhiều mô hình hoạt động thiết thực gắn với lợi ích, phù hợp với nguyện vọng của người LĐ như chương trình “Mái ấm công đoàn”, hỗ trợ người LĐ bệnh hiểm nghèo, khó khăn, những lợi ích khác cho đoàn viên CĐ… để thu hút người LĐ tự nguyện gia nhập tổ chức CĐ. Từ đó, giúp tổ chức CĐ thực hiện tốt chức năng chăm lo, bảo vệ quyền lợi ích chính đáng cho người LĐ.

*Xin cảm ơn ông.

DUY UYÊN (thực hiện)