Cô gái Quảng Nam "biến" mo cau thành sản phẩm mỹ nghệ

Cập nhật, 20:11, Thứ Ba, 30/03/2021 (GMT+7)

Ở làng quê, mo cau là thứ tưởng như bỏ đi nhưng đã được chị Phan Vũ Hoài Vui (32 tuổi) ở xã Tiên Mỹ, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam “biến” thành những vật dụng tinh xảo và đẹp mắt.

Tốt nghiệp ngành kinh tế Trường Đại học Hùng Vương, TPHCM, chị Phan Vũ Hoài Vui quê ở xã Tiên Mỹ, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam ở lại lập nghiệp nơi đất khách suốt 12 năm.

Ngần ấy thời gian, công việc khá ổn định khi Hoài Vui vừa làm kế toán vừa mở trung tâm Anh ngữ. Thế nhưng ở chị Vui vẫn nung nấu ý định làm một sản phẩm gì đó ở quê gắn với thiên nhiên, thân thiện với môi trường.

Đầu năm 2020, Phan Vũ Hoài Vui về quê, nhận thấy ở vùng đất Tiên Phước nhiều cây cau, nhưng chưa được tận dụng, bỏ phí. Vậy là chị nghĩ ngay đến việc sản xuất các sản phẩm làm từ mo cau.

Ý định táo bạo của chị được gia đình và địa phương ủng hộ. Sau thời gian mày mò, tỉ mỉ, chị Vui đã cho ra đời 13 sản phẩm như: chén, đĩa, khay, muỗng và những vật dụng khác.

Thoạt nhìn, các sản làm từ mo cau giống các sản phẩm làm từ vật liệu nhôm nhựa. Tuy nhiên, sản phẩm làm từ mo cau đẹp mắt hơn. Sản phẩm khi hoàn thiện thân thiện với môi trường.

Phan Vũ Hoài Vui (áo xanh) giới thiệu sản phẩm được làm từ mo cau cho khác tại Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Quảng Nam lần thứ 2.
Phan Vũ Hoài Vui (áo xanh) giới thiệu sản phẩm được làm từ mo cau cho khác tại Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Quảng Nam lần thứ 2.

Vừa nghiên cứu sản xuất sản phẩm từ mo cau, chị Vui vừa thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp kỹ nghệ Quảng Nam chuyên sản xuất sản phẩm từ mo cau do mình làm giám đốc.

Tháng 9/2020, Hợp tác xã Nông nghiệp kỹ nghệ Quảng Nam đi vào hoạt động, đưa ra thị trường các sản phẩm từ mo cau và đã được người tiêu dùng đón nhận.

“Bộ sản phẩm mo cau xứ Tiên gồm 13 sản phẩm, bao gồm các sản phẩm gia dụng, các sản phẩm dùng cho công nghiệp ví dụ như hàng mang đi. Thực ra nó là tận dụng nguyên liệu của tự nhiên, vừa tận dụng nguồn lao động sẵn có tại địa phương. Không tốn nhiều thời gian, các công đoạn gọn gàng.

Thị trường chủ yếu là thị trường xuất khẩu, còn thị trường trong nước thì 2 năm nữa mới phát triển mạnh mẽ. Rất cần cơ chế chính sách từ nhà nước chứ không riêng gì sự nỗ lực của doanh nghiệp hướng đến môi trường sống xanh” - chị Vui chia sẻ.

Ở vùng đất Quảng Nam, mo cau thường rụng từ tháng 4 - 9 hàng năm. Người dân ùn ùn chở đến hợp tác xã của chị Vui để bán. Sau khi thu mùa, công nhân tiến hành chà rửa mo cau thật sạch, tiếp đến đưa vào máy ép thành từng sản phẩm như chén, đĩa, khay, muỗng và những vật dụng khác.

Một công đoạn tiếp theo rất quan trọng nữa là khử khuẩn, nấm mốc bằng tia UV, ozone. Công đoạn cuối là kiểm định lại chất lượng và đóng gói và bán ra thị trường.

Sản phẩm làm từ mo cau thân thiện với môi trường.
Sản phẩm làm từ mo cau thân thiện với môi trường.

Sau hơn nửa năm hoạt động, hiện mỗi ngày hợp tác xã của chị Phan Vũ Hoài Vui sản xuất hơn 1000 sản phẩm các loại. Với giá dưới 4.000 đồng mỗi sản phẩm nên được rất nhiều cơ quan, các nhà hàng tìm mua.

Đánh giá về sản phẩm làm từ mo cau của chị Phan Vũ Hoài Vui, ông Nguyễn Hùng Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam cho biết, sản phẩm làm từ mo cau thân thiện với môi trường, tương lai không xa sẽ được bạn bè quốc tế tin dùng.

“Sản phẩm mo cau dùng cho gia dụng và đồ ăn nhanh, đây là một sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo. Tương lai của sản phẩm thì rất là khả quan.

Bởi vì sản phẩm mo cau tận dụng lại sản phẩm nông nghiệp của địa phương mà từ mo cau tạo ra các sản phẩm mà thân thiện với môi trường, tạo điều kiện để phát triển ra các thị trường châu Âu, thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản. Đặc biệt sẽ vào các siêu thị, cũng như các khu resort” - ông Hùng nói.

Đây là một trong những sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo được chính quyền đánh giá cao và người tiêu dùng tiếp nhận.

Ông Phạm Ngọc Sinh, Phó Giám đốc Sở khoa học Công nghệ tỉnh Quảng Nam, Trưởng Ban Điều hành hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Quảng Nam cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam gần 60 dự án khởi nghiệp sáng đổi mới sáng tạo cấp tỉnh được UBND tỉnh công nhận. Các sản phẩm khai thác từ tự nhiên chiếm khoảng 12%, chiếm tỷ lệ khá lớn.

Bởi vì ít có ai nghĩ rằng khởi nghiệp từ những cái mà chúng ta bỏ đi sẽ thành công. Tỉnh Quảng Nam hướng đến xây dựng một nền kinh tế xanh, cho nên tất cả những cơ chế, chính sách, định hướng phá triển sẽ hướng đến kinh tế xanh”./.

Theo Thanh Thắng/VOV-miền Trung