Chia sẻ với thanh niên khởi nghiệp

Cập nhật, 06:17, Thứ Sáu, 30/10/2020 (GMT+7)

 

Tiếp cận vốn vay và hỗ trợ kỹ thuật để khởi nghiệp là vấn đề được thanh niên quan tâm.
Tiếp cận vốn vay và hỗ trợ kỹ thuật để khởi nghiệp là vấn đề được thanh niên quan tâm.


Hiện nay, phong trào thanh niên (TN) khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngày càng phát triển sâu rộng với những mô hình mang lại hiệu quả cao. Song, vì sao TN “dám nghĩ, nhưng chưa dám làm”, những trở ngại trên đường khởi nghiệp... đã được chia sẻ giữa doanh nhân trẻ với TN khởi nghiệp.

Nhiều khó khăn, vướng mắc

Khởi nghiệp là vấn đề được cả xã hội quan tâm, là giải pháp thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội cũng là không gian thu hút nhiều “chất xám” của TN, đặc biệt là khởi nghiệp sáng tạo.

Thời gian qua, đã có không ít ý tưởng, dự án khởi nghiệp của TN tham gia cuộc thi Ý tưởng, dự án khởi nghiệp của tỉnh và các cuộc thi khác đạt giải cao. Theo anh Đặng Hải Đăng- Bí thư Đoàn Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long, những dự án ý tưởng đạt giải này nếu được áp dụng vào thực tế hiệu quả sẽ góp phần phát triển kinh tế- xã hội, mang lại lợi ích cho cộng đồng. 

Tuy nhiên, thực tế đa phần các dự án, ý tưởng ấy vẫn chỉ dừng lại ở “dự thi chứ chưa được triển khai”. Vậy “tỉnh có giải pháp như thế nào để hỗ trợ hiện thực hóa các ý tưởng, dự án đạt giải”- anh Đăng hỏi.

Khởi nghiệp thành công từ mô hình nuôi bò kết hợp nuôi trùn quế, anh Nguyễn Văn Thảo (xã Thuận Thới- Trà Ôn) cho biết, anh đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ và tiếp cận được các chính sách hỗ trợ từ Sở Khoa học- Công nghệ, Sở Nông nghiệp- PTNT. Tuy nhiên, việc tiếp cận với các chính sách khởi nghiệp vẫn còn khó khăn, nhất là tiếp cận vốn khởi nghiệp từ Quỹ khởi nghiệp của tỉnh.

Câu chuyện khởi nghiệp cùng những khó khăn, vướng mắc trên bước đường lập thân, lập nghiệp đã được TN trao đổi cởi mở. Anh Nguyễn Văn Lợi- Phó Bí thư Xã Đoàn Thành Trung (Bình Tân) cho hay, anh đam mê khởi nghiệp và dành tình cảm rất đặc biệt với cà na. Hiện anh đã trồng và thử nghiệm chế biến các món cà na ngâm đường, cà na ngào đường, cà na sấy dẻo nhằm nâng cao giá trị trái cà na.

Anh cũng tâm huyết phát triển dự án du lịch từ loại cây này để tạo điểm nhấn cho địa phương cũng vừa tạo việc làm cho người dân. Song, anh còn băn khoăn vì cơ sở hạ tầng “chưa thuận tiện lắm”…

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Hồng Cúc- Tỉnh Đoàn Vĩnh Long- chia sẻ: Khi là sinh viên chị từng đạt giải cuộc thi Ý tưởng và dự án khởi nghiệp của tỉnh. Trên cơ sở đó, chị triển khai thực hiện ý tưởng trồng cây dược liệu đinh lăng. Tuy nhiên, chị gặp thất bại vì cây chết gần hết và ý tưởng này đã bị “phá sản”.

Chị nói: “Là sinh viên kỹ thuật nên khởi nghiệp nông nghiệp gặp khó khăn do thiếu am hiểu kỹ thuật, chưa có kinh nghiệm thực tế. Vì thế, tôi mong muốn tỉnh, các sở, ngành quan tâm hỗ trợ kỹ thuật cho TN; tạo điều kiện hơn nữa để TN, sinh viên có thể dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn đầu tư cho quá trình khởi nghiệp”.

Khởi nghiệp dành cho tất cả mọi người

Đối với các vấn đề mà TN quan tâm, ông Lê Quang Trung- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh- cho biết: Khởi nghiệp không chỉ dành riêng cho lực lượng TN mà dành tất cả cho những ai có đam mê, sức khỏe.

Tuy nhiên, trước khi khởi nghiệp, điều đầu tiên TN phải suy nghĩ và trả lời thật kỹ về sản phẩm muốn khởi nghiệp, điều kiện cần và đủ để khởi nghiệp như vốn, kiến thức, kinh nghiệm cũng như cơ hội, thách thức. Cũng giống như nhà nông vậy, trước khi làm nông phải xác định được trồng cây, con gì; bán ở đâu và kỹ thuật chăm sóc như thế nào và nhờ ai hỗ trợ?...

Thời gian qua, phong trào thanh niên khởi nghiệp ngày càng lan tỏa với nhiều mô hình hiệu quả.
Thời gian qua, phong trào thanh niên khởi nghiệp ngày càng lan tỏa với nhiều mô hình hiệu quả.

Một điều đặc biệt quan trọng nữa là mỗi bạn trẻ phải đặt ra được câu hỏi: Nếu thất bại thì liệu bản thân có đủ can đảm để tiếp tục thực hiện nữa không? Bởi không phải ai khởi nghiệp thì cũng thành công.

Thậm chí, khởi nghiệp có đến 90% là thất bại... Đối với các ý tưởng, dự án đạt giải, tác giả muốn triển khai thực hiện thì phải tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện sản phẩm phù hợp với tình hình thực tế. Trên cơ sở đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần vốn từ Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp để tác giả, nhóm tác giả thực hiện. Tuy nhiên, theo ông Lê Quang Trung, thì chủ dự án, ý tưởng cần phải tìm hiểu thủ tục trình tự và tìm cơ quan thẩm quyền hướng dẫn hỗ trợ thực hiện, đồng thời cần phải có tiềm lực về vốn.

Nói về việc tiếp cận vốn từ nguồn Quỹ khởi nghiệp tỉnh, ông Lê Quang Trung thông tin: Quỹ khởi nghiệp này đi vào hoạt động thực tế từ mấy tháng nay, vốn từ nguồn ngân sách, các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân trong và ngoài nước đóng góp.

Tuy nhiên, quy chế quy định nhiều thủ tục còn rườm rà; chỉ cho vay vốn theo dự án, ý tưởng khi tham gia cuộc thi... Với trách nhiệm là người quản lý nhà nước, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh- Lê Quang Trung cũng mong muốn sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành và đoàn thể trong việc tích cực tham mưu, đề xuất cũng như đẩy mạnh công tác phối hợp triển khai, thực hiện tốt các chính sách dành cho TN, tạo điều kiện thuận lợi để TN mạnh dạn đổi mới, sáng tạo để thực hiện khởi nghiệp của mình. Qua đó, góp phần thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh nhà ngày càng phát triển sâu rộng và lan tỏa.

Bài, ảnh: CẨM HUỆ