Năn bộp- từ "cỏ dại thành đặc sản"

Cập nhật, 12:23, Thứ Năm, 03/01/2019 (GMT+7)

Đây là ý tưởng khởi nghiệp của bạn Nguyễn Ngọc Ngân (TX Ngã Năm- Sóc Trăng). Năn bộp là loại cây trồng “cực nhất” trong nghề nông, thế nhưng người trồng nó luôn gặp những “nỗi đau” vì đầu ra không ổn định, giá cả lại thấp. “Đưa năn bộp trở thành đặc sản là ý tưởng tận dụng nguồn tài nguyên bản địa tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường vừa giúp bà con vươn lên khá giả”- Ngọc Ngân chia sẻ.

Ngọc Ngân (giữa) giới thiệu sản phẩm được làm từ năn với đoàn viên thanh niên.
Ngọc Ngân (giữa) giới thiệu sản phẩm được làm từ năn với đoàn viên thanh niên.

Hiện thực hóa ý tưởng

Năn trước đây được xem là món ăn “đỡ đói” qua ngày của những người bình dân ở vùng “trũng” Sóc Trăng. Lâu dần món ăn này có mặt hầu hết trong những bữa cơm bình dân gia đình và được người dân phát triển thêm diện tích. Điều này cũng đồng nghĩa với việc người trồng sẽ gặp khó trong việc tìm thị trường.

Năn bộp có nhược điểm là khó bảo quản và vận chuyển nên sản phẩm khó có thể tiêu thụ ở các tỉnh khác.

Thêm nữa, đây là loại cây trồng được mệnh danh “cực khổ” vì nữa đêm nông dân phải trầm mình dưới nước thu hoạch nhưng giá cả thì bấp bênh, thu nhập không ổn định…

Đó chính là những lý do khiến cho Ngọc Ngân- cô sinh viên ngành Quản lý tài nguyên và môi trường Trường Đại học Cần Thơ luôn trăn trở và ấp ủ Dự án “Phát triển chuỗi cung ứng năn từ nông thôn đến thành thị tạo thương hiệu cho quê hương đất Sóc Trăng”.

Vừa tốt nghiệp ĐH tháng 4/2018, Ngân rủ thêm cộng sự là anh Trần Văn Triển cùng bắt tay thực hiện dự án này.

Bắt đầu là khâu liên kết với nông dân trồng năn an toàn và tự nhiên khi trong suốt quá trình canh tác- chỉ bón phân duy nhất một lần sau khi cấy.

Kế đến, là tập trung nghiên cứu đa dạng các sản phẩm từ năn như: năn chưa bóc vỏ, năn đã bóc vỏ, dưa năn truyền thống và dưa năn 3 vị.

Và sau đó đến khâu đóng gói, quảng bá giới thiệu sản phẩm ra thị trường… Tất cả được làm bằng thủ công và do Ngân và anh Triển tự tay làm.

Ngân cho hay: Trong chế biến sản phẩm thì khâu định lượng công thức chuẩn là quan trọng nhất. Vì nếu chưa chuẩn thì dưa sẽ không còn độ giòn, màu sắc không đẹp, vị không ngon.

So với năn tươi thì dưa năn đảm bảo an toàn, tiện lợi. Đặc biệt là “có hương vị lạ mà ngon”, có thể bảo quản lâu hơn và có giá trị kinh tế cao hơn.

“Việc đa dạng hóa sản phẩm sẽ giúp cây năn vươn xa hơn đến các thị trường khác”- Ngọc Ngân cho biết.

Nói về giá trị kinh tế cho người dân, Ngân nhẩm tính: 1kg năn tươi có giá 45.000đ, còn 1kg dưa năn có giá trên 110.000đ. Và 1kg năn tươi làm ra được trên 600g dưa năn. Tính ra làm dưa năn thì nông dân lời trên 20.000 đ/kg.

Hành trình ý nghĩa

Ngọc Ngân mong muốn sản phẩm từ năn sẽ trở thành đặc sản quê hương được nhiều người biết đến.
Ngọc Ngân mong muốn sản phẩm từ năn sẽ trở thành đặc sản quê hương được nhiều người biết đến.

Đối với sinh viên mới ra trường, việc tự mình khởi nghiệp ắt hẳn sẽ chẳng dễ dàng và Ngân cũng vậy. Bởi theo Ngân thì “lúc đó em có kinh nghiệm chi đâu, cộng với kiến thức khác xa với công việc hiện tại nên em phải tự mày mò nghiên cứu, tự đào sâu kinh nghiệm từ thực tế”.

Ngân cho hay: muốn dưa năn ngon mình phải chế biến khi còn tươi. Vì vậy có những hôm cô nàng phải thức sớm đến tận nơi thu năn tươi rồi cẩn thận vận chuyển để không bị giập nát. Phải chế biến sản phẩm trong ngày nếu không thì năn sẽ dai và kém chất lượng…

Hơn nửa năm “đưa năn trở thành đặc sản” dù chưa có thể gọi là thành tựu đáng kể nhưng bước đầu Ngân đã phát triển được chuỗi cung ứng năn từ nông thôn đến thành thị với hơn 10 đại lý trong và ngoài tỉnh đặt sản phẩm thường xuyên.

Trung bình mỗi ngày cơ sở sản xuất Ngân Anh cung cấp khoảng 20kg dưa năng cho khách hàng. Tính ra doanh thu mỗi tháng trên 60 triệu đồng.

Từ khi bắt đầu hành trình khởi nghiệp, bản thân tự nghiên cứu, tìm tòi tạo ra sản phẩm mới nhằm nâng cao giá trị sản phẩm địa phương. Rồi tự học cách kinh doanh, tìm kiếm thị trường, Ngân cảm thấy khởi nghiệp là hành trình gian nan nhưng rất ý nghĩa.

“Bởi mỗi sản phẩm được bán ra nhận được sự tin yêu của khách hàng không chỉ mang đến thu nhập cho bản thân, mà còn giúp bà con địa phương có thu nhập ổn định hơn”- Ngân bộc bạch.

Hiện em đang tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện về chất lượng, bao bì và cách bảo quản sản phẩm được lâu hơn mà vẫn ngon “vì hiện tại dưa năn thời hạn sử dụng chỉ có 2 tuần mà thôi”.

Cùng với đó là mở rộng thị trường, hướng vào các nhà hàng, quán ăn và đặc biệt là khách du lịch. “Dưa năn vừa tiện lợi khi sử dụng, lại vừa có thể đem đi xa là sản phẩm sẽ được khách hàng quan tâm”- cô nàng tự tin nói.

Ngân cho biết thêm: địa phương có nguồn nguyên liệu dồi dào với khoảng 100ha trồng năn. Chính vì thế mà “em sẽ tiếp tục thực hiện dự án của mình đến khi nào đời sống của người dân được cải thiện hơn và năn trở thành đặc sản Sóc Trăng được nhiều người biết đến”.

Bài, ảnh: CẨM HUỆ