Lấy thành công này làm tiền đề phát triển bóng đá

Cập nhật, 09:20, Thứ Tư, 07/02/2018 (GMT+7)

Chưa thể lạc quan cho rằng với ngôi á quân U.23 châu Á 2018, bóng đá Việt Nam đã sang một trang mới. Thành công ở một giải đấu chắc chắn có những tiền đề từ thực tại nền bóng đá, nhưng đó không phải là tất cả.

Công Phượng trong trận thắng U23 Iraq tại vòng tứ kết U23 châu Á 2018
Công Phượng trong trận thắng U23 Iraq tại vòng tứ kết U23 châu Á 2018

Còn nhớ, khi đội tuyển bóng đá quốc gia giành được huy chương bạc SEA Games 18 (năm 1995), đội U.16 lọt vào bán kết giải U.16 châu Á (năm 2000), đội tuyển quốc gia lọt vào tứ kết giải vô địch châu Á (năm 2007) và giành được chức vô địch Đông Nam Á (năm 2008), nhiều người đã từng hào hứng nói rằng bóng đá Việt Nam đã bước sang một giai đoạn mới, bắt đầu tiến lên đỉnh cao của khu vực và vươn tầm châu lục.

Nhưng thực tế thì mọi thứ sau đó không được như mong đợi. Do vậy, chưa thể lạc quan cho rằng với ngôi á quân U.23 châu Á 2018, bóng đá Việt Nam đã sang một trang mới.

Thành công ở một giải đấu chắc chắn có những tiền đề từ thực tại nền bóng đá, nhưng đó không phải là tất cả. Trên thực tế, các yếu tố mang tính nền tảng của một nền bóng đá nước ta vẫn còn những điều chưa ổn.

Đừng vì thành công vang dội của đội tuyển U.23 mà bỏ qua các vấn đề nội tại của nền bóng đá nước nhà. Mà phải lấy thành công này làm một tiền đề quan trọng để tạo đà phát triển vững vàng cho bóng đá Việt Nam.

Phải tránh tâm lý coi tài năng của huấn luyện viên Park Hang-seo như một chiếc đũa thần có thể biến hóa tất cả, kể cả từ không thành có.

Cần tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo cầu thủ trẻ để có thêm nhiều “lò” quy củ và chất lượng, có thể đào tạo được nhiều lứa cầu thủ có năng lực và phẩm chất tốt.

Nâng cao chất lượng các giải vô địch quốc gia, từ giải chuyên nghiệp cho đến các giải trẻ, tạo môi trường thi đấu lành mạnh, trong sáng nhưng có tính cạnh tranh cao, trên tinh thần phục vụ khán giả và vì sự phát triển của nền bóng đá nước nhà.

Hài hòa giữa việc thu hút cầu thủ giỏi nước ngoài và sự tham gia của các cầu thủ trẻ, giữa đóng góp của cầu thủ với thu nhập của họ, giữa hoạt động kinh doanh và hoạt động thể thao của các câu lạc bộ.

Nâng cao thành tích thi đấu của các đội tuyển ở các giải khu vực và châu lục, tiến dần đến các giải thế giới, với lộ trình và giải pháp phù hợp, chứ không phải đề ra cho có như trước đây đã từng làm.

Trách nhiệm trước hết thuộc về Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, sau đó là Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, sau nữa là các liên đoàn tỉnh - thành và các câu lạc bộ.

Các vấn đề về nội bộ, về tranh giành ảnh hưởng, quyền lợi… cần được xử lý triệt để để xây dựng được các bộ máy điều hành có trách nhiệm, có tâm huyết, có năng lực phát triển nền bóng đá nước nhà trong vài năm tới.

Theo SGGPO