Cùng người trẻ theo bước chân xuân

Cập nhật, 06:20, Thứ Năm, 07/02/2019 (GMT+7)

Xuân là gì trong mắt bạn trẻ? Là nắng ấm áp, vàng tươi trong tiết trời se se lạnh; cánh mai, nhành đào rung rung trong làn gió. Là bữa cơm sum họp gia đình hay những chuyến du ngoạn trong không gian vạn vật sinh sôi, đâm chồi nảy lộc. Với người tuổi đôi mươi, bước chân của mùa xuân dường như mang phong vị riêng, giao hòa giữa ngày tháng đoàn viên cùng hành trình trải nghiệm.

Sum họp, quây quần cùng gia đình thể hiện sự trân trọng nghi lễ truyền thống tết.
Sum họp, quây quần cùng gia đình thể hiện sự trân trọng nghi lễ truyền thống tết.

Tết là nhà!

Trong tâm hồn của người Việt bao đời nay, Tết Nguyên đán mang giá trị thiêng liêng mà gần gũi. Theo dòng chảy thời gian, nhiều người nói giới trẻ dường như sống quá “hiện đại”, sợi dây gắn kết truyền thống mỏng manh dần.

Lì xì đầu năm mới là một nét văn hóa đẹp trong Tết cổ truyền của người Việt Nam.
Lì xì đầu năm mới là một nét văn hóa đẹp trong Tết cổ truyền của người Việt Nam.

Vậy nhưng khi mùa xuân gõ cửa, hành động “tết là để về nhà” của nhiều bạn trẻ như minh chứng cho truyền thống tết vẫn được giữ gìn, kết nối đến thế hệ hôm nay. Tết là khi về bên gia đình, sum vầy và đắm chìm trong tình cảm đoàn viên, thắt chặt truyền thống tết Việt.

Đối với bạn Lê Đỗ Thị Thủy Ngân (xã Tường Lộc- Tam Bình), tết là dịp và cũng là cơ hội quý giá để sau một năm vất vả, gia đình có thể sum họp, đoàn tụ.

Nơi căn nhà nhỏ ấm cúng, tết bắt đầu từ lúc mọi người rủ nhau lặt lá mai, độ khoảng rằm tháng Chạp. Bữa cơm tất niên gồm mấy món quen thuộc, không năm nào thiếu thịt kho hột vịt và dưa chua. Chảo mứt dừa, mứt gừng dẻo nghi ngút khói, tỏa hương thơm lừng.

“Đón giao thừa là phải cắt một nhánh mai mang vào nhà như rước may mắn ngày đầu năm. Bước qua năm mới, con cháu mừng tuổi cha mẹ, người lớn... Nhiều cái hay lắm mà kể không hết”- Ngân vui vẻ chia sẻ về tết của nhà mình.

Và “nếp tết” gia đình Ngân cũng giống như nhiều gia đình khác trong xóm nhỏ trồng đầy hoa vạn thọ vàng trước cổng.

“Chộ ơi, mình quá thích tết luôn. Tết là gặp mặt, là cười nói rôm rả, cùng nhau ăn bánh mứt kể chuyện nhau nghe. Đôi khi cả năm mới gặp nhau vào dịp tết”- bạn Lưu Tú Nguyên (huyện Giá Rai- Bạc Liêu) tít mắt cười khi nói về tết.

Lập nghiệp phương xa, tết là “tức tốc” về nhà, để được sống “trọn” một năm. Nguyên gói ghém tết bằng những ngày cuối năm cùng mẹ quết bánh phồng, làm bánh củ cải, có gà và xôi.

“Đĩa xôi phải đầy, năm mới sẽ thịnh”. Tết cổ truyền đối với Nguyên còn là câu nói “thuộc nằm lòng” của mẹ: “Tết năm nay hoa phải đẹp hơn, trái cây tươi hơn, đồ ăn đầy ắp hơn năm qua”.

Mỗi một mùa xuân đến, chúng ta mong muốn sự ấm áp, bình yên và rộn rã chúc nhau thông điệp “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua”(*). Tết với nhiều người trẻ không to tát, khoa trương. Tết là khi nhắc đến ta liền cảm nhận được niềm vui, dạt dào cảm xúc.

Dạo bước du xuân

Đất trời ưu ái, mùa xuân mang đến bầu không khí thích hợp để trải nghiệm, du ngoạn. Vì vậy, với nhiều người trẻ, bên cạnh trở về bên gia đình, tết còn là thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn, sống cho mình, tận hưởng một kỳ nghỉ thú vị sau những ngày làm việc.

Những năm gần đây, người trẻ có xu hướng chọn những chuyến du lịch vài ngày để nghỉ ngơi cùng gia đình.

Người trẻ du xuân cùng tà áo dài như “nối tiếp” nét văn hóa truyền thống của mùa xuân.
Người trẻ du xuân cùng tà áo dài như “nối tiếp” nét văn hóa truyền thống của mùa xuân.

Bạn Tăng Kim Uyên (Phường 9- TP Vĩnh Long) chia sẻ: “Nhiều gia đình dành cả kỳ nghỉ tết để tụ họp gia đình. Còn gia đình mình thay đổi một chút. Không chỉ ở nhà mới là sum họp, đón tết ở nơi xa, cùng nhau du lịch. Vì tết là để trải qua giây phút vui vẻ, hạnh phúc cùng nhau mà”.

Tết rồi, cả gia đình bạn cùng dành thời gian bên nhau trong chuyến du xuân Đà Lạt tràn ngập hương xuân với ngàn hoa khoe sắc.

Với tính chất đặc thù của hướng dẫn viên du lịch, hơn 3 năm với nghề, tết của bạn Châu Quốc Tuấn (xã Thiện Mỹ- Trà Ôn) luôn đồng hành với những chuyến du xuân.

Với bạn, cảm giác thành phố vắng bóng người, gió xuân lành lạnh mà đi tour rất khó diễn tả, bồi hồi, phấn khởi và xen chút nhớ nhà.

Nói về sự lựa chọn du xuân dịp tết, Tuấn cho biết: “Tết cũng là dịp hiếm hoi gia đình được đoàn tụ đầy đủ, có thể có cả bà con họ hàng thân thuộc về chơi cùng. Tất cả sẽ cùng có một chuyến du xuân.”

Tuấn mỉm cười đầy tự hào: “Hướng dẫn viên là sứ giả văn hóa của địa phương nơi du khách đến tham quan. Mình mong muốn đem đến mùa xuân sum vầy, ý nghĩa trên từng chuyến đi cho mọi người ”- Tuấn nói thêm.

Đi chơi tết, trải nghiệm xuân không chỉ gói gọn trong tận hưởng “mùa đẹp” ở một vùng đất xa, điểm du lịch hấp dẫn cùng gia đình.

Đồng hành cùng “bước chân” của mùa xuân đối với các bạn trẻ đơn giản còn là đi lễ chùa cầu bình an, họp lớp đầu năm hay đơn giản bắt đầu bằng hành trình chúc tết bà con, họ hàng.

Bước ra khỏi nhà để “refesh” bản thân, cảm nhận cảm xúc mới mẻ, khởi đầu của bốn mùa đất trời, cùng mùa xuân cất bước.

Tết Nguyên đán trong mắt người trẻ luôn là điều rất riêng. Tết hiện diện trong sớm mai trong lành, giọt sương đọng trên hoa mai, cơn nắng vàng dịu nhẹ, chuyến xe cồng kềnh chở tết về nhà, mùi quê hương ùa vào giác quan của những người con xa quê.

Hoặc có thể, tết thấm đẫm trên những chuyến du xuân, ẩn nơi nẻo đường xuân bình dị, chợ quê ngày cuối năm nườm nượp người, rong ruổi trong làng hoa rực rỡ.

Mỗi người đều có cách hưởng thụ tết theo cách của riêng mình. Nhưng chắc chắn rằng với người Việt Nam, tết là điều diệu kỳ không thể thay thế. Hôm nay gió xuân đã tràn về khắp nẻo! l

(*) Trích từ bài thơ chúc Tết Xuân Mậu Thân 1968 của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bài, ảnh: TUYẾT NGA