Phải sớm giữ chân HLV Park Hang-seo

Cập nhật, 09:21, Thứ Tư, 12/06/2019 (GMT+7)

Kế hoạch phát triển dài hơi cho tuyển Việt Nam và U23 do chính HLV Park Hang-seo xây dựng đang đi đúng quỹ đạo là cơ sở để VFF sớm ngồi vào bàn thương thảo gia hạn hợp đồng với HLV người Hàn Quốc

Đánh bại đội tuyển Thái Lan ngay trên sân khách ở King’s Cup 2019, trước đó 2 tháng là chiến thắng 4-0 của U23 Việt Nam cũng trước đối thủ này, HLV Park Hang-seo đã dẹp tan những hoài nghi cuối cùng của người yêu bóng đá Việt Nam về năng lực cầm quân của ông.

Chính vì vậy, ngay sau khi tuyển Việt Nam trở về nước, dư luận quan tâm đến việc "khi nào thì VFF sẽ bàn đến việc tái ký hợp đồng với HLV Park Hang-seo?".

Với những gì HLV Park Hang-seo đã làm cho bóng đá Việt Nam trong gần 20 tháng qua, có lẽ VFF không cần phải thăm dò thêm mới tính chuyện giữ chân chiến lược gia người Hàn.

Trên phương diện đội tuyển quốc gia sau gần 11 năm kể từ khi trận chung kết lượt đi AFF Cup 2008, đội tuyển Việt Nam mới lại khuất phục được Thái Lan ngay trên sân của đối thủ sau chiến thắng 1-0 ở King’s Cup 2019. Ở cấp độ U23, người Thái liên tục "làm trùm" khu vực 6 năm trở lại đây.

Nhưng khi đối đầu với đội bóng do thầy Park dẫn dắt, U23 Thái Lan thảm bại 0-4 trong một trận đấu hoàn toàn lép vế, lại mất người vì hành vi bạo lực phản cảm.

Dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang-seo, các đội tuyển Việt Nam vượt Thái Lan về thành tích chung lẫn ở các lần đối đầu trực tiếp Ảnh: Đức Anh
Dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang-seo, các đội tuyển Việt Nam vượt Thái Lan về thành tích chung lẫn ở các lần đối đầu trực tiếp Ảnh: Đức Anh

Hai chiến thắng liên tiếp trước các cấp độ cao nhất của Thái Lan trong vòng 3 tháng cho thấy dấu ấn của HLV Park Hang-seo nằm ở khía cạnh chuyên môn, chứ không phải từ sự may mắn.

Nên nhớ dưới triều đại "phù thủy" Henrique Calisto, tuyển Việt Nam từng thắng Thái Lan ở AFF Cup 2008 tại Bangkok nhưng 1 năm sau cũng chỉ hòa lứa U23 tại SEA Games 2009.

Còn dưới sự dẫn dắt của ông Park, đội Thái bất lực hoàn toàn, kể cả khi phải phô diễn hết tiểu xảo, áp dụng cả lối chơi bạo lực chỉ để ngăn đội tuyển Việt Nam chiến thắng. Từng đấu pháp, con người đều được nhà cầm quân người Hàn Quốc sử dụng hợp lý nhất, qua đó chấm dứt nỗi sợ hãi với đối thủ lớn nhất khu vực suốt nhiều năm liền.

Trong bối cảnh đầy ắp thành tích ấn tượng kéo dài từ Giải U23 châu Á 2018, ASIAD 2018, AFF Cup 2018 cho đến Asian Cup 2019, từng có những ý kiến cho rằng VFF khoan gia hạn hợp đồng sớm với thầy Park bởi cần phải kiểm chứng rằng nhà cầm quân người Hàn Quốc có duy trì được một kế hoạch phát triển dài hơi cho bóng đá Việt Nam hay không.

Chính VFF cũng lưỡng lự khi được hỏi về việc khi nào sẽ ngồi vào bàn đàm phán với HLV Park Hang-seo, vì theo đúng luật, cả hai bên sẽ kết thúc hợp đồng vào tháng 1-2020 thì đến tháng 10-2019 ngồi đàm phán vẫn được.

Tuy nhiên, không ai biết trong 7 tháng tới đây, liệu các đội tuyển của khu vực hay châu lục có nhắm đến việc lôi kéo nhà cầm quân tài năng này hay không?

VFF không thể cứ chần chừ. Nhiều ý kiến cho rằng cứ chờ đến hết lượt trận đầu tiên của vòng loại World Cup 2022, từ đó làm cơ sở đàm phán với HLV Park Hang-seo.

Như vậy, việc thỏa thuận về lương bổng, tiền thưởng sẽ "dễ thở" hơn cho VFF. Tuy nhiên, những gì thầy Park đã làm được ở King’s Cup sẽ dự báo càng sát giờ ngồi lại với nhau, nguy cơ tiền lương tăng vọt sẽ càng lớn, cần phải thật cẩn trọng.

Nếu không giữ HLV Park bằng một bản hợp đồng hậu hĩnh, chế độ đãi ngộ đầy đủ, bóng đá Việt Nam có thể đối mặt nguy cơ mất tướng giỏi, bởi LĐBĐ Thái Lan, Malaysia hay Indonesia cũng rất khao khát được sở hữu nhà cầm quân cá tính này.

Cần nhắc lại là nhiều năm qua, Thái Lan, Indonesia hay Malaysia chưa bao giờ tiếc tiền chiêu mộ HLV nổi tiếng, với mặt bằng lương cao hơn rất nhiều so với các nhà cầm quân ngoại từng đến Việt Nam, thậm chí 1 triệu USD/năm! 

Ông Alexandre Gama đã xin từ chức HLV trưởng U23 Thái Lan sau thất bại 0-1 trước chủ nhà Singapore tại chung kết Merlion Cup 2019 diễn ra hôm 9-6. Trước đó, thầy trò HLV Gama cũng vất vả vượt qua U23 Indonesia với tỉ số 2-1 ở bán kết.

Theo NLĐO