Ngày xuân nghe thanh niên nông dân kể chuyện làm giàu

Cập nhật, 13:20, Thứ Sáu, 25/01/2019 (GMT+7)

Có rất nhiều cách để làm giàu nhưng đối với những thanh niên giàu nghị lực, ngoài chăm chỉ, nỗ lực, thì phải biết tận dụng thời cơ và mạnh dạn trong cách nghĩ, cách làm. Ngày xuân, nghe những câu chuyện làm giàu càng cảm nhận rõ hơn sự quyết tâm và khát vọng vươn lên của những nhà nông trẻ.

Phải chịu khó và đam mê

Theo chân Bí thư Xã Đoàn Chánh Hội Nguyễn Thị Cẩm Tú chúng tôi đến thăm mô hình kinh tế của anh Võ Tuấn Kiệt. Trước sân nhà anh, không khí tết ngập tràn bởi có hơn trăm chậu hoa vạn thọ, mào gà đang bung nụ chào nắng mới. Đón chúng tôi với nụ cười tươi rói, anh phấn khởi nói: “Tết nào anh cũng trồng hoa để bán lại và trang trí nhà cửa cho đẹp”.

Rồi anh đưa chúng tôi tham quan trại nuôi chim trĩ cạnh nhà. Anh cho biết: Lúc mới ra riêng anh chỉ có đôi bàn tay trắng, khi đó tài sản duy nhất của anh chỉ vỏn vẹn 1 công vườn. Trải qua những năm tháng làm nhân công cho lò gạch, anh dành dụm được số vốn xây được căn nhà nho nhỏ để “an cư” rồi bắt đầu hành trình phát triển kinh tế của mình. Và chim trĩ chính là vật nuôi mà anh lựa chọn.

Theo anh Kiệt chim trĩ rất dễ nuôi mà lại hiệu quả.
Theo anh Kiệt chim trĩ rất dễ nuôi mà lại hiệu quả.

Theo anh, chim trĩ khá dễ nuôi, ít bệnh tật giá lại cao. Thời gian từ lúc nở cho tới xuất bán khoảng 4 tháng, lúc này chim trống nặng tầm 1,3kg, chim mái 1kg. Giá bán khoảng 150.000 đ/kg.
Lúc đầu anh nuôi thử 100 con chim trĩ bán lấy thịt, sau thấy hiệu quả anh phát triển lên đến 300 con, vừa nuôi lấy thịt vừa ấp trứng bán chim giống.

Quy trình từ lúc ấp trứng đến khi trưởng thành cũng đơn giản. Trứng khi cho vào lò ấp 24 ngày thì nở, lúc này chim còn yếu nên phải úm trong chuồng nhỏ với nhiệt độ ấm. Khoảng 1 tháng sau khi cơ thể đã cứng cáp thì cho ra chuồng trưởng thành, rộng và cao hơn.

Anh giải thích: “Loài này ưa cắn nhau, mỏ chúng rất nhọn và bén, nếu cắn mạnh quá thì sẽ bị thương dẫn đến chết, nên anh xây chuồng thành nhiều ngăn và “đeo vòng cổ” cho chim. Vậy mà hiệu quả...

Bên cạnh đó, tận dụng lồng ấp trứng chim trĩ, anh còn tự ấp trứng gà và bán gà con. Mỗi tháng bán khoảng 500 gà con cho thu nhập khoảng 5 triệu đồng. Đó là chưa kể anh còn trồng thêm 100 gốc thanh long vì “để đất trống thì phí lắm”.

Giờ đây với mô hình kinh tế này, mỗi năm anh thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Kinh tế phát triển, anh đã tu sửa lại nhà, mua sắm đầy đủ tiện nghi và phương tiện để đi lại.

Nghe anh Võ Tuấn Kiệt (xã Chánh Hội- Mang Thít) kể chuyện làm kinh tế, chúng tôi không khỏi khâm phục chàng thanh niên giàu nghị lực. Anh cười: “Làm nghề gì cũng vậy, phải có đam mê, không ngại khó thì mới mang lại hiệu quả được. Dù mỗi ngày tất bật nhưng tôi thấy rất vui và cuộc sống thật ý nghĩa. Nếu có điều kiện tôi sẽ tiếp tục phát triển mô hình với quy mô lớn hơn”.

Kiên trì với lựa chọn bản thân

Những ngày giáp tết, anh Nguyễn Minh Luân (xã Hòa Hiệp- Tam Bình) lại tất bật hơn. Vừa phải chăm sóc mấy đàn gà, bận sửa sang nhà cửa, anh còn phải chăm sóc mấy cây mai trước nhà, vào gốc cho mấy chậu vạn thọ cho kịp trổ hoa ngay tết.

Bên tách trà thơm nóng hổi, anh bắt đầu câu chuyện về quá trình lập nghiệp tại quê nhà, mà theo anh đó cũng là cái duyên.

Anh chia sẻ: Lúc trước, tôi theo học ngành CĐ thú y, ra trường cũng đi làm được khoảng 2 năm. Làm ăn xa thu nhập cũng tạm ổn nhưng không được gần gia đình. Còn lập nghiệp tại địa phương thì cần phải bền chí, chịu khó làm ăn. Với hoàn cảnh gia đình tôi lúc đó, tôi quyết định về nhà phụ cha mẹ gánh vác việc gia đình.

Kể từ đó anh cũng bắt đầu trở thành nông dân thực thụ. Ngoài việc chăm lo 7 công ruộng của gia đình, thời gian rảnh còn lại anh tự gầy dựng cho mình mô hình nuôi gà thịt, vì anh nghĩ rằng mình có kiến thức chăn nuôi nên chắc tỷ lệ thành công sẽ cao. Hơn nữa, phải tìm việc làm thêm thì kinh tế gia đình mới khấm khá lên được, mới có điều kiện để nuôi cha mẹ già.

Anh Nguyễn Minh Luân cho rằng làm kinh tế hiệu quả không khó khi mình có quyết tâm.
Anh Nguyễn Minh Luân cho rằng làm kinh tế hiệu quả không khó khi mình có quyết tâm.

Do lúc đầu không có nhiều kinh phí nên anh tự mình dựng chuồng trại, làm đệm lót bằng cách kết bao, rải trấu lên toàn bộ diện tích mặt chuồng. Ban đầu anh nuôi thử vài trăm con “để lấy kinh nghiệm”. Qua đợt nuôi ấy, anh lời được hơn chục triệu đồng. Thế là anh quyết định dùng số tiền ấy để tiếp tục đầu tư mở rộng mô hình lên 500 con, rồi đến trên 1.000 con gà thịt.

Theo anh, nuôi gà tuy không quá khó nhưng cần phải chăm sóc và phòng bệnh theo mùa. Nắng thì phải ngừa bệnh hô hấp, còn mưa thì ngừa bệnh cầu trùng. Lúc gà còn nhỏ, anh cho gà vào chuồng. Từ 1- 2 tháng trở đi, anh chỉ cho gà ở chuồng vào ban đêm, còn ban ngày thả ra vườn. “Với phương pháp này mà đàn gà thường xuyên vận động, nên tăng trọng nhanh, thịt lại ngon. Nhờ vậy mà gà chưa kịp xuất chuồng đã có thương lái “đặt cọc” trước rồi”. Vừa nói anh vừa hướng ánh mắt ra sau vườn với hàng trăm con gà độ trưởng thành đang nhởn nhơ tìm mồi.

Anh cười cho biết: “Vài ngày nữa, tôi sẽ bán hết lứa gà này, thu nhập khoảng vài chục triệu. Chắc chắn tết này gia đình tôi sẽ sung túc, đầy đủ hơn”.

Nhìn nét mặt phấn khởi của anh khi kể chuyện làm kinh tế cũng như quyết định đúng đắn khi về quê lập nghiệp trên mảnh đất quê nhà chúng tôi thầm cảm phục chàng trai trẻ “có hiếu với gia đình lại chí thú làm ăn”.

Những ngày đầu năm mới có dịp trò chuyện với những thanh niên làm kinh tế giỏi mới thấy hết ý chí vươn lên làm giàu chính đáng của họ. Tin rằng với sự cần cù, chịu khó cùng với sự lạc quan, không bằng lòng với hiện tại thì dự định làm giàu của các thanh niên ấy chắc chắn sẽ không khó.

Bài, ảnh: PHƯƠNG VY