Trang viết xanh

Nhớ "món canh dân dã" của mẹ

Cập nhật, 19:53, Thứ Sáu, 22/11/2019 (GMT+7)

Dù đi nhiều nơi, được thưởng thức bao món ngon và hấp dẫn, nhưng tôi vẫn nhớ mãi chén nước cơm giản dị nhưng mang đầy hương vị tuổi thơ. Và tôi thường hay gọi nó bằng cái tên “món canh dân dã”.

“Món canh dân dã” ấy là phần nước được chắt khi cơm nấu sôi, ước chừng hạt gạo nở vừa phải. Nó sánh như bột, màu trắng đục, có vị beo béo của gạo và thoang thoảng hương thơm tinh túy quê hương.

Chỉ là chén nước cơm thôi chứ đâu cao sang gì như sữa bột hay sữa tươi bây giờ. Vậy mà, ngày ấy, mỗi khi đưa chúng vào miệng, tôi lại cảm nhận được tình yêu thương vô hạn của mẹ.

Tôi chẳng buồn khi mình sinh ra trong gia đình nghèo khó, mâm cơm gia đình thường ngày đôi khi chỉ có vài con khô hay mấy con cá kho, rau luộc. Vì hàng bữa, khi nấu cơm, mẹ không quên để dành cho “con gái rượu” một chén lớn nước cơm. Mẹ thương tôi ngày ngày chẳng có quà vặt, cũng không có tiền để mua kẹo bánh nên những bát cơm mẹ dành lại quý giá biết bao.

Tôi uống nó mà không biết chán. Và cũng vì chén nước cơm ấy mà dăm ba lần trên mâm cơm có những loại canh ngon hơn nhưng tôi vẫn không ưa. Cũng có những lần tôi cố tình phụ mẹ nấu cơm rồi canh cho hơi nhão để được uống “nước canh dân dã” sền sệt, thơm thơm.

Cuộc sống ngày càng được cải thiện, hiện đại hơn nên ai ai cũng nấu bằng nồi cơm điện chứ không còn cơm củi như xưa nữa. Nhà tôi cũng không khác, có khác chăng là “mẹ vẫn còn giữ lại cái bếp củi để khi nào con muốn ăn nước cơm thì mẹ nấu”. Mẹ tôi bảo thế vì mẹ biết con gái không thể quên được “món canh tưởng chừng đơn sơ nhưng lại chan chứa biết bao kỷ niệm thuở cơ hàn”…

Tôi giờ sống ở thành phố, lúc nào cũng tất bật công việc mà ít khi về thăm quê nhà. Và cũng chính vì thế mà lâu rồi cũng không được thưởng thức chén nước cơm do chính tay mẹ nấu. Tự nhiên thấy nhớ da diết hương vị “món canh dân dã” ấy và chỉ muốn chạy thẳng về nhà…

Sẽ không còn do dự, chắc chắn chiều nay tôi sẽ tạm rời xa phố thị để trở về thăm mẹ, để được thưởng thức tô nước canh mang màu trắng đục như màu khói đốt đồng của làng quê, cũng là để thưởng thức đầy đủ, trọn vẹn hương vị của quê mình…

TUỆ LÂM