"Sân sau"

Cập nhật, 08:37, Thứ Năm, 29/10/2015 (GMT+7)

Ngày trước, chuyện cầu thủ lấn sang những lĩnh vực ngoài bóng đá còn hiếm hoi. Có chăng, những ai điển trai và nổi tiếng thì quảng cáo, đóng phim…

Còn nay, người ta không hề ngạc nhiên khi thấy một cầu thủ ngoài sân bóng còn có “sân sau” thêm thu nhập.

Nói về nghề tay trái của giới cầu thủ, có lẽ tất cả sẽ gói gọn trong 2 chữ: Đa dạng. Đó là bởi khó ai ngờ được làng túc cầu ngày một có nhiều ngôi sao được trả lương tháng bởi những CLB nhưng lại đường hoàng trở thành ông chủ của một loại hình kinh doanh nào đó.

Phần lớn cầu thủ kinh doanh gần với nghề nghiệp của mình như Anh Đức kinh doanh dụng cụ thể dục thể thao; thủ môn Thế Anh kinh doanh sân cỏ nhân tạo.

Nhưng cũng có nhiều cầu thủ “đá” sang lĩnh vực hoàn toàn khác với nghề nghiệp thường ngày. Mạnh Tú mở một tiệm bánh cuốn, cửa hàng ăn uống; cầu thủ xứ Tháp Mười Văn Nghĩa là ông chủ cơ sở sản xuất nước uống tinh khiết; Tấn Tài làm ông chủ “nhà xe” vận tải hành khách.

Phùng Văn Nhiên, Nguyễn Thành Long Giang thì làm nông. Người trồng cao su, hồ tiêu, người trồng nấm…

Ngay cả 3 “Quả bóng vàng” đứng ra mở quán kinh doanh là Công Vinh, Hồng Sơn và Thành Lương.

Tuy nhiên, thực tế hầu như những cầu thủ “có sân sau trái ngành” không mấy thành công. Bởi lẽ chỉ có tên thương hiệu chưa đủ để thành công, những “ông chủ” cần gắn nhiều hơn với ngành nghề của mình mới hiệu quả. Cả 3 “Quả bóng vàng” kinh doanh ăn uống sau thời gian đều thưa dần khách vì ông chủ lo đi đá bóng, “khoán trắng” cho nhân viên nên cửa hàng vắng khách dần.

Sự thành công nghiệp kinh doanh của Anh Đức không chỉ do kinh doanh mặt hàng gắn với thương hiệu tên tuổi của mình, Anh Đức còn thường xuyên “đứng quầy” bán hàng cho khách. Bên cạnh, gia đình Anh Đức có truyền thống kinh doanh. Do vậy, các cầu thủ quần đùi áo số thành công không dễ ở “sân sau”. 

YÊN KHÁNH