Cùng "gỡ rối" cho hoạt động Đoàn ở cơ sở

Cập nhật, 06:19, Thứ Năm, 18/08/2016 (GMT+7)

Những năm gần đây, hoạt động Đoàn- Hội không ngừng được đẩy mạnh với nhiều phong trào thiết thực, phù hợp. Song thực tế hoạt động Đoàn ở cơ sở vẫn còn bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập như số lượng đoàn viên thanh niên (ĐVTN) ít, kinh phí hoạt động eo hẹp, thiếu đội ngũ cán bộ Đoàn,...

Làm thế nào để tháo gỡ những khó khăn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động Đoàn ở cơ sở đang là vấn đề trăn trở của các cấp bộ Đoàn.

Kỳ 1: Vắng bóng đoàn viên, khó tìm “thủ lĩnh”

Tập hợp đoàn viên thanh niên để sinh hoạt và vận động phong trào luôn được Đoàn các cấp quan tâm.
Tập hợp đoàn viên thanh niên để sinh hoạt và vận động phong trào luôn được Đoàn các cấp quan tâm.

Lo mưu sinh, không có ruộng đất hoặc thiếu tay nghề nên phần lớn ĐVTN nông thôn đều đi làm ăn xa hoặc làm công nhân ở khu công nghiệp. Số ĐVTN còn lại thì không mấy “mặn mà” với Đoàn- Hội. Đó là câu trả lời chung của cán bộ Đoàn cơ sở nói về thực trạng ĐVTN hiện nay tại nhiều địa phương.

 

Tập hợp ĐVTN...không dễ

Phó Bí thư Xã Đoàn Bình Phước (Mang Thít) Võ Hoàng Nguyên chia sẻ: Hiện nay, việc tập hợp ĐVTN tham gia vào tổ chức Đoàn- Hội và sinh hoạt rất khó khăn, bởi số ĐVTN còn lại ở địa phương rất ít.

Đó là tình trạng chung của Đoàn cơ sở hiện nay. Là khu vực nông thôn nhưng đa số đều thoát ly nông nghiệp đi làm ăn xa. Xã Đoàn có 135 ĐV và hơn 2.000 TN. Tuy quản lý số lượng ĐVTN nhiều nhưng việc tập hợp vào các phong trào còn nhiều khó khăn, chỉ khoảng 40% là thường xuyên tham gia.

Theo anh Nguyên, tình trạng trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó, nổi lên là nhiều TN rời quê đến các thành phố lớn làm ăn. Tình trạng thiếu ĐVTN dẫn đến không tổ chức sinh hoạt Đoàn định kỳ đang diễn ra phổ biến ở rất nhiều chi đoàn hiện nay.

Chia sẻ với chúng tôi về vấn đề này, Bí thư Xã Đoàn Tân Mỹ Ngô Thị Gành nói: Xã Đoàn có 10 chi đoàn ấp, trong đó, có 5 chi đoàn không tổ chức sinh hoạt được do chỉ còn 1- 2 ĐV. Còn lại 5 chi đoàn có tổ chức sinh hoạt nhưng phải kết hợp với chi hội cựu chiến binh. “Việc tập hợp ĐVTN khó thì làm sao đảm bảo chất lượng hoạt động được. Nếu có hoạt động cũng chỉ cầm chừng mà thôi”- chị Gành cho biết.

Tìm hiểu rõ hơn, chúng tôi tìm đến ấp Mỹ Định (xã Tân Mỹ). Bí thư Chi đoàn ấp- anh Nguyễn Thái Nhân cho biết: Xã Đoàn quản lý 163 ĐVTN, còn 60 ĐVTN tại địa phương nhưng chỉ có 2 ĐVTN tham gia hoạt động.

Lực lượng quá “mỏng” nên không thể tổ chức sinh hoạt cũng như hoạt động. “Một phần vì lo “cơm áo gạo tiền”, phần vì sinh hoạt Đoàn còn mang tính hình thức, chưa đáp ứng nhu cầu ĐVTN nên nhiều bạn trẻ không hào hứng tham gia”- anh nói.

Nếu như trước đây địa phương có đám tiệc hay “chuyện làng chuyện xóm” ĐVTN tập trung đông vui lắm thì nay “đỏ mắt” tìm người trẻ. Hầu hết số lượng ĐV sinh hoạt thường xuyên ở các chi đoàn ấp bây giờ chỉ “đếm trên đầu ngón tay”- Bí thư Xã Đoàn Đông Thành (TX Bình Minh) Nguyễn Chí Tâm cho hay.

Xã có 213 ĐV nhưng ĐVTN ly nông đi làm ăn xa nên chỉ tập hợp được khoảng 20% ĐV mà thôi. Thậm chí một vài nơi chỉ có 2- 3 ĐV. Việc duy trì sinh hoạt chi đoàn ấp hàng tháng không thể thực hiện. Mỗi khi có hoạt động, cán bộ Đoàn phải vận động trước vậy mà ĐVTN tham gia cũng không đông đủ.

“Có lẽ vì cuộc sống, vì hoạt động Đoàn- Hội chưa được đổi mới nhiều, chủ yếu mang tính chất phong trào nên không thể giữ chân được ĐVTN”- anh Tâm lý giải.

Khó tìm “thủ lĩnh” thanh niên

Một trong những khó khăn của Đoàn cơ sở hiện nay là đội ngũ bí thư chi đoàn ấp- khóm thường xuyên biến động, nhiều nơi vừa thiếu lại vừa yếu… Xã Đồng Phú (Long Hồ) có 12 chi đoàn ấp thì đã 6 chi đoàn thường xuyên thay đổi cán bộ Đoàn.

Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Xã Đoàn- Đỗ Thị Thanh Trực cho biết: Thay vì ở lại địa phương thì nhiều người đã đi làm khu công nghiệp.

“Việc tìm người bố trí vai trò bí thư chi đoàn ấp- khóm hết sức khó khăn. Vì ĐVTN đều đi làm ăn xa, số ở địa phương chủ yếu là học sinh và những người đã có gia đình, gánh nặng cơm áo đè nặng trên vai nên không mấy tha thiết với Đoàn. Điển hình như Chi đoàn ấp Phú Thuận 2, không chỉ thay đổi cán bộ Đoàn mà còn khuyết hơn năm nay vì không có nguồn để thay thế. “Cán bộ Đoàn thường xuyên thay đổi ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động Đoàn”- chị nói.

Đoàn viên thanh niên nông thôn đi làm ăn xa nên hầu hết các hoạt động đều trông chờ vào lực lượng cơ quan, trường học.
Đoàn viên thanh niên nông thôn đi làm ăn xa nên hầu hết các hoạt động đều trông chờ vào lực lượng cơ quan, trường học.

Chi đoàn ấp Phú Hưng (xã Hòa Phú- Long Hồ) hiện đang chờ “thủ lĩnh” mới. Anh Nguyễn Thanh Hiệp- Bí thư Chi đoàn chỉ mới nhận nhiệm vụ gần năm nay nhưng lại xin nghỉ đi làm ở Khu công nghiệp Hòa Phú.

Anh Trần Thanh Tùng- Bí thư Xã Đoàn Hòa Phú chia sẻ: Phải vận động khó khăn lắm mới tìm được cán bộ Đoàn mới, vì đa số đều nói phải tập trung lo cho kinh tế gia đình. Anh cho rằng, hoạt động Đoàn phải gắn liền với nhu cầu, lợi ích ĐVTN thì mới thu hút được họ.

Cũng bởi thiếu nguồn nhân lực mà nhiều nơi cán bộ Đoàn đã lớn tuổi vẫn phải tiếp tục gánh vác trách nhiệm “thủ lĩnh thanh niên”. Chẳng hạn như Xã Đoàn Bình Phước (Mang Thít) hiện có 3 bí thư chi đoàn ấp đã quá tuổi nhưng không có người thay thế. “Vì không có gì ràng buộc nên nhiều ĐVTN không chịu làm”- Phó Bí thư Xã Đoàn Võ Hoàng Nguyên cho hay.

Nói về khó khăn trong việc tìm nguồn đào tạo, bồi dưỡng để đảm nhận vai trò bí thư chi đoàn, chị Trương Võ Minh Nguyệt- Bí thư Đảng ủy xã Tân An Hội, nguyên Bí thư Huyện Đoàn Mang Thít cho rằng: Bên cạnh việc mưu sinh, một số ĐVTN nhận thức còn hạn chế nên ngại tham gia hoạt động cộng đồng, không muốn tham gia vào tổ chức Ðoàn.

Cũng bởi “vắng bóng” ĐVTN, khó tìm “thủ lĩnh” nên hoạt động Đoàn cơ sở thiếu bền vững. Ở nhiều nơi thường chỉ rộ lên vào thời điểm chiến dịch hè tình nguyện, khi sinh viên đi học xa trở về địa phương. Nhiều địa phương không tìm ra nguồn để đào tạo, bồi dưỡng phát triển cán bộ Đoàn cũng như chưa khắc phục tình trạng “tre đã già nhưng măng chưa đủ thay”...

 

 

Một thực tế ở cơ sở hiện nay là tình trạng ĐVTN ly hương mưu sinh chiếm khoảng 60- 70%. Mặc dù Đoàn các cấp tạo điều kiện cho ĐVTN lập nghiệp ở địa phương như đào tạo nghề, cho vay vốn làm ăn, nhưng vẫn chưa “giữ chân” được họ.

>> Kỳ sau: Kinh phí “khiêm tốn”, làm được gì?

™Bài, ảnh: CẨM HUỆ