Euro của những bàn thắng muộn

Cập nhật, 22:09, Chủ Nhật, 19/06/2016 (GMT+7)

Những bàn thắng muộn đang đẩy cảm xúc của VCK Euro 2016 lên đỉnh điểm, giữa một nửa bao trùm nỗi thất vọng bởi “cái chết đau đớn” vào giờ chót trong khi nửa kia vỡ òa trong hạnh phúc.

Niềm vui của Payet khi giúp tuyển Pháp “kết liễu” được Albania - Ảnh: Reuters
Niềm vui của Payet khi giúp tuyển Pháp “kết liễu” được Albania - Ảnh: Reuters
 

Theo thống kê của Tuổi Trẻ, đã có 42 bàn thắng được ghi sau 19 trận đầu tiên của VCK Euro 2016 tính đến hết ngày 17-6 (giờ Pháp). Trong đó có khá nhiều bàn thắng muộn được ghi trong khoảng thời gian từ phút 80-89 và những phút bù giờ.

Cụ thể có 14 bàn được ghi sau phút 80 (chiếm hơn 33% tổng số bàn thắng). Và con số này là 8 bàn ở những phút bù giờ (nhiều gấp đôi so với 4 bàn trong cả VCK Euro 2012), chiếm hơn 19% tổng số bàn thắng. Đa số bàn thắng muộn này đều mang ý nghĩa “kết liễu” đối thủ. Mới đây nhất, tuyển Ý phải nhờ đến “siêu phẩm” ở phút 87 của Elder mới hạ được Thụy Điển với tỉ số tối thiểu 1-0. Trong khi đó, CH Czech cần pha lập công phút 90+3 của Necid mới giữ lại được 1 điểm trước Croatia (hòa 2-2).

Nhưng cao trào cảm xúc đối với người hâm mộ VN là pha lập công ở phút 90+2 của Sturridge giúp tuyển Anh lội ngược dòng thắng nghẹt thở 2-1 trước Xứ Wales. Trước đó, tuyển Anh từng phải vào vai “nạn nhân” bị Nga gỡ 1-1 ở phút 90+2. “Sự tráo trở” của quả bóng Beau Jeu đang lăn trên sân cỏ nước Pháp khiến ranh giới niềm vui và nỗi buồn trở nên mong manh.

Vì sao lại có nhiều bàn thắng được ghi khi trọng tài đã đếm ngược đồng hồ?

Đầu tiên, do số đội dự Euro tăng từ 16 lên 24 đội nên cơ hội vào vòng 16 đội được mở rộng với 2 đội đứng đầu mỗi bảng và 4 đội hạng 3 có thành tích tốt nhất. Như vậy chỉ có 8 đội (chiếm tỉ lệ chỉ 25%) bị “rơi đài” từ vòng bảng. Và dĩ nhiên không ai muốn mình nằm trong “thiểu số” này. Đó là động lực cho các đội quyết tâm hơn để có chiến thắng, chí ít là phải hòa. Và nếu có thua, họ cũng vắt đến giọt mồ hôi cuối cùng trong việc tìm cách ghi bàn để có hiệu số phụ tốt trong việc tranh 4 suất vé vớt dành cho các đội hạng 3.

Cũng từ lý do trên, lối chơi phản công có nhiều “đất dụng võ” bởi nỗ lực ghi bàn ở những phút cuối sẽ khiến hàng thủ các đội lỏng lẻo phần sân nhà. Cụ thể, 3 trong 8 bàn thắng ở những phút bù giờ từ đầu giải đến nay đã diễn ra theo kịch bản như thế.

Ví dụ điển hình là trận Ý thắng Bỉ 2-0. Ý rất “già đời” nên dù phải gồng mình chịu áp lực nhưng đã “kết liễu” đối thủ bằng hai pha phản công kinh điển. Nhất là ở tình huống 90+3, khi Bỉ dồn gần hết nhân lực sang phần sân Ý tìm bàn gỡ, tuyển Ý đã trừng phạt đối thủ với đường phản công sắc lẹm và kết thúc bằng cú vôlê đẹp mắt của Graziano Pelle.

Kế đến là việc có 5 đội bóng lần đầu tiên tham dự VCK Euro 2016. Các đội bóng này thường không đủ bản lĩnh chịu áp lực ở sân chơi quá lớn. Do đó, đa số bàn thắng muộn đều do các đội bóng lớn ghi vào lưới các đội bóng “tân binh”.

Thất bại của tuyển Albania là điển hình cụ thể nhất. Dù khiến chủ nhà Pháp vất vả với lối đá tử thủ rất khó chịu, nhưng lối chơi này cũng khiến các cầu thủ Albania kiệt sức sau 90 phút bị dồn ép. Trong thế phải rượt đuổi đối thủ để phá bóng giải vây, chỉ thoáng sơ sẩy của các cầu thủ Albania, Pháp đã ghi liên tiếp hai bàn thắng do Griezmann (phút 90) và Payet (phút 90+6).

Và sẽ thiếu sót nếu không đề cập đến sự tỏa sáng của những cá nhân. Giá trị của các ngôi sao thường được thể hiện ở những thời điểm khó khăn nhất của đội nhà và gây bất ngờ nhất cho đối thủ. Đó là Payet, người giúp tuyển Pháp trở thành đội đầu tiên vượt qua vòng bảng nhờ những bàn thắng muộn, hay Elder - người đã có siêu phẩm giúp Ý thắng 1-0 trước Thụy Điển...

Payet và McGinn cùng giữ kỷ lục

Payet (Pháp) và McGinn (người đã ấn định chiến thắng 2-0 cho Bắc Ireland trước Ukraine ở phút 90+6), đang giữ kỷ lục ghi bàn muộn nhất ở giải năm nay. Trước đó, Payet đã ghi bàn ở phút 89 giúp Pháp đá bại Romania 2-1 trong ngày ra quân.

Theo TTO