NGHỊ ĐỊNH 94/2012/NĐ-CP VỀ SẢN XUẤT VÀ KINH DOANH RƯỢU CÓ HIỆU LỰC:

Người sản xuất, kinh doanh rượu vẫn “bình thường”

Cập nhật, 06:46, Thứ Năm, 10/01/2013 (GMT+7)


Theo NĐ, các cá nhân sản xuất rượu thủ công truyền thống cũng phải đăng ký

Nghị định 94/2012/NĐ-CP của Chính phủ, ngày 12/11/2012 (NĐ 94) quy định tổ chức, cá nhân sản xuất rượu phải có giấy phép và sản phẩm rượu dán nhãn mác, chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/2013. Song, sau một tuần NĐ 94 có hiệu lực, tại các lò nấu thủ công “rượu vẫn chảy” và ở các quán nhậu, rượu không nhãn mác vẫn tràn lan.

Người nấu “rượu quê” vẫn chưa biết

Nghề nấu rượu đã có từ lâu và hiện nhiều người xem đây là nghề cho thu nhập khá ổn định. Rượu nấu thủ công theo truyền thống từ nếp, gạo nên rất được ưa chuộng. Song, thời gian gần đây, vì lợi nhuận, không ít người nấu rượu kiểu “siêu tốc” không đảm bảo chất lượng và cũng không rõ nguồn gốc… ảnh hưởng đến người uống lẫn người nấu rượu chân chính.

NĐ 94 ra đời nhằm khống chế tệ “nấu” rượu dỏm, không rõ nguồn gốc. Song, khi NĐ có hiệu lực hơn tuần nay, vẫn còn những người nấu rượu không hay biết... và vẫn nấu rượu bình thường.

Hiện vào mùa tết, lượng nấu rượu tăng dần đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Anh Quy (An Bình) cho biết: Tôi không biết chuyện người nấu rượu phải có giấy phép và rượu phải có nhãn mác. Gia đình từ trước đến nay nấu rượu trắng theo truyền thống bằng gạo, còn dịp tết có thêm rượu nếp ngon hơn.

Hiện rượu của gia đình bỏ mối cho các quán nhậu trong ngoài xã. Tôi nghĩ, gia đình nấu rượu nhỏ lẻ, bán ở nông thôn cũng không cần đăng ký, nhãn mác… Còn chị Hoa (Hòa Ninh) nấu rượu với số lượng khá lớn. Hàng ngày, chị cung cấp hàng chục lít rượu trắng cho các quán nhưng cũng vẫn “2 không” (không giấy phép, không nhãn mác).

Chị Hoa bảo: “Gia đình ít vườn đất, làm nghề nấu rượu để lời bã hèm nuôi heo. Tôi cũng chưa nghe chuyện nấu rượu phải đăng ký giấy phép và rượu phải có dán nhãn mác. Nếu có, gia đình sẽ làm đúng theo quy định”.

Anh Tài (Phú Đức) nấu rượu đã khá lâu và được nhiều người biết. Chủ yếu anh Tài nấu rượu cho các đám tiệc trong và ngoài xã. Khi nhắc đến NĐ 94, nấu rượu phải có giấy phép, nhãn mác, anh tỏ ra xa lạ: “Rượu của gia đình nấu từ gạo, men tự làm chất lượng thì cần gì nhãn mác, người ta cũng mua uống. Nấu rượu ở quê đa phần lấy lời nuôi heo”.

Rượu không nhãn mác tràn lan

Tuy NĐ 94 có hiệu lực, nhưng dạo một vòng các quán nhậu và cả các nhà hàng lớn trong tỉnh, vẫn thấy tràn lan rượu không nhãn mác, buôn bán bình thường.

Tại một quán nhậu bình dân ở Phường 8, chiều đến rất đông khách, chủ phải xếp bàn lấn ra vỉa hè. Đa phần khách của quán là lao động phổ thông nên rượu đế được “ưu tiên” lựa chọn. Rượu đế chiết ra từ can nhựa lớn 20 lít, đem ra bàn, khách cứ vô tư “trăm phần trăm” mà không để ý tới nhãn mác.

Tôi hỏi xuất xứ của rượu, được chủ quán cho biết “người quen bỏ mối, rượu rất chất lượng”. Ngay lúc đó, có người đến cung cấp rượu. Anh ta “nổ”: “Gia đình mỗi ngày nấu vài chục ký gạo, rượu rất ngon, uống say không nhức đầu…” Tôi nhìn ra xe gắn máy của anh, thấy chở 5 can nhựa (can 20 lít)… Để có được 7 lít rượu gạo, nếp phải có 10kg gạo, nếp vậy để có cả trăm ít rượu thế này thì sao chỉ nấu vài chục ký gạo?

Tại nhiều quán nhậu ở Vĩnh Long, nơi nào cũng trưng bày hàng chục loại rượu. Đặc biệt là rượu ngâm động- thực vật quý hiếm như: hải mã, rắn hổ, ngọc dương, chuối hột… trông rượu có màu nâu vàng rất bắt mắt, giá vài chục ngàn đồng/xị.

Anh bạn tôi rất “sành điệu” bật mí, “động- thực vật ngâm trong keo đều cũ, chỉ có rượu trong quán là… mới”. Dân nhậu gọi vui rượu “châm ngày châm đêm”, bởi hết là đổ rượu khác vào. Còn chất lượng rượu thì chỉ mấy người uống mới biết… hậu quả.

Ở nông thôn, khi có đám tiệc người dân cũng thường đặt rượu trắng và tiêu thụ với lượng lớn, có khi lên đến cả trăm lít. Theo những dân nhậu, rượu trắng hay rượu ngâm đều khó phát hiện rượu dỏm. Chỉ uống theo cảm nhận và “hên xui” mà thôi…

Một số người tính toán giá thành 1 lít rượu trắng từ 15.000- 17.000đ, nhưng hiện ở nông thôn bán ra chỉ 12.000- 13.000 đ/lít thì làm sao có lời? Gần đây, có thông tin một số người chế biến rượu “siêu tốc”, với 1 “viên thuốc” của Trung Quốc pha với nước lã lấy từ sông rạch là có thể cho ra 20 lít rượu trắng (!?)

Theo Viện Chiến lược và Chính sách y tế thì mức tiêu thụ rượu người Việt là 3,9/lít/năm, cao gấp 2- 3 lần bình quân chung thế giới. Lạm dụng rượu dẫn đến nhiều hệ lụy như bệnh tim, gan, tiêu hóa… Còn uống nhầm rượu dỏm thì tác hại về sức khỏe khôn lường. Tính trong năm 2012, ngộ độc rượu nước ta chiếm 3,5% và số người tử vong chiếm 26% trên số người ngộ độc thực phẩm nói chung.

NĐ 94 ra đời là kịp thời, đúng đắn, làm cho thị trường rượu lành mạnh hơn. Tuy nhiên để NĐ 94 đi vào cuộc sống, cần tuyên truyền sâu rộng, ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Theo Nghị định 94 thì người sản xuất rượu thủ công đăng ký giấy phép ngay tại Phòng Công thương quận- huyện. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định về sản xuất, kinh doanh rượu tùy mức độ vi phạm mà xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Bài, ảnh: HOÀI NAM