Những bạn trẻ khởi nghiệp vì đam mê

Cập nhật, 15:40, Thứ Sáu, 08/05/2020 (GMT+7)

“Bạn có thể khởi đầu lại mọi thứ bất kỳ lúc nào nếu như công việc hiện tại chưa thật sự mang đến cho bạn niềm yêu thích, sự đam mê”- đó là lời chia sẻ chân thành của những bạn trẻ đã và đang khởi nghiệp theo sở trường, năng lực của bản thân. Khi nguồn năng lượng tích cực được hòa mình vào đúng đam mê đã dẫn đường cho các bạn trẻ chạm đến thành công...

Anh Trực (giữa) chia sẻ dự án trồng nha đam với bạn trẻ.
Anh Trực (giữa) chia sẻ dự án trồng nha đam với bạn trẻ.

Về quê khởi nghiệp

Từng là giám đốc công ty dịch vụ và đào tạo nghề marketing online TP Hồ Chí Minh, gần đây anh Nguyễn Thành Trực (xã Lộc Hòa- Long Hồ) đã về quê thực hiện dự án phát triển kinh tế trên 1.000m2 đất quanh nhà.

Anh chia sẻ, lúc trước trong chuyến đi bộ trải nghiệm từ Sài Gòn đến Đắk Lắk, anh phát hiện bà con mình có diện tích đất trống xung quanh rất nhiều nhưng sử dụng chưa tối ưu trong khi kinh tế của bà con còn khó khăn.

Từ đó, anh mới nghĩ ra ý tưởng giúp bà con có thêm thu nhập trên 1.000m2 đất, diện tích ít nhưng mang lại giá trị hiệu quả cao. Và anh chọn cây nha đam Mỹ, vì nó rất dễ trồng mà lại rất dinh dưỡng, có thể sử dụng để chế biến thức ăn, nước uống và làm dược liệu…

Theo anh, loại cây này sinh trưởng rất nhanh, chỉ vài tháng là có thể cho thu hoạch với kết quả rất khả thi. Nếu tính trung bình 1m2 đất trồng được 4 cây nha đam và 1 cây nha đam mẹ cho khoảng 30 cây con/năm. Hiện nha đam bẹ với giá từ 6.000- 17.000 đ/kg và nha đam giống với giá từ 3.000- 10.000 đ/cây tùy kích cỡ…

“Đất trống bỏ không, cỏ mọc rất nhiều thì uổng phí lắm, thay vào đó, mình trồng nha đam. Mô hình này “trồng chơi mà ăn thiệt” vì chi phí đầu tư thấp và mỗi ngày mình chỉ cần chăm sóc 15- 20 phút thôi”- anh nói.

Xu hướng những người trẻ tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ từng làm những công việc ổn định, lương cao chọn vùng quê để khởi nghiệp ngày càng nhiều.

Ra trường có việc làm ổn định với thu nhập khá nhưng anh Phan Nhựt Thanh (xã Tường Lộc- Tam Bình) luôn trăn trở khát vọng làm nông nghiệp sạch. Sau thời gian làm việc trong ngành thực phẩm và làm ở công ty bảo vệ thực vật, anh tích lũy không ít kiến thức cùng một số vốn. Thế là Thanh quyết định về quê thực hiện đam mê của mình.

Dù gặp không ít khó khăn trong quá trình khởi nghiệp nhưng anh Thanh vẫn luôn quyết tâm đeo đuổi con đường mình đã chọn.
Dù gặp không ít khó khăn trong quá trình khởi nghiệp nhưng anh Thanh vẫn luôn quyết tâm đeo đuổi con đường mình đã chọn.

Về quê, anh bắt tay đầu tư hàng trăm triệu đồng để cải tạo đất và xây dựng nhà màng, hệ thống tưới trên 1.500m2 đất. Đợt đầu tiên anh trồng dưa lưới rồi sau đó chuyển sang trồng dưa leo Maya Israel.

Theo anh thì trồng dưa leo cực hơn dưa lưới nhưng trồng khoảng hơn 1 tháng là có thể thu hoạch, năng suất mỗi dây đồng đều. Trung bình mỗi ngày, thu hoạch 600- 800kg dưa. Nếu biết cách chăm sóc thì thời gian cho trái sẽ kéo dài hơn…

Anh cho biết: ngày thường bán khoảng 15.000- 20.000 đ/kg, còn thời điểm dịch COVID-19 thì giá chỉ bằng dưa leo chợ… “Dưa ngon, trái to đều, đẹp mắt nhưng giá cả vậy thì… chưa xứng tầm. Nhưng tôi vẫn thấy vui vì cung cấp được sản phẩm sạch, chất lượng đến người tiêu dùng”- anh bày tỏ.

Dám nghĩ, dám làm, dám từ bỏ cả công việc ổn định tại TP Hồ Chí Minh, chị Lê Nguyễn Mỹ Chi (Phường 4- TP Vĩnh Long) quyết định về khởi nghiệp vì “vừa có thể chăm sóc cha vừa đeo đuổi niềm đam mê sen đá”.

Dù “không có gì trong tay”, chị vẫn mạnh dạn vay 30 triệu đồng để kinh doanh loại cây kiểng mi ni này. Chị cho biết, ban đầu vì không có mặt bằng nên chị chủ yếu bán ngoài lề đường. Rồi sau này mua được căn nhà nho nhỏ, chị mới có cửa hàng cho riêng mình.

Diện tích cửa hàng chỉ khoảng 5m2 nhưng có đến hàng trăm chậu với hàng chục loại sen đá, xương rồng, giá từ 25.000- 500.000 đ/chậu… “Làm nghề gì cũng vậy, phải có đam mê, không ngại khó thì mới mang lại hiệu quả được”- chị bộc bạch.

Khởi nghiệp bằng đam mê

Đưa chúng tôi tham quan vườn nha đam Mỹ được trồng xen trong vườn bưởi của gia đình, anh Trực giới thiệu: Nha đam Mỹ ít sâu bệnh, hạn chế phân thuốc đặc biệt là chịu được khí hậu nắng nóng và hạn mặn như ở miền Tây. Hiện tại, thị trường tiêu thụ nha đam “cung không đủ cầu” nên cứ có khoảng đất trống nào là anh lại lên liếp hoặc dọn mặt bằng để trồng…

Anh cho biết, từ khi bắt tay vào thực hiện dự án này, anh đã tạo fanpage “Vĩnh Long quê tôi” để mọi người có thể chia sẻ thông tin hình ảnh quê nhà cũng như kinh nghiệm trồng trọt, kinh doanh. Hiện tại thu hút trên 26.000 thành viên tham gia…

Từ nền tảng mạng xã hội này, anh thường xuyên giới thiệu về kế hoạch, dự án vườn nha đam của mình. Qua đó, dù chỉ mới có vài tháng thực hiện nhưng đã có nhiều khách hàng trong và tỉnh đã đến tận vườn thu mua.

“Sau khi dự án này mang lại thành công nhất định, tôi sẽ chia sẻ cho các bác, các chú nông dân cách trồng vừa đơn giản, hiệu quả. Song song đó, tôi cũng muốn kết nối bạn trẻ để kiếm thêm thu nhập sau khi làm ở công ty, xí nghiệp”- anh nói.

Gác lại công việc đúng chuyên ngành đã học và khởi đầu bằng một công việc khác dù thời gian đầu không mấy suôn sẻ nhưng chị Chi vẫn cho rằng mình lựa chọn đúng. Bởi chị “được sống trọn với đam mê thật sự của mình”.

Chị Chi tận dụng góc nhỏ để ươm sen đá, xương rồng.
Chị Chi tận dụng góc nhỏ để ươm sen đá, xương rồng.

Hiện tại, việc kinh doanh của chị ngày càng phát triển, doanh thu hơn chục triệu đồng/tháng. Chị cười: “Tương lai là của chính mình nằm trong tầm tay mình và do mình chọn lựa”.

Còn với anh Thanh thì trong quá trình về quê trồng nông sản sạch, anh nhận thấy: con đường khởi nghiệp không phải lúc nào cũng thuận lợi. Cụ thể đối với mô hình trồng dưa này, anh đã từng gặp khó về thị trường tiêu thụ, giá cả. Đó là chưa kể công sức, tâm huyết mang đến nông sản an toàn chưa nhận được sự quan tâm của bà con…

Tuy nhiên, bằng chính quyết tâm của mình, anh đã vượt qua được giai đoạn khó khăn và luôn sẵn sàng cho những dự định, hướng đi mới.

Anh Thanh cho biết, trong thời gian tới, anh sẽ trồng đa dạng loại cây như cà chua, dưa leo, dưa lưới để luân phiên thu hoạch và luôn có sản phẩm bán. Song song đó, anh sẽ mở rộng các kênh tiêu thụ thông qua việc bán hàng online, tuyển thêm cộng tác viên phân phối hàng tại các khu chung cư.

Đi cùng với đó là đảm bảo thời gian nhận “order” hàng và giao hàng được kịp thời, trong vài tiếng là thực phẩm tươi ngon tới tay người tiêu dùng. “Nhu cầu sử dụng nông sản sạch của người dân ngày càng cao. Vì thế, tôi vẫn sẽ tiếp tục đi theo con đường mình đã chọn để phục vụ sản phẩm an toàn, bảo vệ sức khỏe cho bà con”- anh Thanh chia sẻ.

™Bài, ảnh: CẨM HUỆ