"Cầu nối" và đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp

Cập nhật, 05:34, Thứ Năm, 01/04/2021 (GMT+7)

(VLO) Những người trẻ với tinh thần dám nghĩ dám làm, quyết tâm theo đuổi ý tưởng đang tạo nên những màu sắc khác nhau trong bức tranh khởi nghiệp của tỉnh nhà. Tuy nhiên, con đường khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng, đòi hỏi sự quyết tâm và nỗ lực của những người trẻ đang ấp ủ các ý tưởng khởi nghiệp cũng như sự đồng hành và các giải pháp hỗ trợ phù hợp của các cấp bộ Đoàn.

“Cái khó” khi thanh niên khởi nghiệp

Hòa cùng xu thế khởi nghiệp với các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện nay, chị Hồ Thị Trúc Ly (xã Bình Hòa Phước- Long Hồ) lựa chọn cây nhãn xuồng cơm vàng để hiện thực hóa giấc mơ, lý tưởng khởi nghiệp của bản thân.

3ha đất trồng nhãn xuồng của chị Trúc Ly là kết quả của khát khao cải tạo vườn cây ăn trái thích nghi với tình trạng xâm nhập mặn tại xứ cù lao và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

“Là 9X khởi nghiệp, chúng tôi thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ và quan trọng là khả năng kiên trì, tiếp tục đứng dậy sau mỗi lần thất bại. Phải đầy nghị lực và quyết tâm thì mới có thể khởi nghiệp thành công”- chị Trúc Ly chia sẻ.

Cũng giống như nhiều bạn trẻ khởi nghiệp với mô hình nuôi lươn không bùn, anh Nguyễn Ngọc Tân (thị trấn Long Hồ) tự mình tìm tòi, học hỏi kiến thức.

Tuy nhiên, theo anh Tân, đó cũng chính là “cái khó” thường gặp phải của thanh niên trong tiếp cận khoa học kỹ thuật trong khởi nghiệp.

“Được cơ quan chuyên môn hỗ trợ hướng dẫn khoa học kỹ thuật là mong muốn của tôi cũng như của nhiều người trẻ; để có thêm tự tin, nền tảng vững chắc khởi nghiệp, lập nghiệp thành công”- anh Tân nói.

Nhiều mô hình khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên được chắp cánh, cho hiệu quả kinh tế.
Nhiều mô hình khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên được chắp cánh, cho hiệu quả kinh tế.

Nắm bắt nhu cầu thị trường đang có nhu cầu sử dụng nhiều sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, chị Lê Ngọc Hiền (phường Trường An- TP Vĩnh Long) đã quyết định khởi nghiệp với mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng. Chị Ngọc Hiền đã trải qua không ít thất bại trong hơn 2 năm khởi nghiệp, nhưng vẫn quyết tâm theo đuổi tư duy giữ vững giá trị cho sản phẩm.

Chị đã linh động thay đổi và phát triển mô hình theo hướng làm nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch trải nghiệm để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Chị Ngọc Hiền cho biết, hành trình khởi nghiệp của thanh niên hiện còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do khó tiếp cận các kênh ủng hộ, hỗ trợ của cơ quan nhà nước, chính quyền, đòi hỏi bản thân người khởi nghiệp phải luôn năng động và chịu khó tìm hướng tiếp cận phù hợp.

Tiếp sức cho khát vọng khởi nghiệp

Để hoạt động khởi nghiệp, lập nghiệp trong thanh niên đi vào thực chất và bền vững, bên cạnh niềm đam mê và nỗ lực nuôi dưỡng dự án của chính bản thân thanh niên, sự đồng hành, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên để cùng xây dựng và phát triển đất nước là việc làm có ý nghĩa quan trọng của tổ chức Đoàn.

Chị Lê Ngọc Hiền (TP Vĩnh Long) phát triển mô hình khởi nghiệp theo hướng làm nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch trải nghiệm để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Chị Lê Ngọc Hiền (TP Vĩnh Long) phát triển mô hình khởi nghiệp theo hướng làm nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch trải nghiệm để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Theo chị Lê Ngọc Hiền, để hỗ trợ lâu dài cho thanh niên trong phong trào, các cấp, ngành cần có cách hỗ trợ phù hợp, chú trọng tiếp cận với những ý tưởng của các bạn trẻ và hướng dẫn để phát triển theo hướng phù hợp với thị trường và định hướng của tỉnh; trong đó nên phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên.

“Đoàn cần nắm bắt những ý tưởng có khả năng hiện thực hóa để kịp thời cổ vũ và hỗ trợ để thanh niên có thêm “lửa” để thực hiện. Ngoài ra, những thanh niên khởi nghiệp cần liên kết với nhau, tạo nên môi trường khởi nghiệp sôi động để có thể chia sẻ kinh nghiệm hoặc cùng hỗ trợ nhau trong tiêu thụ sản phẩm”- chị nói.

Quan tâm xây dựng được hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững cho thanh niên, tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng đồng hành với thanh niên, tích cực triển khai các chủ trương, chính sách, cơ chế về hỗ trợ phong trào khởi nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ thanh niên tiếp cận nguồn vốn và các chính sách khởi nghiệp; các ngành phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội duy trì và phát triển có hiệu quả các dự án khởi nghiệp đoạt giải, có khả năng sinh lợi.

Đơn cử, huyện Long Hồ vừa hỗ trợ 1 tỷ đồng nguồn vốn vay cho 19 mô hình kinh tế của 19 đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp trên địa bàn huyện.

Đây là một trong những nhiệm vụ chiến lược trong quan tâm sâu sắc, chăm lo nhu cầu chính đáng cho thanh niên về nhu cầu khởi nghiệp, lập nghiệp phát triển kinh tế.

Được hỗ trợ vay 50 triệu đồng để khởi nghiệp, anh Nguyễn Ngọc Tân (thị trấn Long Hồ) chia sẻ niềm vui: “Được nhận vốn để hỗ trợ khởi nghiệp, bản thân tôi vô cùng phấn khởi và sẽ đầu tư xây dựng hệ thống lọc tuần hoàn năng lượng mặt trời. Khởi nghiệp vừa để cải thiện kinh tế gia đình vừa tiếp tục đóng góp vật chất, sức trẻ của mình cho cộng đồng xã hội”.

“Các hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp nhằm giúp đỡ cho thanh niên được lao động học tập, rèn luyện, phát triển làm giàu chính đáng cho bản thân, để được đóng góp công sức của mình vào việc phát triển kinh tế ở địa phương.

Đồng thời, phát huy vai trò tổ chức Đoàn, Hội trong công tác tập hợp đoàn kết thanh niên vào tổ chức Đoàn, Hội trên địa bàn huyện hiện nay”- Bí thư Huyện Đoàn Long Hồ Nguyễn Thị Mỹ Hạnh cho biết.

Phát huy vai trò đồng hành với thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp, Đoàn Thanh niên các cấp trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động tập huấn, phổ biến kiến thức về khởi nghiệp cho thanh niên, hỗ trợ vốn khởi nghiệp cho thanh niên được gần 60 mô hình với kinh phí hơn 1 tỷ đồng.

Đồng thời, còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức cho đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên vay vốn học tập, lao động sản xuất với tổng dư nợ ủy thác của Đoàn đạt trên 172 tỷ đồng.

Chị Nguyễn Huỳnh Thu- Tỉnh ủy viên, Bí thư Tỉnh Đoàn- cho biết, thời gian tới, các cấp bộ Đoàn tiếp tục thực hiện hoạt động hỗ trợ thanh niên, nhất là thanh niên các địa phương vùng sâu, vùng xa tham gia khởi nghiệp; nghiên cứu cách hỗ trợ phù hợp với nhu cầu của thanh niên, tiếp tục phát huy vai trò là “cầu nối” và đồng hành với thanh niên trong quá trình lập thân, lập nghiệp.

Bài, ảnh: TUYẾT NGA