“Kỹ sư làng” mê làm cầu treo

Cập nhật, 15:06, Thứ Bảy, 26/05/2012 (GMT+7)

Màn đêm buông xuống, trong túp lều tạm của đội thi công cầu Bạch Đằng (TP Vĩnh Long), người đàn ông 50 tuổi ngồi gãy đàn tình tang cho các công nhân hát, có khi “ngẫu hứng” hát say sưa như ca sĩ. Tìm hiểu mới biết đó là “vua cầu treo” miệt An Giang, người đã thi công hàng loạt cây cầu treo vùng ĐBSCL trong những năm gần đây. Và “bén duyên” với Vĩnh Long lần này, ông ghi dấu ấn bằng chiếc cầu treo Bạch Đằng nối đôi bờ Phường 1 với Phường 5.

Duyên nợ với... cầu treo

Ở một xã vùng quê nghèo, đi lại khó khăn do kinh rạch chằng chịt, chắc nhờ vậy mà duyên đưa đẩy ông Phạm Ngọc Quý (Sáu Quý) thành “kỹ sư làng”. Niềm khát khao mơ ước bắc cầu cho bà con đã hiện hữu từ con người Sáu Quý từ rất lâu. Năm 1995, khi xem ti vi thấy cây cầu dây văng kiểu xưa của Pháp, ông tự hỏi sao mình không đem mô hình này làm thử. Nghĩ là làm, Sáu Quý tự tay vẽ bảng thiết kế và thi công luôn. Cầu ngang Kinh 13 gần nhà (rộng 1m, dài 30m), kinh phí do người dân đóng góp 2 triệu đồng, người nào không có tiền thì góp gỗ, góp công sức. Năm sau, Sáu Quý tiếp tục được mời thi công cầu liên xã- nối liền xã Đào Hữu Cảnh và Bình Phú (Châu Phú– An Giang). Lần này, cũng thành công ngoài mong đợi với chiếc cầu lớn hơn nhiều lần (dài 38m, rộng 2m), số tiền người dân đóng góp đến 38 triệu đồng. Cũng được lót gỗ, treo võng nhưng treo toàn cầu (giống như cầu Bạch Đằng ở Vĩnh Long nhưng trụ nằm trên bờ) ông thiết kế vậy là để “cắm trụ không bị hụt chân” và thông thuyền dễ dàng,...

Ghi dấu ấn ở Vĩnh Long bằng chiếc cầu treo từng là mơ ước của người dân địa phương.


Đến khi thấy cầu Mỹ Thuận, Sáu Quý nghiệm ra một điều “đây chính là cây cầu mà người đồng bằng ưu ái nhất nên… chọn làm mẫu cho tới bây giờ”.

Và từ đó, những cây cầu nối tiếp nhau xuất hiện. Sáu Quý tâm sự, mình thường khó ngủ, nên tranh thủ lúc đó tính toán. Nghĩ tới từng đồng tiền mà người dân đổ mồ hôi, đóng góp làm cầu, vì thế mỗi cây cầu ông làm đều được “cân đong đo đếm” rất kỹ nên kinh phí xây dựng thấp hơn nhiều so với giá trị thiết kế ban đầu. Phần lớn cầu do nhân dân đóng góp, rồi người dân bàn tính liên hệ mua vật tư, giám sát công trình và nghiệm thu luôn.

Sáu Quý cho biết, làm cầu được một thời gian thì Sở Giao thông Vận tải An Giang thuê Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh về thẩm định cầu Kinh 2 và Kinh 7 ở huyện Châu Phú. Thẩm định đạt yêu cầu nên ngay sau đó, ông lãnh thêm 14 cây cầu ở huyện Tân Châu nữa.

Xây cầu từ thiện nên lúc đầu, nhân công cũng chỉ ăn cơm, không tính công, hễ rảnh việc nhà thì tham gia xây cầu. Nhưng càng về sau, nhiều nơi hợp đồng nên Sáu Quý bắt đầu nhận khoán thi công với giá rẻ để “lấy tiền trả lương cho anh em nuôi vợ con”. Sáu Quý nhẩm tính, từ ngày bắt đầu làm cầu tới giờ, ông làm được khoảng 150 cây, trong đó làm “ăn cơm” 50 cây (không tính tiền công). Về nhân công làm cầu, ông cũng “hốt ngang”– không yêu cầu bằng cấp vì ông luôn trực tiếp chỉ việc và thi công cùng họ.

Cầu nhỏ ở nông thôn, ông thường tận dụng trụ điện cũ (thay cho trụ gỗ). Còn cầu lớn (như cầu Phú Vĩnh, dài 110m, vốn đầu tư 1,8 tỷ đồng) thì mua cột điện mới. “Lúc đầu công ty hổng dám bán cột điện vì sợ lỡ có gì mang tiếng. Nhưng tham quan thấy cột cũ mà ngon lành vậy thì cột mới lẽ nào lại không được, nên sau đó mới chịu”.

Thường thì không bằng cấp sẽ khó lãnh công trình, riêng với Sáu Quý thì mỗi cây cầu như một sự khẳng định mình trong lòng người dân. Sáu Quý còn ghi nhớ lời của Chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn khi “bảo lãnh” ông đứng ra làm cầu Phú Vĩnh: “Sáu Quý đứng ra làm mà không thành công thì tui xin từ chức”. Từ khi bắc thành công cầu này, cái tên Sáu Quý lại vang xa hơn và được người dân tin tưởng, nhiều nơi mời được ông đến làm cầu là rất quý.

“Vua cầu treo” đam mê sáng tạo

Ông Sáu Quý có dáng người nhỏ nhắn, nước da ngăm, tóc dài bới sau đầu nhìn như nghệ sĩ nên ít ai ngờ là “vua cầu treo” ở huyện Châu Phú- tỉnh An Giang và càng khó mà ngờ được ông chỉ học… lớp 2 trường làng. Ông tâm sự: “Hồi nhỏ tui mê học nhưng nhà không có điều kiện”. Không được đào tạo chuyên môn, gia đình cũng không ai là “ông tổ” trong ngành xây dựng, nhưng bù lại, con người ông có niềm đam mê sáng tạo, tinh thần tự học hỏi, nhiều ước mơ,...

“Vua cầu treo” xông xáo trên công trình.

Năm 1990, Sáu Quý lập gia đình, ra riêng với 5 công ruộng. 6 năm sau, ông mua thêm… 50 công nữa, liền kề với 5 công đất cũ. Sáu Quý thú thật: “Nghĩ lại thì không biết hồi đó làm sao mà mua được?” Nói vậy, chứ ông luôn tranh thủ mùa nước làm ruộng, mùa khô thì làm rẫy và chế ra máy móc để thay thủ công như: máy suốt đậu xanh, rồi mua máy cạp bắp ở Tân Châu đi làm mướn...

Tâm sự một cách chân thành, Sáu Quý nói hồi nhỏ còn khờ lắm, đi chợ xa chút không dám đi, “nên hổng có ước mơ gì hết trơn”. Lớn hơn chút thì mới có nhiều ước mơ. Dường như gặp những gì khó khăn thì Sáu Quý lại càng muốn chinh phục. Hồi đó, gặp người ta có máy cày thì cũng ham, gặp xáng cạp thì ước mơ chế được xáng cạp. Cái gì mà thấy người dân làm cực nhọc thì ông đều nghiên cứu máy, ý tưởng của ông rất phong phú như muốn khám phá mọi thứ.

Có nhiều người thắc mắc hỏi sao vẽ được cây cầu mà làm? Ông nói “từ thực tế, nghiệm ra từ từ”. Rồi có lúc thấy máy gặt liên hợp mê quá, định làm theo vì chưa thấy máy nào cắt được đất sình, lúa ngã, nhưng sau đó máy của Nhật, Trung Quốc làm được thì mới bỏ ý tưởng. Còn hiện tại “ở nhà tui đang làm mô hình trực thăng, làm sườn rồi, còn kỹ thuật về động cơ cũng như dụng cụ làm phải có nhôm hộp kim mới có nên đang tìm cách...”

Nói về “sự nghiệp cầu treo” của mình, Sáu Quý cho biết, ông đang nghiên cứu kỹ thuật treo bê tông, “khi vẽ ra được công nhận sẽ… làm liền” vì cầu bê tông đúng kỹ thuật tuổi thọ sẽ kéo dài cả trăm năm,...

Dường như điều thú vị ở con người đặc biệt này còn là ở cái chất nghệ sĩ, niềm đam mê sáng tạo, tinh thần ham học hỏi với bất cứ điều gì trong đời sống thường ngày. Nhiều người yêu mến gọi ông là “kỹ sư làng”, “vua cầu treo”,... bởi những gì mà ông làm và cống hiến, nhưng những ai từng gặp, từ hình dáng, cho tới điệu đàn, lời ca của Sáu Quý đều gợi lên trong họ bóng dáng của một nghệ sĩ đậm chất người miền Tây sông nước.

Phạm Ngọc Quý đã nhận được rất nhiều bằng khen của UBND tỉnh An Giang, bằng khen của Bộ Giao thông Vận tải, của Thủ tướng Chính phủ và là đại biểu của tỉnh An Giang tham dự Đại hội Thi đua toàn quốc năm 2000,...

Ông vừa thành lập DNTN Phạm Ngọc Quý vào cuối năm 2011 để lãnh hợp đồng sẽ dễ dàng hơn. Tuy vậy, ông cho biết, vẫn sẽ tiếp tục làm từ thiện, “chỗ khó khăn thì mình giúp, còn chỗ nào có đầu tư đủ kinh phí thì lấy một phần để trả lương cho anh em công nhân”.


Bài, ảnh: T.ANH -T.HIỀN