"Điểm trừ" trong ứng xử của bạn trẻ

Cập nhật, 13:48, Thứ Sáu, 31/05/2019 (GMT+7)

 

Bạn trẻ có thể tham gia các hoạt động xã hội thực tế để trang bị thêm kỹ năng ứng xử.
Bạn trẻ có thể tham gia các hoạt động xã hội thực tế để trang bị thêm kỹ năng ứng xử.

Dù bạn học thật giỏi, công việc tốt, hình thức của bạn thật nổi bật nhưng nếu “thiếu văn hóa” trong ứng xử, bạn sẽ bị mất điểm. Vì thế, ứng xử sao cho có văn hóa được xem là một kỹ năng cực kỳ quan trọng đối với một người trẻ hiện đại.

Ứng xử “có vấn đề”

Kém cỏi trong văn hóa giao thông là hiện tượng phổ biến nhất trong giới trẻ. Những hình ảnh khó coi rất dễ bắt gặp trên các con đường giao thông ở khu vực đô thị cho đến nông thôn. Lạng lách, đánh võng, chạy nhiều hàng chen lấn, chạy quá tốc độ, bấm còi, hú ga, từ gây phiền hà cho mọi người xung quanh cho đến vi phạm nghiêm trọng luật giao thông…

Chú Nguyễn Hoàng Nam (xã Lục Sĩ Thành- Trà Ôn) bức xúc: Nhiều lúc ra đường gặp mấy cậu thanh niên chạy xe phóng nhanh vượt ẩu mà bất an. Hổng biết tụi trẻ có hiểu luật giao thông hay không mà sao cứ lên xe là chạy ẩu tả mặc kệ đường lớn nhỏ, bất chấp mọi người xung quanh. Bởi vậy, tai nạn giao thông cứ xảy ra hoài.

Những nơi công cộng như công viên, quán cà phê… không ít bạn trẻ ăn mặc đẹp lại có những kiểu ngồi hợm hĩnh, nói năng văng tục lớn tiếng, những hành động nhằm thể hiện “đẳng cấp”, tuy nhiên lại khiến những người xung quanh vô cùng khó chịu.

Hay ở những nơi công cộng dù có bảng cấm hút thuốc nhưng vẫn có nhiều bạn trẻ vẫn cố tình phớt lờ vô tư “phì phèo nhả khói”. Thậm chí không ít trong số họ còn cười nói rổn rảng, tục tĩu bất chấp mọi ánh mắt xung quanh đang nhìn.

“Hôm bữa mình đi quán cà phê định tán gẫu với bạn bè. Ai ngờ vào quán bắt gặp mấy thanh niên vừa hút thuốc mà lại còn chửi thề nữa chứ. Bức xúc quá nên mình đi chỗ khác. Ở quán xá đông người mà có thái độ như thế, mình thấy đáng xấu hổ dùm cho họ”- bạn Mai Trâm (Phường 9- TP Vĩnh Long) nói.

Chuyện văn hóa không chỉ dừng lại với cảnh chen lấn trước quầy vé xe, trong siêu thị; chuyện rú ga hay bấm còi inh ỏi trước cổng bệnh viện, trường học; chuyện xả rác bừa bãi nơi công cộng… Những vụ bạo lực, phạm tội nghiêm trọng từ những va chạm nhỏ, cũng là vấn đề bức xúc thể hiện sự khiếm khuyết trong văn hóa ứng xử của các bạn trẻ hiện nay.

Lột đồ, hành hung bạn ngay giữa lớp học, rồi ngang nhiên quay phim như là để ghi dấu một “chiến tích” là sự việc xảy ra cách đây không lâu ở một trường THCS tỉnh Hưng Yên.

Hay do mâu thuẫn cá nhân, một nhóm nữ sinh ở Trường THCS tỉnh Nghệ An bắt một nữ sinh lớp 7 phải quỳ để nhóm học sinh này chửi bới, xỉ vả, thay nhau tát vào mặt và quay phim. Còn chuyện của nam sinh tại một trường THCS ở Tam Bình vì chuyện rất nhỏ là kể tên nhóm bạn thường đi tắm sông chung với giáo viên mà bị bạn đánh...

Chỉ cần một cái lườm nguýt trong quán ăn, một câu chửi thề khi va chạm giao thông ngoài đường là các thanh niên sẵn sàng cư xử như “xã hội đen” thứ thiệt. Nhiều người sợ hãi khi mức độ manh động, liều lĩnh của một bộ phận giới trẻ bây giờ ngày càng tăng mạnh.

Hãy ứng xử có văn hóa

Thực tế cho thấy, bên cạnh nhiều ưu điểm của các bạn trẻ hiện nay như năng động, thích ứng nhanh thì có vẻ như có không ít bạn trẻ thiếu một kỹ năng được xem là cực kỳ quan trọng, đó là ứng xử có văn hóa.

Nhường nhịn, giúp đỡ người già và trẻ em, xếp hàng có thứ tự khi sử dụng một số dịch vụ, hay ăn mặc, nói năng tôn trọng mọi người xung quanh… những điều tưởng chừng như là cơ bản nhưng dường như ngày càng bị nhiều bạn trẻ lãng quên.

Trao đổi với một số bạn trẻ, trong đó có sinh viên tiêu biểu trong học tập, rèn luyện đạo đức; giảng viên trường ĐH… các bạn cũng cho rằng một bộ phận không nhỏ thanh niên đồng trang lứa hiện nay có nhiều hành vi kém cỏi trong cách ứng xử, nhất là giao tiếp ứng xử nơi công cộng. Các bạn cũng nhận thấy đó là vấn đề bức xúc hiện nay trong giới trẻ.

Bạn Mỹ Tiên- sinh viên năm 3- khẳng định rằng, nếu thiếu đi kỹ năng ứng xử văn hóa, người trẻ sẽ đánh mất rất nhiều “điểm cộng” cho mình. Bởi, thực tế xung quanh hàng ngày vẫn có rất nhiều bạn trẻ vẫn đẹp biết bao với những hành động biết sống vì mọi người. Các bạn sẵn sàng dắt cụ già qua đường, nhường ghế cho phụ nữ mang thai trên xe buýt hay chỉ đơn giản là mua giúp trẻ em nghèo tờ vé số…

“Đôi khi ứng xử đẹp chẳng có gì to tát, chỉ là một lời cảm ơn khi bạn giúp mình, một lời xin lỗi chân thành khi mình nói sai và hỗ trợ khi có ai đó cần giúp đỡ”- Mỹ Tiên cho biết.

Còn bạn Quốc Nghị- sinh viên năm 4- chia sẻ: Người trẻ ai cũng từng “Tiên học lễ- Hậu học văn”. Chính vì thế mình phải biết giao tiếp, ứng xử sao cho có lễ độ. Mình phải tự ý thức, biết hành vi nào đẹp, hành vi nào xấu để tự mình điều chỉnh. Ứng xử đẹp thì có lợi cho mình và cho cả người khác.

Nói về vấn đề ứng xử của giới trẻ, có không ít ý kiến cho rằng do sự tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường làm cho nhiều thanh niên chạy theo lối sống đua đòi, ích kỷ, nhận thức về đạo đức sai lệch. Bên cạnh, còn có yếu tố như gia đình ít quan tâm đến con cái; mô hình giáo dục, rèn luyện chưa đáp ứng yêu cầu mới thì có quá nhiều những tác động xấu làm biến đổi nhanh đến suy nghĩ, ảnh hưởng mạnh đến văn hóa, đạo đức, lối sống của thanh niên…

Theo diễn giả Bùi Tiến Hưng, văn hóa ứng xử là kỹ năng cần thiết mà bạn trẻ cần phải trang bị. Bạn trẻ cần phải sống thật tử tế, đàng hoàng, phải nở nụ cười tươi và “cúi đầu” trước người khác.

Diễn giả nhấn mạnh: Nếu biết suy nghĩ tích cực, biết đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để hiểu và cảm thông chia sẻ thì sẽ tìm ra cách ứng xử đúng. Ứng xử có văn hóa sẽ là “bí kíp” để các em được mọi người yêu thương, từ đó sẽ gặt hái thành công trong cuộc sống.

Bài, ảnh: PHƯƠNG VY