Lo ngại vấn nạn nói tục trong lớp trẻ

Cập nhật, 04:45, Thứ Sáu, 04/08/2017 (GMT+7)

Xã hội hiện đại, đi kèm theo đó là những trào lưu rầm rộ của giới trẻ, có những trào lưu rất tích cực nhưng cũng có nhiều trào lưu tiêu cực ảnh hưởng đến cả một thế hệ tương lai. Nói tục, chửi thề không phải là một hiện tượng mới nhưng dường như chưa bao giờ phổ biến như hiện nay.

Rất đáng lo ngại

Nói tục, chửi thề đã có từ rất lâu đời. Ngày xưa, thường thấy hiện tượng này ở những thành phần ít học, lao động tay chân hay những người ra vẻ “xã hội đen”.

Tuy nhiên ngày nay, hiện tượng nói tục, chửi thề này rất đáng báo động khi nó lan sang cả những thành phần trí thức, học sinh- sinh viên và cả trẻ em.

Nói tục, chửi thề không phải chỉ thấy ở những hàng quán, bến xe, công viên như trước đây mà giờ nó được nâng cấp hiện đại hơn, chửi tục trên mạng xã hội, chửi nhau rồi quay clip tung lên mạng cho mọi người xem.

Nói tục, chửi bậy phát triển mạnh đến mức trên mạng có hẳn “cẩm nang” nói bậy, trong đó liệt kê rõ 5 mức bậy, từ cách dùng từ đệm, chửi theo tên bố mẹ, ông bà người khác, dùng từ ngữ chỉ chỗ kín của cơ thể đến chửi kết hợp…

Không những vậy, “cẩm nang” còn hướng dẫn cách phát âm các từ chửi bậy sao cho đạt giá trị biểu cảm cao nhất.

Trên facebook xuất hiện nhiều diễn đàn chửi tục với số lượng thành viên đông đảo như trang “Chửi thuê” có hơn 1,8 triệu người theo dõi, “Hội những người thích chửi bậy bằng tiếng Anh”, “Hội những người thích văng tục chửi bậy” có số lượng thành viên là hàng ngàn người.

Nói tục, chửi thề trở thành thói quen, thậm chí câu cửa miệng của giới trẻ. Trong thời đại mạng xã hội được sử dụng phổ biến, giới trẻ biến tấu những từ chửi tục bằng cách dùng chữ cái, chơi chữ, nói láy, dùng như “tiếng đệm” để tỏ ra mình sành điệu.

Ngẫu nhiên đi vào một tiệm chơi game sẽ bắt gặp nhiều bạn trẻ ngồi với đủ kiểu tư thế, tay ấn bàn phím phát ra âm thanh lớn rồi bình luận trò chơi bằng những từ ngữ vô cùng khiếm nhã. Nhưng các bạn trẻ này lại cho đó là vô cùng “bình thường”.

Đoàn Quang Tường (xã Trung Ngãi- Vũng Liêm) nói rằng: “Nhiều học sinh, đa phần là học sinh nam dùng những từ nói tục viết tắt như: vãi, dm, ml, vcl…

Cô Nguyễn Thị Thùy Linh (Phường 1- TP Vĩnh Long) cho biết: “Tôi rất ngạc nhiên khi coi clip nữ sinh vừa đánh nhau vừa văng tục chửi thề. Sốc hơn nữa là có cả clip trẻ em chỉ mới 6- 7 tuổi mà nói toàn những lời tục tĩu. Xã hội càng hiện đại, lẽ ra các cháu phải có văn hóa hơn chứ”.

Cần chấn chỉnh ngay

Hiện tượng nói tục, chửi bậy tràn lan khiến xã hội thêm ngổn ngang, kém phần văn minh, là tiền đề dẫn đến một xã hội ưa chuộng bạo lực.

Nguy hiểm hơn, khi người lớn có thói quen ứng xử tục tĩu, không theo khuôn thước thì sẽ tạo ảnh hưởng tiêu cực đối với sự phát triển của trẻ nhỏ.

Lối nói tục của người lớn sẽ hằn trong trí não của con trẻ, đeo đuổi chúng cho đến khi trưởng thành và có khả năng chi phối mạnh mẽ đến cách ứng xử trong tương lai, ảnh hưởng xấu tới quá trình hình thành nhân cách.

Cô giáo trẻ Nguyễn Yến Phượng (thị trấn Long Hồ) cho rằng, thời đại công nghệ thông tin có nhiều cái lợi nhưng cũng có không ít tiêu cực.

Việc uốn nắn các em phải bắt đầu từ mỗi gia đình, dạy trẻ con hành xử có văn hóa ngay từ bé. “Khi phát hiện con cái nói tục, gia đình phải điều chỉnh ngay và giải thích cho chúng hiểu đó là một thói quen xấu”- cô Phượng chia sẻ.

Chị Lan Anh (TP Vĩnh Long) bức xúc: “Bây giờ mấy đứa nhỏ nói chuyện với nhau chút xíu là có nói tục. Học sinh thì chửi thề thấy sợ luôn. Lên mạng thì không hiểu tụi nó nói với nhau bằng thứ ngôn ngữ gì, hỏi ra thì mới biết là những từ tục tĩu chửi nhau chơi như phong trào vậy. Thiệt hết nói nổi, cần chấn chỉnh ngay”.

Theo một chuyên gia xã hội học thì đã có sự nhầm tưởng về giá trị trong suy nghĩ của con người ngày nay. Nhiều người quan niệm bỗ bã, bặm trợn mới chứng tỏ là người dám ăn dám nói, biết làm chủ tình thế đồng thời thể hiện sự chịu chơi.

Trên thực tế, việc nói tục, chửi bậy chưa bị lên án đủ mức là bởi chúng ta quá quan tâm, đề cao những vấn đề vĩ mô, chú trọng rèn luyện lý tưởng, lẽ sống mà không thấy rằng, lẽ ra, trước tiên, cần phải bắt đầu từ việc uốn nắn hành vi nhỏ nhặt như lời ăn tiếng nói, thói quen ứng xử của từng cá nhân.

Trong chuyện nói tục, chửi bậy của giới trẻ, trách nhiệm thuộc về người lớn, các bậc cha mẹ trong gia đình, các thầy cô giáo trong nhà trường và những người tham gia quản lý xã hội.

Để giảm thiểu hiện tượng nói tục, chửi bậy thì gia đình, nhà trường cần có cách giáo dục phù hợp đối với trẻ. Trách nhiệm của các bậc cha mẹ hàng ngày là rèn con vào khuôn phép, từ cách ăn uống đến tác phong sinh hoạt, khuôn thước ứng xử.

Thầy cô giáo thực sự là những tấm gương mẫu mực, không nặng tính giáo điều mà cụ thể từng việc, từng người, uốn nắn ngay khi trẻ làm sai. Muốn trẻ tránh thói xấu thì người lớn phải tỏ thái độ làm gương, nói năng đúng mực.

YẾN- THÚY